Chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên thành viên Tổ tư vấn Chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết, việc Hà Nội dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030 là “chủ trương hoàn toàn đúng”.
Chủ trương đúng
Ngày 4/7, HĐND TP Hà Nội đã chính thức thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”.
Hiện nay Hà Nội có 5,2 triệu xe máy, hơn 485 nghìn ô tô, trong khi đó năng lực đường đô thị chưa đáp ứng so với yêu cầu. Vì vậy, Hà Nội lo ngại tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành và các cửa ngõ ra vào thành phố ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, tết.
Video: Phụ huynh ở Hà Nội lo lắng tắc đường ngày khai giảng
Nhận xét về Đề án này của TP Hà Nội, ông Nguyễn Gia Hảo, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên thành viên Tổ tư vấn Chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết đây là “chủ trương hoàn toàn đúng”.
“Chủ trương của thành phố Hà Nội và kể cả TP.HCM là hạn chế xe máy lưu thông trong thành phố là chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong khi phương tiện công cộng chưa phát triển và đáp ứng nhu cầu đi lại và thu nhập của của người dân còn thấp và thói quen “sính” đi xe máy như hiện nay (cách vài trăm mét cũng đi xe máy), ta phải thừa nhận rằng tai nạn giao thông, ách tắc giao thông phần lớn lại do người điều khiển xe máy do không hiểu biết luật giao thông và ý thức kém gây ra”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Gia Hảo nhận xét.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Gia Hảo, việc giảm lượng xe máy trước tiên phải có “hạn ngạch” (quota) hàng năm giảm dần. Nếu các đô thị có chủ trương áp dụng, nhưng các tỉnh lân cận lại không làm thì khó tránh khỏi việc “mua quota” của tỉnh khác. Nên lãnh đạo thành phố cần kiến nghị với Chính phủ về việc này để giải quyết đồng bộ trong cả nước.
Cần căn cứ vào lộ trình hoàn thành các công trình giao thông công cộng, trước mắt là tuyến đường sắt trên cao, đường tàu điện ngầm và các loại phương tiện khác để từ đó có lộ trình giảm dần đến khi cấm hẳn xe máy trong thành phố. Hà Nội đã thử nghiệm các tuyến phố đi bộ và được người dân và khách du lịch hoan nghênh thì cũng cần nghiên cứu để thử và đi đến thực hiện ngày/tuyến phố cấm xe máy.
Ông Hảo phân tích: “Phương tiện xe máy hiện nay đã và đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quy hoạch giao thông ở các đô thị. Hiện nay, chỉ xét riêng thành phố Hà Nội, chính quyền mới chỉ giảm dần hạn ngạch cấp đăng ký, quy định các khu vực, con đường cấm xe máy, đôi khi đã tạo sự bất tiện cho người sử dụng xe máy.
Song trong tương lai chắc chắn cần phải tính đến việc cấm xe máy lưu thông trong nội đô theo các mốc thời gian phù hợp với sự gia tăng phương tiện công cộng như xe buýt, BRT, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm”.
Cần tạo sự hài hòa
Tiến sĩ Trịnh Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, cho rằng khi thực hiện Đề án, TP Hà Nội cần tính đến sự hài hòa giữa các phương tiện.
“Hà Nội đã thông qua Đề án nhưng vấn đề khi thực hiện cần xét đến yếu tố hài hòa giữa các phương tiện giao thông.
Một xã hội chỉ sử dụng xe đạp, xe máy hoặc đi bộ thì không thể coi là thịnh vượng vì tốc độ di chuyển, khả năng chuyên chở thấp. Một xã hội chỉ sử dụng ô tô cá nhân thì chắc chắc sẽ gặp rất nhiều vấn đề về ách tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông.
Trước mắt, có thể tập trung vào các giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng chuyến đi vận tải hành khách công cộng, nâng cao năng lực đáp ứng, sau đó giải pháp quản lý phương tiện cá nhân mới hiệu quả. Vấn đề bây giờ là không nên tranh cãi mà nên bắt tay vào thực hiện sao cho tốt”.
Theo tiến sĩ Trịnh Thanh Bình, tình trạng quá tải của xe buýt có thể giải quyết bằng việc áp dụng xe buýt hai tầng. Có rất nhiều nước đã dùng xe buýt hai tầng để vận chuyển hành khách như Anh, Đức, Ấn Độ, Singapore, Malaysia…
Để hạn chế được phương tiện cá nhân, Hà Nội sẽ phải áp dụng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như là thúc đẩy vận tải hành khách công cộng, BRT, xe buýt và có phương tiện hỗ trợ khác ở khu vực trung tâm, có thể là xe điện hoặc xe buýt. Nhưng song hành với nó hạ tầng giao thông vẫn phải tiếp tục cải thiện. Phát triển những hầm chui, cầu vượt để giải quyết ách tắc giao thông.
Vấn đề cuối cùng nói đến ở đây mới là quản lý, hạn chế phương tiện cá nhân làm sao cho đồng bộ giữa phương tiện cá nhân với phương tiện công cộng. Phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy, xe đạp vẫn nên sử dụng ở một vài khu vực vì nó phù hợp với điều kiện kinh tế người dân, với giao thông đô thị, vấn đề là phải quy hoạch sao cho hài hòa giữa các phương tiện này.