Hài hước tranh biếm họa trên báo chí miền Nam xưa

“Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975” cung cấp tư liệu về báo chí xưa qua những trích lọc, câu thoại ghi chép thời sự hóm hỉnh, phản ánh bằng tranh châm biếm.

Nhà báo Phạm Công Luận tiếp tục tập trung vào thế mạnh của mình khi phân tích đời sống văn hóa, xã hội của Sài Gòn – Gia Định xưa. Tác giả nhận thấy biếm hoạ là thể loại đồ họa báo chí hấp dẫn, có hàm lượng nội dung phong phú, đặc biệt là ở các nhật báo nên muốn phân tích rõ hơn về thể loại này ở báo chí miền Nam trước đây.

Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 là phần cảm hứng tiếp nối từ tác phẩm trước – Sài Gòn phong vị báo xuân xưa, gồm các bài viết, bài trích cùng nhiều hình ảnh biếm họa. Tác phẩm được phát hành khổ lớn với hơn 200 trang, 30 bài viết và hơn 4.000 tranh in màu.

Sách mở đầu bằng những dòng hồi tưởng về thời tuổi thơ vui tươi, êm đềm của tác giả: “Từ năm 1971, tôi sung sướng khi có thể xem tranh vui và biếm họa thường xuyên trên báo Thiếu Nhi ra hằng tuần, rất mê hai nhân vật Tí Xíu và Tí Ti do Vương Nghiêm và Nguyễn Tài vẽ. Ba tôi mỗi ngày mua hai tờ nhật báo là Sóng ThầnĐiện Tín, tờ nào cũng có biếm họa. Không thể quên những buổi tối, ba và bác Mười Thọ hàng xóm ngồi với nhau bên ly rượu ngũ gia bì nhỏ xíu, bình luận thời sự và nhắc đến tranh biếm của Tuýt, Chóe, Ớt… Những cái tên khá tức cười nhưng vẽ châm biếm rất thâm sâu”.

Biem hoa bao chi anh 1

Tác phẩm ‘Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975’.

Tác phẩm gồm hai phần, phần đầu khái quát về sự xuất hiện và các giai đoạn phát triển của thể loại tranh biếm họa trên báo chí tiếng Việt. Độc giả sẽ tiếp cận thể loại báo chí có sức nặng biểu đạt, nêu bật những vấn đề xã hội, mạnh dạn giễu cợt thói hư tật xấu của “người đời”, châm biếm chính sách và chính khách.

Phần Sự đời lắm nỗi mang tới một số bài báo đặc sắc trên các tờ báo có tiếng thời xưa, minh họa tranh ngắn, những câu chuyện dí dỏm được tuyển chọn như: Phong tục cưới gả năm… con Bò, Làm cách nào để kiếm được người chồng “lý tưởng”?, Gia đình Ba Lém, Trằn trọc trên giường

Biem hoa bao chi anh 2

Một trang của tác phẩm.

Phạm Công Luận giữ mạch cảm xúc tự nhiên, kết hợp với nguồn tư liệu dồi dào dựa trên thế mạnh là nhà báo sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Tác giả mong muốn tô đậm cá tính “người cầm cọ”, khi phải đánh cược sự tự do cá nhân để bộc lộ quan điểm qua một bức tranh châm biếm, tờ báo xưa cũng phải đánh cược cả vận mạng để phát hành. Ở chương Họa sĩ biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975, tác giả trân trọng giới thiệu đầy đủ lai lịch, nêu bật phong cách cá nhân, những tác phẩm ấn tượng của một số họa sĩ vẽ biếm họa, minh họa trên báo chí như Hoàng Lập Ngôn, Hưng Hội, Văn Hiếu…

Nhà báo Phạm Công Luận bộc bạch: “Họa sĩ biếm đáng được kính nể. Họ có thể vẽ tranh, vẽ nhân vật rất sinh động, lại biết cách diễn đạt khúc chiết ý tưởng của chính họ qua các hình tượng. Ngôn ngữ tranh biếm cô đọng, có khi không cần lời, chỉ cần một biểu tượng là có thể nhận diện ra một kế hoạch, một âm mưu, một tham vọng hay vấn đề lớn của một con người, một chính khách. Dáng nằm của một người nghèo có thể thấy cả cuộc đời bất hạnh”.

Biem hoa bao chi anh 3

Tác giả Phạm Công Luận.

Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn (viết chung với Phạm Lữ Ân), Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, tác giả còn mang đến nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về mảnh đất Sài Gòn xưa như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn 0 Ngoảnh lại trăm năm, Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ (in chung với họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm)…

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin