Smartphone đang ngày càng phổ biến và không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều smartphone có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
Hàng ngày chúng ta đều ngập tràn với những tin tức từ thiết bị di động. Điện thoại thông minh trở thành đồng hồ báo thức. Chúng ta dùng điện thoại để kiểm tra tin tức, email ngay khi thức dậy. Chúng ta kết nối với cả thế giới bằng điện thoại với các ứng dụng mạng xã hội, liên lạc… Đó là những tiện ích mà điện thoại thông minh đem đến cho cuộc sống. Công nghệ đã hỗ trợ cuộc sống bận rộn, đảm bảo chúng ta không bỏ lỡ các cuộc hẹn, những tin tức quan trọng.
Nhưng cơ thể lại có cảm nhận khác. Những tín hiệu liên tục từ điện thoại di động kích thích hormone gây căng thẳng, khiến nhịp tim của bạn nhanh hơn, hơi thở gấp gáp, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, cơ bắp co thắt… Nhất là khi cuộc gọi đến từ một ai đó mà bạn không muốn nghe.
Điện thoại di động đã góp mặt quá nhiều trong cuộc sống hiện đại. Khoảng 89% sinh viên đại học phản ánh họ thường xuyên có cảm giác “có cuộc gọi đến”, điện thoại báo có tin nhắn mặc dù thực tế không như vậy. Đó là bởi vì họ đang dành quá nhiều sự chú ý cho điện thoại di động.
Nhà khoa học Robert Lustig nói với Business Insider rằng, các thông báo từ điện thoại di động đang khiến cho não bộ của chúng ta hình thành bộ nhớ về trạng thái căng thẳng và bị ám ảnh liên tục diễn ra. Điều đó đồng nghĩa với việc, vỏ não trước trán – bộ phận có chức năng nhận thức cao nhất bị rối loạn.
Não chỉ có thể làm 1 việc tại 1 thời điểm
Các nhà khoa học đã chứng minh, 97,5% con người không thực sự đa nhiệm. Chỉ có 2,5% còn lại có khả năng đặc biệt bởi họ có thể làm nhiều việc cùng 1 lúc với chất lượng như nhau. Nhưng cũng chỉ có 1/50 người là có khả năng siêu đa nhiệm còn phần lớn chúng ta là những người chỉ có thể thực sự tập trung vào 1 việc duy nhất trong 1 thời điểm. Điều đó có nghĩa là, khi bạn cầm điện thoại để kiểm tra tin nhắn, email, sự tập trung vào công việc đã bị gián đoạn và chúng ta phải trả giá bằng “phí chuyển đổi”, tức là mất 1 khoảng thời gian để lấy lại sự tập trung ban đầu.
Có thể việc chuyển đổi từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác chỉ tốn 1 phần mười giây. Nhưng những ý tưởng lộn xộn trong ngày, những cuộc trò chuyện, giao dịch trên điện thoại máy tính liên tục xảy ra sẽ làm tăng khả năng mắc lỗi của bạn. Nhà tâm lý học David Meyer, người nghiên cứu hiệu ứng này ước tính rằng sự chuyển đổi giữa các nhiệm vụ có thể tiêu tốn 40% thời gian bạn sử dụng não bộ và nó khiến hormone căng thẳng cortisol được tiết ra nhiều hơn.
Càng sử dụng điện thoại nhiều, não của bạn càng lười biếng
Theo tính toán của các nhà khoa học, não bộ chỉ có thể xử lý khoảng 60 bit/giây. Vì vậy, việc sử dụng điện thoại thông minh sẽ hỗ trợ khá nhiều khi chúng ta giải quyết công việc, nhưng quá phụ thuộc vào nó sẽ khiến não bộ lười biếng và “ốm yếu” hơn.
Nhiều người thường sử dụng điện thoại như một phương pháp hay để học hỏi. Nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, những người lấy thông tin, kiến thức từ sách có sự phát triển sâu sắc hơn, não bộ tư duy nhiều hơn những người sử dụng điện thoại.
Nghiên cứu về hàng loạt người sử dụng điện thoại thông minh ở Thụy Sĩ cho thấy, kè kè điện thoại cả ngày khiến ngón tay của bạn mệt mỏi vì lướt bàn phím quá nhiều và não bộ căng thẳng, trì trệ hơn. Việc kiểm tra mạng xã hội liên tục được chứng minh là khiến cho những người tuổi trẻ chán nản nhiều hơn.
Theo một nghiên cứu, các mạng xã hội và ứng dụng trò chơi trên điện thoại như Facebook, Pokemon GO… có thể gây nghiện và khiến trí não của bạn trì trệ. Các ứng dụng giải trí, các trò chơi được tạo ra để não cảm thấy “phấn khích” một cách dễ dàng. Chúng có thể gây nghiện khi bạn sử dụng chúng quá nhiều, bởi khi đã quen với cảm giác “phấn khích”, não của bạn sẽ khao khát những thứ “phấn khích” hơn nữa và sẽ nhanh chóng mệt mỏi khi phải đối mặt với một vấn đề khó giải quyết.
Việc sử dụng điện thoại trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị số này có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Vì vậy, bạn có thể vẫn sử dụng điện thoại di động nhưng hãy dùng nó như một công cụ hữu ích cho công việc, bản thân chứ không nên trở thành nô lệ của công nghệ. Thay vì suốt ngày nhìn vào màn hình điện thoại, hãy đặt nó xuống và dành thời gian cho gia đình, bạn bè, đi dạo hoặc đọc sách để cuộc sống của bạn hữu ích hơn.