Hai mã cổ phiếu ngân hàng ‘tâm điểm’ tháng 11 được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng tới 20%

Hai mã cổ phiếu này ‘lọt mắt xanh’ chuyên gia bởi chiến lược kinh doanh hiệu quả, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn top đầu ngành, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt.

MBB – TPS khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 29.000 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng gần 16%

Chứng khoán TPS đưa ra khuyến nghị MUA cho cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB – Mã: MBB) với giá mục tiêu 29.000 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng 18% với giá đóng cửa phiên 31/10.

Mã cổ phiếu này ‘lọt tầm ngắm’ chứng khoán TPS bởi chiến lược kinh doanh hiệu quả, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn top đầu ngành.

Theo TPS, trong 5 năm gần nhất, có thể thấy chiến lược kinh doanh của ngân hàng MB tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân. Cụ thể, cuối 6/2024, tiền gửi không kỳ hạn khác của khách hàng của MBB đạt 230.210 tỷ đồng chỉ đứng sau nhóm ngân hàng Big4.

Trong khi đó, tiền gửi không kỳ hạn của MBB vào 2019 chỉ đạt 92,352 tỷ đồng, ngang với lượng tiền gửi của TCB và cao hơn không đáng kể so với nhóm các ngân hàng thương mại khác. Phần lớn sự thay đổi đáng kể này có thể thấy rõ kể từ khi MBB thực hiện chuyển đổi số vào giữa 2019.

Có thể thấy lượng khách hàng mới của ngân hàng MB tăng mạnh đỉnh điểm vào năm 2022 và 2023 với lần lượt là 6,9 triệu và 6,3 triệu khách hàng mới. Tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng MB ghi nhận tổng số lượng khách hàng đạt hơn 28 triệu khách và đang tiến đến cột mốc 30 triệu khách vào cuối năm 2024.

Ngoài ra, nhờ vào lượng khách hàng cá nhân lớn, tỷ suất CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của MB đang đứng đầu trong ngành đạt hơn 37%, xếp sau là TCB và VPB vốn cũng rất mạnh trong mảng chuyển đổi số, lần lượt đạt 36% và 33% vào cuối 6/2024.

Có thể nói rằng với chiến lược kinh doanh tập trung vào khối khách hàng cá nhân không chỉ giúp ngân hàng MB có lượng tiền gửi lớn mà còn giúp cho ngân hàng này có tỷ suất CASA tốt, giúp giảm áp lực biên lãi thuần NIM để có nhiều chính sách giá và sản phẩm cho vay tốt hơn.

Với kết quả rất khả quan như vậy, MBB tiếp tục tích cực phát triển mô hình Banking-as-a-Service (BAAS) vốn đã được triển khai từ 2021 cho phép các đối tác thứ ba kết nối với hệ thống của ngân hàng thông qua API để cung cấp trực tiếp các dịch vụ tài chính – ngân hàng tới khách hàng trên hệ thống ứng dụng/nền tảng của đối tác giúp thu hút thêm nhiều khách hàng mới cũng như mở rộng độ phủ và tiếp tục theo đuổi chiến lược kinh doanh này trong tương lai.

Tính đến hết năm 2023, MB đã có 12,688 khách hàng sử dụng hệ thống này. Dự kiến đến hết năm 2024, MB có 150,000 khách hàng, doanh số giao dịch qua BAAS dự kiến đạt 500,000 tỷ đồng, giữ vị trí số 1 thị trường. BAAS là dịch vụ đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp chuỗi khi giúp quá trình bán hàng tự động hóa nhanh chóng.

TCB – SSI khuyến nghị MUA TCB với giá mục tiêu 28.700 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng 20%

Chứng khoán SSI đã đưa ra khuyến nghị MUA cho cổ phiếu TCB với giá mục tiêu là 28.700 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng 22% so với giá đóng cửa phiên 31/10.

Mã cổ phiếu này ‘lọt mắt xanh’ SSI là bởi tín dụng duy trì đà tăng trưởng tốt, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt.

SSI cho biết, Techcombank đạt mức tăng trưởng tín dụng 17,5% tính từ đầu năm (hoặc 4,2% so với quý trước) lên 659,6 nghìn tỷ đồng trong quý III/2024. Động lực tăng trưởng tín dụng trong quý III/2024 gồm lĩnh vực sản xuất và chế biến (tăng 12,6 nghìn tỷ đồng so với quý trước), cho vay mua nhà (tăng 11,1 nghìn tỷ đồng so với quý trước), bất động sản (tăng 8,5 nghìn tỷ đồng so với quý trước), và chứng khoán (tăng 1,7 nghìn tỷ đồng so với quý trước).

SSI cho rằng thị trường bất động sản miền Bắc phục hồi là động lực chính khiến cho dư nợ cho vay mua nhà tăng mạnh trong quý III/2024. Ở khía cạnh khác, do UPAS LC được phân loại là hoạt động tín dụng theo luật các tổ chức tín dụng mới nên số dư UPAS LC giảm mạnh 45% so với quý trước còn 19,7 nghìn tỷ đồng trong quý III/2024. Điều này làm cho phí thanh toán giảm mạnh 26% so với quý trước.

Luận điểm thứ 2 được SSI lựa chọn mã cổ phiếu này là bởi chất lượng tài sản vẫn được kiểm soát tốt. Số dư nợ xấu tăng 11% so với quý trước lên 8,1 nghìn tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,29% trong quý III/2024 (tăng 6 điểm cơ bản so với quý trước).

Cụ thể, nợ xấu phân khúc bán lẻ được cải thiện, đặc biệt đối với mảng cho vay mua nhà (giảm 20 điểm cơ bản so với quý trước còn 1,99%) trong quý III/2024, trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu phân khúc khách hàng doanh nghiệp tăng lên 0,48% trong quý III/2024 (so với 0,32% trong quý II/2024) do các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và nguyên vật liệu. Mặc dù nợ xấu tăng trong quý III/2024, chi phí dự phòng giảm mạnh 32,5% so với quý trước xuống 1,1 nghìn tỷ đồng.

Biên lãi thuần NIM vẫn còn chịu áp lực. NIM giảm 43 điểm cơ bản so với quý trước đạt 4,23% trong quý III/2024, phù hợp với dự báo của SSI, do lợi suất sinh lời trên tài sản giảm 36 điểm cơ bản trong khi chi phí vốn tăng 12 điểm cơ bản so với quý trước.

SSI cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh với những ngân hàng khác và tác động của cơ chế định giá linh hoạt đối với khách hàng doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến lợi suất sinh lời trên tài sản suy giảm.

TCB dự kiến NIM trong quý IV/2024 sẽ tiếp tục chịu áp lực do lãi suất cho vay giảm để cạnh tranh với các ngân hàng khác và lãi suất huy động dự kiến tăng. Tuy nhiên, do mức NIM trong nửa đầu năm 2024 tích cực nên ngân hàng vẫn đặt mục tiêu NIM cả năm 2024 sẽ duy trì trên 4% và cải thiện nhẹ vào năm 2025.

Do đó, SSI đưa ra dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2024 và năm 2025 lần lượt đạt 27,8 nghìn tỷ đồng (tăng 21,5% so với cùng kỳ) và 32,3 nghìn tỷ đồng (tăng 16,2% so với cùng kỳ). SSI cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh với những ngân hàng khác và tác động của cơ chế định giá linh hoạt đối với khách hàng doanh nghiệp sẽ tiếp tục gây áp lực lên NIM mặc dù tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ tích cực. Theo đó, NIM dự kiến đạt 4,18% trong năm 2024 và sẽ tăng nhẹ lên 4,22% trong năm 2025. Chất lượng tài sản được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu dự kiến đạt 1,2% trong năm 2024 và 2025.

>> Một mã cổ phiếu ngân hàng ‘tăng tốc’ được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 22%

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin