Nếu gửi dưới 3 tháng, có ngân hàng trả lãi tới 4%/năm nhưng có nơi chỉ trả 2,6 – 2,8%/năm. Tương tự là các kỳ hạn dài hơn cũng có sự chênh lệch đáng kể.
Trên thị trường hiện nay có nhiều kênh đầu tư khác nhau, phổ biến là đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng và gửi tiết kiệm. Trong đó, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản và vàng được nhiều người ưa chuộng vì lãi cao, đặc biệt nếu gặp được “sóng” như chứng khoán và bất động sản thời gian qua thì nhà đầu tư dễ dàng kiếm lãi vài chục phần trăm quy theo năm. Tuy nhiên, đi kèm lợi nhuận cao thì cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là với những người không nắm vững kiến thức chuyên sâu về các thị trường này, ấy là chưa kể khi thị trường hết “sóng”, nhà đầu tư dễ bị “kẹt” hoặc phải cắt lỗ sâu, tài sản “bốc hơi” là điều khó tránh.
Tiền gửi ngân hàng có lãi suất rất thấp nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng bởi không đòi hỏi số tiền phải lớn, cũng không yêu cầu phải có kiến thức đầu tư, lại an toàn tuyệt đối khi tuân thủ các quy định của ngân hàng. Chỉ với 1 triệu đồng, người dân đã có thể gửi tiền ở ngân hàng theo các kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 năm. Bên cạnh đó, gửi tiền ngân hàng còn không phải lo rủi ro khi thị trường lên xuống. Người gửi tiền chỉ cần đến ngân hàng, đọc kỹ và ký vào các giấy tờ theo form của ngân hàng, sau đó nhận sổ tiết kiệm, hoặc chỉ cần một thao tác online là có thể gửi được tiền với nhiều sản phẩm tiền gửi khác nhau, kỳ hạn khác nhau. Những thông tin liên quan đến tình trạng sổ tiết kiệm đều có thể kiểm tra bất cứ lúc nào thông qua app của ngân hàng hoặc tin nhắn.
Gửi tiền tiết kiệm, ngoài vấn đề an toàn, bảo mật và chọn lựa kỳ hạn phù hợp để gửi, thì vấn đề lãi suất cũng nhiều người quan tâm. Theo khảo sát của chúng tôi trên thị trường trung tuần tháng 6, lãi suất của các ngân hàng có sự chênh lệch đáng kể, có ngân hàng lãi cao nhất chưa đến 5%năm (kỳ hạn 1 năm), nhưng có nhiều nơi vẫn được trên 6%.
Vậy gửi tiền ở ngân hàng nào có lãi cao nhất hiện nay?
Đối với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng, trả lãi cao nhất phải kể đến VietBank khi nhà băng này đang huy động với lãi từ 3,9 – 4%/năm (cũng là mức trần của NHNN), tiếp đến là các ngân hàng như Nam A Bank và SCB (3,95%/năm), NCB trả 3,8%/năm, PVcomBank lãi 3,75 – 3,9%/năm. Trong khi đó ở nhóm có lãi suất thấp nhất, Techcombank chỉ trả lãi 2,6 – 3,1%/năm tùy đối tượng khách hàng và kỳ hạn 1 tháng hay 3 tháng, trong khi Vietcombank niêm yết lãi suất ở 2,8 – 3,3%/năm.
Với các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến dưới 1 năm, lãi suất cao nhất hiện nay thuộc về các ngân hàng là Nam A Bank, NCB, Bac A Bank, BaoViet Bank, VietBank và VietABank, dao động từ 5,9% cho đến 6,2%/năm. Các mức lãi suất này cũng cao hơn rất nhiều so với mức trên dưới 4%/năm ở các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Techcombank.
Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB với 6,8%/năm, tiếp đến là Kienlongbank 6,5%/năm. Các ngân hàng khác như NCB, Nam Á, Eximbank, VietBank, Bắc Á, Việt Á, Bảo Việt…cũng có lãi suất cao trên 6%/năm. Ngược lại, nhóm các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Agribank hay VietinBank, VPBank…lãi suất kỳ hạn 1 năm chỉ hơn 5%/năm, ngoại trừ Techcombank với chỉ 4,9%/năm.
Theo các chuyên gia, thực tế, lãi suất cao thường thấy ở những ngân hàng nhỏ, bởi họ có quy mô nhỏ và mạng lưới giao dịch eo hẹp, lượng khách hàng cũng hạn chế, buộc phải cạnh tranh bằng lãi suất với các ngân hàng lớn đang có mọi ưu thế về cả quy mô, mạng lưới, công nghệ lẫn đối tượng khách hàng. Nếu không đưa ra lãi suất cao hơn, các ngân hàng đó gần như rất khó để hút được khách. Song cũng có một số trường hợp ngân hàng lớn đưa ra lãi suất cao vì thanh khoản eo hẹp hơn các nhà băng khác.