Cuốn sách khắc họa 23 chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam thuộc nhiều thế hệ.
“Góc nhìn đa chiều trong sáng tạo văn học, nghệ thuật” là tập phê bình, tiểu luận được thực hiện công phu trong nhiều năm của Đại tá, nhà văn Phạm Xuân Trường (sinh năm 1974 tại Hải Phòng), Tổng biên tập, Giám đốc NXB Quân đội nhân dân.
Trong tập sách dày 300 trang do NXB Quân đội nhân dân vừa phát hành này, Phạm Xuân Trường đã khắc họa 23 chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam thuộc nhiều thế hệ. Đó là những tên tuổi trưởng thành qua kháng chiến như Chu Lai, Văn Lê, Nguyễn Quốc Trung, Phạm Tiến Duật, Thế Anh, Phạm Thị Thành… và những lớp nghệ sĩ trẻ đã khẳng định vị trí của mình như Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Tư… để qua đó nói lên sự say nghề, tâm huyết và nỗi lòng trăn trở của các văn nghệ sĩ với sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà hôm nay.
Trong bài “Muốn trở thành nghệ sĩ lớn phải có tầm văn hóa cao”, Đại tá Phạm Xuân Trường dẫn lời của Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh, người đóng gần 100 bộ phim và được khán giả yêu mến rằng: “Người nghệ sĩ muốn bay cao, bay xa thì một phần nhờ năng khiếu, nhưng vẫn phải có vốn tri thức, tầm văn hóa cộng với lao động nghệ thuật rất nghiêm túc thì mới thành công”. Người diễn viên muốn trở thành nghệ sĩ lớn cần phải có tri thức, tầm văn hóa thì mới đủ tầm để vươn xa.
Ở bài phỏng vấn nhà văn Chu Lai có tên “Càng cô đơn càng có sức tưởng tượng mạnh”, tác giả Phạm Xuân Trường nhắc đến trăn trở của Chu Lai về đề tài chiến tranh cách mạng, sợ rằng sức tàn lực kiệt, năng lực sáng tạo chỉ còn như ngọn đèn trước gió, không hy vọng ra được tác phẩm lớn xứng tầm với hai cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Món nợ văn chương, nợ tác phẩm xứng tầm với cuộc chiến mà nhân dân đã trải qua chỉ còn biết hy vọng vào thế hệ trẻ. Tác giả đã dẫn lời Chu Lai rằng: “Tài năng văn chương không phụ thuộc vào vùng miền, vào rừng sâu núi đỏ, vào tri thức cao hay thấp mà phụ thuộc vào chính nội lực của mình”.
Mỗi chân dung các văn nghệ sĩ đã được tác giả Phạm Xuân Trường khắc họa bằng những lời tâm sự chân thành và nhiều chi tiết kể hấp dẫn. Ông đã “làm tròn” tâm huyết của nhà văn Văn Lê (1949 – 2020) qua điện đàm, khiến người đọc tiếc nuối: “Tao đang viết một cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng, gồm những bức điện từ miền Bắc đánh vô trong Trung ương Cục miền Nam rất hay…”, nhưng chưa kịp hoàn thành dự định này thì hôm sau nhà văn Văn Lê đã qua đời, để lại thương tiếc lớn lao cho bạn bè, đồng đội…
Viết về chân dung Đại tá, nhà văn quân đội Nguyễn Quốc Trung – người đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật sau khi qua đời trong đại dịch Covid-19, tác giả đã kể lại chi tiết nhức nhối về những người lính hóa điên hoặc chết khát vì thiếu nước khi chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Thiếu nước đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhà văn Nguyễn Quốc Trung nên sau này ông rất thèm tắm, ngày nào cũng tắm nhiều lần. Sau khi ông qua đời, vợ con đã đưa ông về quê hương Sơn Ninh, Hương Sơn, Hà Tĩnh để an táng. Bên cạnh mộ ông, người em trai đã đặt một bể luôn đầy nước để ông có thể tắm thỏa thích…
“Góc nhìn đa chiều trong sáng tạo văn học, nghệ thuật” của Phạm Xuân Trường là tập tiểu luận công phu. Ông còn mang đến nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc qua việc giới thiệu, trò chuyện cùng nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Trà Giang, Thế Hiển, Thu Hiền, Ánh Tuyết, Đặng Nhật Minh, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Minh Ngọc, Phạm Thị Thành, Lê Văn Thảo, Hữu Thọ… Qua đó giúp nhiều người hâm mộ hiểu thêm về những văn nghệ sĩ có đóng góp cho sự phát triển văn hóa dân tộc và những chặng đường lịch sử đã qua.