Nhìn nhà xưởng cùng hơn 5.000 m3 gỗ ngập trong nước lũ, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc công ty Lâm sản Thái Nguyên xót xa vì thiệt hại hơn chục tỷ đồng.
Nhận tin nước dâng cao tại TP Thái Nguyên hôm 9/9, ông Nguyễn Anh Dũng nhanh chóng huy động công nhân xuống khu vực nhà xưởng, kho hàng tại phường Đồng Bẩm để kiểm tra. Doanh nghiệp của ông Dũng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu, sản xuất gỗ dán, ván ép ở Thái Nguyên đã hơn 20 năm. Tuy nhiên, nước lên nhanh, khối lượng máy móc, nguyên vật liệu nặng nên cả lãnh đạo và nhân viên “không kịp trở tay”.
Sau hai ngày, nước lũ vẫn “ngập đến điều hòa” tại 18 nhà xưởng của công ty. Hơn 5.000 m3 gỗ ngâm trong nước, nhiều máy móc, nguyên vật liệu khác hư hỏng hoặc bị cuốn trôi. Ông Dũng ước tính tổng thiệt hại hơn chục tỷ đồng, chưa kể chi phí dọn dẹp, sửa chữa sau lũ.
“Giờ chúng tôi chỉ biết đợi nước rút để dọn dẹp, chưa tính được khi nào có thể hoạt động bình thường trở lại”, ông Dũng nói.
Tương tự, bà Phạm Mai Phương, lãnh đạo một công ty nội thất có trụ sở tại quận Long Biên, Hà Nội cho biết toàn bộ mặt bằng rộng 450 m2 bị ngập nặng sau khi mực nước sông Hồng lên 10,5 m – mức báo động hai. Rạng sáng 11/9, lãnh đạo công ty cùng nhân viên “chỉ kịp di chuyển máy tính lên tầng hai” vì nước lũ lên nhanh.
Bà Phương nói “chưa từng thấy lần ngập nào nặng nề như vậy”. Đến sáng 12/9 nước vẫn chưa rút hết. Khu xưởng này được đầu tư với chi phí gần 2 tỷ đồng. Hiện tất cả máy móc tại xưởng đều bị ngâm nước, nguyên liệu gỗ mới nhập về trị giá trăm triệu đồng cũng hư hỏng, chưa gồm chi phí sửa chữa.
“Tôi mới đầu tư xưởng nội thất này năm ngoái còn chưa thu hồi được vốn, giờ gần như mất trắng”, bà chia sẻ.
Tại Nam Định, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng gặp thiệt hại lớn sau trận ngập lụt ba hôm trước. Bà Thu Hương, Phó tổng giám đốc công ty may mặc có trụ sở ở phường Trường Thi, TP Nam Định nhớ lại lúc nửa đêm 10/9 nhận được tin nước dâng, chia cắt nhiều tuyến phố.
“Lúc đó chỉ có một người ở gần nhất chạy tới được xưởng, không kịp di dời kho vải vừa nhập về”, bà nói.
Qua một đêm bị ngập, khoảng 40 cây vải và hơn chục thùng nguyên liệu gồm cúc, chỉ… đều ngấm nước. Mỗi cây vải giá gần chục triệu đồng. 30 công nhân được huy động đến xưởng phân loại vải, chia các mẻ và gửi cho đơn vị sấy công nghiệp. Riêng chi phí sấy khô vải khoảng vài triệu đồng. Bà Hương cho biết lô vải sau khi sấy sẽ phải chờ khách hàng kiểm định lại chất lượng.
“Trường hợp khách không đồng ý và trả lại hàng, doanh nghiệp có thể thiệt hại hàng trăm triệu đồng”, bà Hương nói.
Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, nhiều hộ gia đình cũng chịu thiệt hại hàng trăm triệu đồng do hoàn lưu sau bão Yagi. Tại Bắc Giang, xưởng sản xuất của ông Đức Dũng ở huyện Lục Nam bị hư hỏng hàng nghìn bó ván gỗ thành phẩm, bay mái tôn khu xưởng rộng gần 1.000 m2. Bão vừa đi qua, nước sông Lục Nam dâng cao từ đêm 8/9 khiến khu xưởng gỗ của gia đình ông bị hư hỏng nặng hơn.
Xưởng này được ông Dũng đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng từ năm 2018, hiện ước tính thiệt hại hơn 600 triệu đồng. “Chúng tôi cố gắng sửa chữa, phục hồi lại xưởng gỗ để không ảnh hưởng đến kế sinh nhai của gần 10 người lao động đều là người địa phương”, ông chia sẻ.
Hiện huyện Lục Nam có khoảng 120 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó nhiều nơi cũng chịu thiệt hại hàng trăm triệu đồng do hoàn lưu bão giống hộ gia đình ông Dũng.
Tính đến 11/9, Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất bao gồm tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỷ đồng.
Bảo hiểm VietinBank cũng ghi nhận khoảng 400 vụ tổn thất về tài sản, phương tiện… với thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Các loại tài sản bị hư hỏng gồm máy móc, thiết bị công nghiệp và công trình hạ tầng. Tại các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai… việc thống kê thiệt hại gặp khó khăn hơn do tình trạng ngập úng sâu trên diện rộng.
Trong công điện ngày 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Tài chính triển khai các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ. Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bồi thường tổn thất cho bên mua kịp thời.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra sự cố thiên tai. Do đó, nhóm này có thể mất nhiều thời gian để hồi phục. Những hệ lụy có thể nhìn thấy trước mắt là tình hình kinh doanh mất ổn định, ảnh hưởng đến khách hàng và đối tác trong chuỗi cung ứng.
Ngoài nguyên nhân khách quan, chuyên gia cho rằng nhiều doanh nghiệp, đơn vị còn bị động trong chuẩn bị phòng và giảm thiểu tác động của thiên tai. Ông Thịnh khuyến nghị các doanh nghiệp quy mô nhỏ hay lớn đều cần chuẩn bị kịch bản ứng phó với thiên tai, gồm phân bổ nguồn lực, kinh phí, thời gian. Các địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần phổ biến thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch ứng phó.
Ngọc Diễm
VnExpress mở chiến dịch “Cùng đồng bào vượt lũ” nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ
tại đây.