(VNF) – Tín hiệu về việc tăng vốn của PBSV này diễn ra sau khi Public Bank Viet Nam hoàn tất các thủ tục thâu tóm, nhận chuyển nhượng cổ phần của PBSV từ phía chủ cũ là Ngân hàng Đầu tư RHB (Malaysia).
Gia nhập đường đua tăng vốn
Ngân hàng Public Việt Nam (Public Bank Viet Nam) mới đây đã thông qua quyết định tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Public Việt Nam (PBSV).
Theo đó, Public Bank Viet Nam sẽ rót thêm 865 tỷ đồng vào PBSV, qua đó tăng vốn điều lệ của công ty chứng khoán này từ 135 tỷ đồng lên tròn 1.000 tỷ đồng, tương đương tăng gấp hơn 7 lần. Mục đích tăng vốn nhằm bổ sung cho hoạt động kinh doanh và tăng cường tính tự chủ về tài chính cho công ty.
Với cú tăng vốn thần tốc, PBSV sẽ không còn là công ty chứng khoán quy mô nhỏ, thay vào đó bước dần vào nhóm hạng trung. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau những chặng đua tăng vốn diễn ra trong những năm gần đây, các công ty chứng khoán trong nhóm hạng trung đã gia tăng quy mô vốn gấp nhiều lần.
Từ mức 1.000 – 3.000 tỷ đồng, nhiều công ty chứng khoán đã đưa vốn điều lệ lên 7.000 – 8.000 tỷ đồng. Thậm chí, một vài công ty hạng trung sau nhiều lần tăng vốn vẫn tiếp tục tham vọng lọt vào nhóm quy mô vốn cao.
Điển hình như trường hợp của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS). Từ cuối năm 2021, với mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, ACBS đã liên tục phát hành cổ phiếu dưới nhiều hình thức, mức vốn dần tăng lên mức 4.000 tỷ đồng, rồi 7.000 tỷ đồng.
Mới đây, nhà băng mẹ của ACBS, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thông qua việc tăng vốn cho công ty chứng khoán này lên mức 10.000 tỷ đồng, dự kiến đưa ACBS góp mặt trong top 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất.
Các công ty khác trong danh sách bao gồm Công ty Chứng khoán SSI, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) và Công ty Chứng khoán VIX.
Quay lại câu chuyện của PBSV, tín hiệu về việc tăng vốn của công ty chứng khoán này diễn ra sau khi Public Bank Viet Nam hoàn tất các thủ tục thâu tóm, nhận chuyển nhượng cổ phần của PBSV từ phía chủ cũ là Ngân hàng Đầu tư RHB (Malaysia).
Theo đó, thông tin về thương vụ đã được hé lộ từ cuối tháng 62024, tuy nhiên các thủ tục “sang tên đổi chủ” được dự kiến hoàn tất trong quý III vừa qua. Ngay khi bước sang quý IV, Public Bank Viet Nam đã không ngần ngại chi hàng trăm tỷ đồng để PBSV gia nhập đường đua tăng vốn của các công ty chứng khoán.
Giới phân tích cho rằng, việc hoạt động “dưới trướng” các ngân hàng sẽ giúp các công ty chứng khoán có chỗ dựa tài chính vững mạnh hơn. Một ví dụ điển hình là ACBS như đã nêu trên, hay như VPBankS – công ty chứng khoán được Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua lại vào đầu năm 2022.
Với trường hợp của VPBankS, sau khi về một nhà với ngân hàng mẹ VPBank, công ty chứng khoán cũng chứng kiến một giai đoạn tăng vốn thần tốc từ 269 tỷ đồng (tháng 2/2022) lên mức 15.000 tỷ đồng như hiện tại.
Làn sóng thâu tóm, gia tăng sở hữu tại công ty chứng khoán của khối ngân hàng đã diễn ra phổ biến hơn trong nhiều năm trở lại đây. Đại diện các nhà băng cho rằng, việc mua cổ phần của 1 công ty chứng khoán sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng mở rộng hoạt động, đa dạng hóa các nhóm sản phẩm dịch vụ, bán chéo sản phẩm và đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối cho các nhóm đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân, đa dạng hóa hoạt động đầu tư, từ đó đa dạng hóa doanh thu và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông.
Tiếp tục thua lỗ
Như VietnamFinance từng đề cập, tình hình kinh doanh của PBSV không mấy khả quan trước khi về chung nhà với Public Bank Viet Nam. Liên tiếp trong vòng 4 năm từ 2020-2023, công ty chứng khoán này chìm trong thua lỗ. Bước sang năm 2024, tình hình vẫn chưa sáng lên khi luỹ kế nửa đầu năm, PBSV vẫn ghi nhận lỗ sau thuế hơn 515 triệu đồng.
Ở kỳ kế toán mới đây nhất (quý III), doanh thu hoạt động của công ty giảm gần 1.000 tỷ đồng so với cùng, đạt hơn 3.693 tỷ đồng. Nguồn thu từ các nghiệp vụ như cho vay, môi giới đều sụt giảm. Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ các khoản cho vay và phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt hơn 2.066 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính chỉ đem về thu nhập khiêm tốn vỏn vẹn 7,7 triệu đồng, không thể bù đắp cho phần hụt của các hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Điểm sáng trong quý III là PBSV đã tiết giảm được một số loại chi phí như chi phí hoạt động (giảm 23%) và chi phí tài chính (giảm 86%). Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn ghi nhận khá cao, đạt hơn 3,8 tỷ đồng và tăng 22% so với cùng kỳ.
Kết quả, PBSV báo lỗ sau thuế hơn 2,2 tỷ đồng trong quý III, cao hơn cả khoản lỗ ghi nhận trong nửa đầu năm 2024. Luỹ kế 9 tháng, khoản lỗ mà PBSV phải gánh là hơn 2,7 tỷ đồng.
Dù thua lỗ triền miên suốt nhiều năm, sức khoẻ tài chính của PBSV dường như vẫn có thể “gồng gánh” được khi vốn điều lệ chưa bị bào mòn, lợi nhuận luỹ kế sau thuế chưa phân phối vẫn ghi nhận hơn 20 tỷ đồng tính tới cuối quý III vừa qua. Đây là thành quả của những năm kinh doanh có lời trong giai đoạn từ năm 2018 trở về trước.
Sau khi về chung nhà với Public Bank Viet Nam, dù chưa ghi nhận những tín hiệu khởi sắc rõ rệt trong kết quả kinh doanh, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư cho rằng có thể đặt kỳ vọng vào việc bước sang một chương mới cho PBSV, với khởi điểm đầu tiên là gia tăng quy mô vốn.