(VNF) – UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận kiến nghị của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về danh mục sửa chữa, thay thế cầu yếu, cầu tạm có tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Sở GTVT Hà Nội vừa phối hợp với các địa phương tiến hành thống kê và phân loại các công trình cầu trên địa bàn thành phố thành 3 nhóm chính.
Cụ thể, nhóm 1 gồm 117 cầu cần đầu tư xây dựng cầu mới thay thế (25 cầu do TP quản lý, 92 cầu thuộc địa phương). Nhóm 2 gồm 34 cầu cần sửa chữa, cải tạo (16 cầu do TP quản lý, 18 cầu thuộc địa phương). Nhóm 3 gồm 21 cầu cần theo dõi, kiểm tra duy tu định kỳ.
Theo ước tính, cần gần 360 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 58 cầu do Thành phố quản lý, và gần 2.700 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 114 cầu thuộc quyền quản lý của các địa phương.
Theo tìm hiểu, một số cây cầu thuộc sự quản lý của thành phố sắp tới sẽ được ưu tiên sửa chữa, bao gồm cầu Lủ (Hoàng Mai), Ngũ Xá (Ba Đình), Đông Yên (Quốc Oai), Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm), Suối Hai II (Ba Vì), Đen (Sóc Sơn), Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì), Thanh Quang (Hoài Đức) và Đỗ Xá (Thường Tín)…
Các cây cầu này đều nằm trên những tuyến đường có lưu lượng giao thông cao, đã được xây dựng từ lâu và hiện kết cấu đã xuống cấp, không còn đáp ứng được yêu cầu về tải trọng. Hiện tại, các cây cầu này đã được lắp biển cảnh báo hạn chế tải trọng, khiến khả năng lưu thông trên các tuyến đường bị ảnh hưởng.
Phần lớn các cây cầu thuộc quyền quản lý của các huyện đều là cầu tạm, kích thước hẹp, chỉ đáp ứng được cho một làn xe hoặc phương tiện thô sơ. Một số cầu được người dân tự dựng tạm bợ, không ổn định. Một số cây cầu này như cầu Thủy Trú (huyện Phú Xuyên), Đình (huyện Ứng Hòa), Trung Hòa (huyện Mỹ Đức), Gấu (thị xã Sơn Tây), Hà Lâm 1 (huyện Đông Anh), và Lương Phúc (huyện Sóc Sơn) cũng nằm trong danh sách cần sửa chữa hoặc thay mới để đảm bảo an toàn giao thông.
Sở GTVT Hà Nội đã trình UBND thành phố kế hoạch triển khai giai đoạn 1, ưu tiên xử lý những cây cầu thuộc nhóm 1 và nhóm 2. Các địa phương cũng đã kiến nghị Thành phố hỗ trợ ngân sách, do kinh phí thực hiện khá lớn và khả năng cân đối của các địa phương còn hạn chế.
Sở GTVT cho biết, nhiều cây cầu hiện nay không có hồ sơ hoàn công hoặc hồ sơ kiểm định đầy đủ, và nhiều công trình cầu yếu, cầu tạm sau khi rà soát tập trung chủ yếu ở các địa bàn huyện, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn để đầu tư xây dựng và sửa chữa.
Tiếp tục rà soát tổng thể cầu yếu, cầu tạm
Ngày 18/10, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 3477 chấp thuận đề xuất của Sở GTVT về kế hoạch xử lý các công trình cầu yếu đợt 1.
Theo đó, UBND TP giao Sở KH&ĐT tham mưu và dự thảo quyết định giao nhiệm vụ cho Sở GTVT lập và trình phê duyệt chủ trương đối với 25 cầu thuộc nhóm 1. Đồng thời, Sở Tài chính sẽ cân đối nguồn vốn cho 16 dự án sửa chữa, cải tạo cầu thuộc nhóm 2, nhằm hoàn thành trong đầu năm 2025.
Sở GTVT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan để triển khai 25 dự án xây mới và 16 dự án cải tạo. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá các công trình cầu khác còn lại để tổng hợp cập nhật, bổ sung đợt 2 danh sách các công trình cầu yếu cần xử lý (nếu có).
Các công trình cầu thuộc nhóm 1 sẽ hoàn thành chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2024 – 2025 và thực hiện đầu tư từ 2025 – 2028. Các công trình cầu thuộc nhóm 2 (cải tạo, sửa chữa) hoàn thành dứt điểm trong năm 2025.
Đối với cầu yếu do địa phương quản lý, các quận, huyện, thị xã cần rà soát, kiểm định và lập hồ sơ để ưu tiên sắp xếp đầu tư. Thành phố sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho các công trình xây mới thuộc nhóm 1 và bố trí khoảng 60,34 tỷ đồng cho 8 địa phương để sửa chữa 18 cầu yếu ngay lập tức.
Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT, nhấn mạnh việc cần tiếp tục hoàn thiện thông tin từ các địa phương để tổng hợp và trình UBND TP trong tháng 11/2024.
“Sở GTVT tiếp tục đôn đốc đề nghị 9 địa phương còn lại cung cấp số liệu để hoàn thiện chương trình tổng thể cải tạo, nâng cấp, xây dựng thay thế các công trình cầu yếu, cầu tạm báo cáo UBND TP trong tháng 11/2024”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay.