Nếu RMB lên giá thì Việt Nam sẽ được hưởng một vài lợi ích như áp lực nhập siêu từ Trung Quốc sẽ giảm đi vì xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn trước. Tỷ giá vì thế sẽ bớt áp lực và NHNN có thêm dư địa ổn định thị trường cũng như lãi suất.
Ngày 30/11, IMF công bố rằng đồng tiền Trung Quốc Nhân dân tệ (RMB) đã thỏa mãn được 2 tiêu chí để được đưa vàogiỏ tiền tệ dự trữ SDR – Quyền rút vốn đặc biệt. 2 tiêu chí này là nước phát hành đồng tiền đó phải là một nước xuất khẩu lớn, và đồng tiền đó phải được tự do sử dụng (IMF chỉ rõ là tự do sử dụng chứ không phải là tự do chuyển đổi).
Theo đó, kể từ ngày 1/10/2016, RMB sẽ trở thành đồng tiền thứ 5 trong giỏ SDR bên cạnh USD, Euro, Yên Nhật và bảng Anh, với tỷ trọng tương ứng lần luwoj là 42% (USD), 31% (eurro), 11% (RMB), 8% (yên) và 8% (bảng Anh).
Việc IMF đưa RMB vào giỏ SDR chắc chắn sẽ có tác động ở một mức độ nào đó lên thị trường tài chính và tiền tệ của Việt Nam, không chỉ vì Trung Quốc là một quốc gia ngay sát nách Việt Nam và là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, mà còn vì việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lên luồng vốn ngoại tệ vào và ra khỏi Việt Nam, và, do đó, lên lãi suất nội tệ và ngoại tệ cũng như tỷ giá ở Việt Nam.
Tác động đầu tiên có thể kể đến là tác động lên dự trữ ngoại hối. Việc IMF đưa RMB vào giỏ SDR có nghĩa là RMB đã được công nhận chính thức là một đồng tiền dự trữ quốc tế, bất chấp việc Trung Quốc vẫn duy trì kiểm soát lưu chuyển vốn trên diện rộng (có nghĩa là không được tự do chuyển đổi). Tuy RMB chưa thể cạnh tranh và đe dọa vị trí thống trị của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng đây là một cú hích khích lệ các ngân hàng trung ương trên thế giới đưa thêm (nhiều hơn) RMB vào tronggiỏ tiền tệ dự trữ của mình. Như vậy có thể nhìn thấy trước triển vọng là nhu cầu RMB sẽ tăng lên trong tương lai gần làm tăng áp lực lên giá của RMB.
Nếu RMB lên giá thì Việt Nam sẽ được hưởng một vài lợi ích như áp lực nhập siêu từ Trung Quốc sẽ giảm đi vì xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn trước. Tỷ giá VND vì thế sẽ chịu bớt áp lực điều chinh theo hướng VND bị phá giá hơn trước đây, giúp NHNN có thêm dư địa để ổn định tỷ giá, và, do đó, ổn định lãi suất ở Việt Nam.
Tác động thứ hai là các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư quốc tế sẽ tăng cường mua nhiều hơn trái phiếu chính phủ và các tài sản giấy tờ có giá bằng RMB. Điều này trên lý thuyết sẽ làm tăng nhu cầu về RMB và đo dó làm tăng giá RMB. Đồng thời, các giấy tờ có giá của Trung Quốc trên thị trường tiền tệ quốc tế cũng có xu hướng tăng giá do nhu cầu về chúng sẽ tăng lên, tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các quốc gia muốn phát hành các loại giấy tờ có giá để huy động vốn trên thị trường quốc tế. Như thế, trong khi được hưởng lợi nhờ một đồng RMB mạnh hơn như nói ở trên, Việt Nam sẽ có khả năng phải trả một lãi suất cao hơn cho các loại trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp quốc tế phát hành trong nay mai.
Tuy nhiên, có những yếu tố quan trọng sẽ làm giảm áp lực tăng giá lên RMB của 2 tác động trên. Yếu tố cần nhắc tới trước tiên là xu hướng tăng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay và sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, kết hợp với một đồng bản tệ RMB được coi là đã bị định giá quá cao. Một khi RMB được công nhận là đồng tiền dự trữ quốc tế thì Trung Quốc đã chính thức được công nhận là đã (và bị bắt buộc phải) để cho lãi suất và tỷ giá của đồng tiền của mình do thị trường quyết định.
Như thế khả năng RMB bị mất giá mạnh theo xu hướng của những bản tệ khác trên thế giới mà Chính phủ Trung Quốc không thể can thiệp như hồi mấy tháng trước (đã phải bỏ ra đến 100 tỷ USD để nâng đỡ giá RMB) là đáng kể. Do đó, áp lực tăng giá RMB do các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư quốc tế tăng cường nắm giữ như nói trên sẽ bị dung hòa phần nào bởi áp lực mất giá RMB đến từ triển vọng không mấy tích cực của nền kinh tế thực của Trung Quốc.
Một yếu tố khác cần nhắc đến khi phân tích tác động của việc quốc tế hóa của RMB là một thực tế rằng hiện tại các ngân hàng trung ương trên thế giới đã nắm giữ khoảng 5% tài sản dự trữ ngoại hối là những tài sản bằng RMB. Bởi vậy, cho dù nếu các ngân hàng trung ương có tăng tỷ lệ tài sản bằng RMB lên cao hơn, ví dụ 10%, thì con số gia tăng thêm về nhu cầu RMB cũng chỉ có hạn ở nhiều nước. Hơn nữa, những nước bạn hàng chính của Trung Quốc có thể đã nắm giữ tài sản bằng RMB ở mức này hoặc thậm chí còn cao hơn nữa, và, do đó, càng làm giảm bớt mức tăng cầu RMB trên thực tế.
Ngoài ra, liên quan đến việc các nhà đầu tư quốc tế mua các giấy tờ có giá của Trung Quốc bằng RMB trên lãnh thổ Trung Quốc, hiện Trung Quốc vẫn đang áp dụng một số các hạn chế nên cho dù nhu cầu và khẩu vị cho tài sản của Trung Quốc có tăng lên nhưng chừng nào các hạn chế này chưa được gỡ bỏ hay nới rộng thì việc phổ cập của các loại tài sản này trên thị tường tài chính thế giới còn bị hạn chế, và do đó cũng không tạo thêm mấy áp lực cạnh tranh lên lãi suất phts hành bởi các nước khác như Việt Nam. Tuy nhiên về trung và dài hạn, các hạn chế này chắc chắn sẽ dần được bãi bỏ.
Tóm lại, có thể thấy trong ngắn hạn, việc IMF đưa RMB vào trong giỏ SDR sẽ không gây ra tác động lớn đến giá trị của RMB trong tương quan chung với các bản tệ khác, trong đó có tiền đồng của Việt Nam. Nhưng về trung và dài hạn, RMB có thể sẽ lên giá dần dần cùng với đà quốc tế hóa và sự thông dụng ngày càng tăng của RMB trên các thị trường tài chính quốc tế.