“Đối với mình, khi bị bệnh rồi mới thấy được sống khoẻ mạnh là điều tuyệt vời nhất, không cần bon chen, sân si gì. Và hãy chấp nhận,chiến đấu, chung sống hoà bình nếu không may được bạn ấy ghé thăm. Mình đã chiến đấu hơn 3 năm rồi, nhanh thật!”, chị Ngọc Khuê chia sẻ.
Phát hiện ung thư, nhận tin sét đánh ngay trước Tết
Chị Ngọc Khuê là hướng dẫn viên du lịch tại khu phố cổ Hội An, luôn sống tích cực lành mạnh, ngày ngày vui vẻ đưa đón gặp gỡ bao bạn bè trong ngoài nước. Khái niệm về ung thư với chị trước đây là con số không tròn trĩnh, mặc dù hằng ngày xung quanh biết bao người thân quen mắc phải.. Chị cũng không bận tâm tìm hiểu nhiều vì cứ nghĩ dễ gì đến lượt mình. Tuy nhiên, biến cố bất ngờ xảy đến, chị phát hiện bản thân bị ung thư đã thay đổi tất cả.
Khoảng tháng 1/2021, chị Khuê nhận thấy vùng bụng dưới có dấu hiệu bất thường, thường xuyên căng tức, kèm theo chứng đi tiểu liên tục, kéo dài hơn 1 tháng. Chỉ quyết định tới bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng thắm khám thì phát hiện khối u 13-15cm trong ổ bụng những chưa rõ vị trí chính xác. Bác sĩ yêu cầu làm MRI và về địa phương xin giấy chuyển viện.
Chị Khuê quyết định tới một phòng khám tư nhân nổi tiếng tại Đà Nẵng để kiểm tra lại. Vì khối u quá lớn, to như bát cơm, đã ở giai đoạn 3C, bác sĩ yêu cầu chị nhập viện, mổ gấp.
Tuy nhiên, kết quả mổ không như mong đợi. “Sau khi mổ 2 ngày mình có kết quả sinh thiết. Đây là khoảng thời gian khó khăn mà bất kỳ ai cũng suy sụp. Chồng dành đi lấy kết quả vì mình mới mổ còn yếu. Phòng nhận kết quả chỉ cách 10m nhưng anh đi cả tiếng cũng chưa về.
Lúc đó mình đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất. Ung thư buồng trứng di căn hạch bạch huyết! Chồng bước vào với đôi mắt sưng húp, chỉ ôm chặt vai mình khóc mà không nói lời nào, mình sau một thoáng cảm giác rơi tự do thì tuyệt nhiên không rơi một giọt nước mắt cho dù mình là đứa khá nhạy cảm mau nước mắt”, chị Khuê nhớ lại.
Trong giây phút ấy, chị còn động viên ngược lại chồng nữa chứ, vì nghĩ rằng:
-Việc gì cũng sẽ có cách giải quyết chỉ cần mình cố gắng hết sức
-Từ xưa khi nghe ai bị bệnh này thì mình đã suy nghĩ nếu đặt trường hợp mình bị vậy mình sẽ chiến đấu đến cùng
– Hên là chưa di căn lục phủ ngũ tạng, vẫn còn nhiều thời gian
– Sợ nếu mình bi quan thì tế bào Ung thư sẽ lấn mình,,sẽ phát triển nhanh hơn
– Sợ nếu mà suy sụp thì người thân sẽ đau lòng và mất bình tĩnh trong việc xử lý những bước tiếp theo
– Nghĩ mình cũng chưa đến nỗi chết liền như các bệnh đột quỵ hay bị tai nạn chẳng hạn, mà chỉ chết tiền.
Chị Khuê chia sẻ, khi đó chị được chuyển ngay lên bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, phác đồ sẽ là 3 lần chuyền hoá chất cho gom tất cả tế bào ung thư lại, rồi mổ lần 2 cho sạch hết, xong chuyền tiếp 3 đợt hoá chất nữa.
Hình ảnh chị Ngọc Khuê sau 20 ngày truyền hóa chất đợt 1.
Hành trình chiến đấu với “căn bệnh nhà giàu”
Lúc ấy, chị được em gái hỗ trợ tìm trên mạng và tất cả các nguồn để lấy thêm thông tin. Phần mình chỉ kích vào đọc những tấm gương tiêu biểu vượt qua bệnh, tìm kết bạn tham gia các Câu lạc bộ cuộc chiến với Ung thư, trang Hỗ trợ bệnh nhân Ung thư, đọc hết tất cả các bài kể cả phần bình luận và phân tích lọc ra những ý hay phù hợp cho riêng mình. Luôn đọc những điều tích cực hạn chế những tin tiêu cực”, chị Khuê kể lại.
Vấn đề tinh thần lúc đó với chị là quan trọng nhất. Chị luôn nói chuyện tích cực, vẫn lạc quan và làm đẹp cho bản thân vì “Ủa mắc mớ chi hông làm đẹp khi có điều kiện chớ? Có chết cũng phải kiêu sa chớ, đúng hem cả nhà?”.
Chị Khuê được các đồng nghiệp, người thân, bạn bè lẫn những bạn không quen biết hỗ trợ rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với chị trong thời điểm ngặt nghèo đó.
Tuy mọi người cung cấp nhiều thông tin nhưng cái khó là mình phải tỉnh táo chọn lọc.Trước rất nhiều thông tin, chị Khuê chỉ tin vào khoa học vì chị vẫn còn cơ hội điều trị. Chị cho rằng, bản thân có thể ăn tốt tất cả các loại thực phẩm vì thế, chị không kiêng khem, ăn uống theo sở thích, miễn là thực phẩm tốt cho sức khỏe, tích cực điều trị và “tin vào điều kỳ diệu”.
“Mọi người hay đùa Ung thư là căn bệnh nhà giàu. Đúng thật các bạn ạ, bao nhiêu tiền dành dụm mình đều dồn vào việc chữa bệnh mà cũng không đủ ấy. Mọi người bảo mình nên đi Sing mổ lại lần 2, động viên và quyên góp tiền để mình lên đường. Vì gia đình, vì 2 con nhỏ mình quyết không phụ lòng tất cả”, chị Khuê kể lại.
Hành trình phẫu thuật bên Sing cũng là trải nghiệm đáng nhớ của chị Khuê. “Đúng là tiền đâu của đó, nếu có tiền dư giả thì bạn sẽ không việc gì phải lo lắng cả. Ăn uống, chăm sóc đánh răng, rửa mặt, tắm, thay quần áo đều có nhân viên phục vụ hơn trong khách sạn ấy”, chị kể lại. Chị Khuê may mắn có được sự hỗ trợ tận tình của các bác sĩ tại Sing và cả Việt Nam, cũng như sự ủng hộ tinh thần từ gia đình. Ngoại trừ lần đầu tiên, những lần thăm khám tại Sing chỉ đều đi một mình, tự đặt phòng ở để tiết kiệm chi phí.
Với khả năng tiếng Anh và tâm lý tốt, chị Khuê rất tự tin mình có thể chiến thắng trong những chuyến đi căng thẳng đó. “Tinh thần mình rất lạc quan, tuân thủ chỉ định của bác, ăn uống ngủ nghĩ, vận động điều độ nên đến giờ mọi thứ vẫn tạm ổn”, chị Khuê tâm sự.
Niềm đam mê yoga đã hỗ trợ chị Khuê rất nhiều trong quá trình hồi phục.
Về ăn uống, chị chia sẻ quan trọng là toàn bộ thức ăn phải sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc. Hạn chế ăn thịt đỏ, thịt heo, đồ hộp, đồ nướng, chiên xào, đồ lên men, thiên về ăn thịt gia cầm gà vịt, hải sản, ăn nhiều rau xanh, củ quả, khoai lamg, mướp đắng, bí đỏ, lơ xanh…. Ăn ngũ cốc nguyên hạt: các loại đậu, hạnh nhân, hạt điều, hạt bí, hạt mít… Chị cũng hạn chế ăn đường, thay thế mật ong rừng, mật ong Manuka..
Đặc biệt, chị Khuê nhấn mạnh cần bổ sung nước đầy đủ để giúp đào thải hóa chất nhanh hơn, giảm bớt tác dụng phụ; vệ sinh răng miệng kỹ vào mỗi sáng tối để không bị lở loét miệng
Còn về vận động, tuỳ vào sức khoẻ của mình mà bạn chọn cho mình một môn thể thao phù hợp, cần tầm 20-30 phút mỗi ngày. Mình thì siêng lắm, sáng dậy 5 giờ 15 đi bộ 10 phút, tập yoga nhẹ 20ph, tập khiêu vũ dưỡng sinh với nhóm chị em 20ph, về nhà tập vẫy tay dịch cân kinh 30ph , tối học yoga 60ph. Đều đặn ngày nào cũng vậy.
Lạc quan và gạt qua sợ hãi để chiến đấu giành sự sống
Chị Khuê hiện tại với mong ước cuộc sống bình yên.
Trong suốt quá trình điều trị ung thư, chị Khuê vẫn đi làm bình thường để cho khuây khỏa và có thêm tiền trang trải chi phí điều trị. Mỗi lần đợt truyền hóa chất, chị nghỉ 2 hôm, khi đỡ mệt chị sẽ quay trở lại công việc trong khả năng sức khỏe.
“Mình đọc rất nhiều bài, họ đều nói những bệnh nhân ung thư là những CHIẾN BINH MẠNH MẼ. Sau mình hiểu nó không chỉ là mạnh mẽ chống chọi với căn bệnh hơn trăm năm chưa tìm ra thuốc, mà là qua thời gian, ngày qua ngày họ dần học cách chấp nhận sự thật và cố gắng chiến đấu với lí do ít ỏi còn lại.
Nếu bạn đã từng đối mặt với căn bệnh này, bạn sẽ cảm nhận nhiều hơn những gì mình đã viết. Nó cũng có lúc đáng sợ đến mức bạn vừa mới vui và hy vọng được 1 chút thì nó vội vàng dập tắt đi niềm vui và hy vọng của bạn tức thì ngay sau đó. Bạn chỉ còn cách GẠT QUA SỢ HÃI để đi tiếp con đường duy nhất bạn đã chọn: CHIẾN ĐẤU GIÀNH SỰ SỐNG!
Ung thư là căn bệnh mà cả khóc bạn cũng KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Lo lắng và muộn phiền là những điều bạn KHÔNG ĐƯỢC LÀM vì nó ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bạn, mà bạn cần hệ miễn dịch để chống lại bệnh. Đọc đến đây bạn thấy có sợ không? Đối với mình, khi bị bệnh rồi mới thấy được sống khoẻ mạnh là điều tuyệt vời nhất, không cần bon chen, sân si gì. Và hãy chấp nhận,chiến đấu, chung sống hoà bình nếu không may được bạn ấy ghé thăm. Mình đã chiến đấu hơn 3 năm rồi, nhanh thật!
Cuối cùng mình tha thiết kêu gọi mọi người hãy bảo vệ gia đình, người thân bằng cách sống chậm lại một chút, yêu thương chăm sóc bản thân nhiều hơn, luôn lắng nghe cơ thể và cố gắng thu xếp TẦM SOÁT UNG THƯ ít nhất mỗi năm một lần, nhé!”, chị Khuê nhắn gửi.
Ảnh: NVCC