Hệ sinh thái của ‘Shark’ Thủy còn nợ Bảo hiểm xã hội hơn 80 tỷ đồng

Nhóm doanh nghiệp từng dưới sự điều hành của ông Nguyễn Ngọc Thủy, dẫn đầu là Apax Leaders, đã chậm đóng tiền Bảo hiểm xã hội hơn 80 tỷ đồng.

Văn bản của Bảo hiểm xã hội Hà Nội công bố gần đây cho thấy tính đến cuối tháng 10, Apax Leaders đang chậm đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền gần 60 tỷ đồng. Thời gian chậm đóng lên tới 56 tháng.

Apax Leaders đang là đơn vị có số tiền nợ đứng đầu danh sách gần 31.500 doanh nghiệp chậm nộp các loại bảo hiểm từ một tháng trở lên trên địa bàn Thủ đô.

Bên ngoài một trung tâm Anh ngữ Apax Leaders đã đóng cửa tại quận 7 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: Tất Đạt

Bên ngoài một trung tâm Anh ngữ Apax Leaders đã đóng cửa tại quận 7 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: Tất Đạt

Ngoài chuỗi trung tâm Anh ngữ, các doanh nghiệp khác nằm trong hệ sinh thái Tập đoàn Egroup, từng dưới sự điều hành của ông Nguyễn Ngọc Thủy, cũng có mặt ở danh sách chậm đóng tiền cho Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Chuỗi dạy toán học tư duy CMS nợ hơn 11,4 tỷ đồng trong 45 tháng. Theo sau là chuỗi English Now và công ty mẹ Egroup lần lượt chậm đóng hơn 4,8 tỷ và gần 4 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống trường mầm non Steame Garten trong hai tháng gần nhất cũng nợ gần 229 triệu đồng.

Tổng cộng, hệ sinh thái trên đang nợ Bảo hiểm xã hội Hà Nội khoảng 80,3 tỷ đồng. Mức này đã giảm khoảng 20 tỷ so với giai đoạn cuối năm 2023 nhờ họ đã hoàn thành nghĩa vụ với nhóm giáo viên nước ngoài của Apax Leaders và người lao động thuộc mầm non Igarten, Egame. Tuy nhiên các công ty còn lại, số tiền chậm đóng bảo hiểm ngày càng tăng thêm.

Công ty

Số tiền nợ (tỷ đồng)

Số tháng nợ

Apax Leaders

59,83

56

CMS

11,4

45

Steame Garten

0,23

2

English Now

4,82

49

Egroup

3,99

52

Tình trạng chậm trả lương và hoàn thành các nghĩa vụ bắt buộc cho người lao động đã diễn ra trong hệ sinh thái Egroup từ cuối năm 2019. Hệ quả là hàng loạt nhân viên chọn cách nghỉ việc, trong đó có nhiều giáo viên nước ngoài – vốn là điểm bán hàng đặc trưng (USP) của Apax Leaders. Kéo theo đó, bê bối phụ huynh chỉ trích chất lượng giảng dạy của hệ thống Anh ngữ này giảm sút, yêu cầu bồi hoàn học phí diễn ra tại nhiều địa phương.

Cuối năm trước, đại diện Egroup cho biết đã đóng bảo hiểm xã hội cho một lượng nhân viên nhất định nhưng từ chối cung cấp con số cụ thể. Trong các cuộc họp nhà đầu tư giai đoạn ông Thủy còn điều hành, ban lãnh đạo Apax Leaders nhiều lần hứa sẽ hoàn trả tất cả khoản thu nhập và lương còn nợ nhân viên. Công ty mong các cán bộ, nhân viên “bao dung và chia sẻ”, đợi đến khi tái cấu trúc thành công, Egroup sẽ có chính sách thưởng cổ phiếu cho nhân viên để “bù đắp”.

Đến nay, nhiều nhân viên cho biết vẫn chưa nhận được lương và bảo hiểm xã hội còn nợ, bao gồm cả những người đã nghỉ việc. Nhóm này càng hoang mang hơn sau khi ông Nguyễn Ngọc Thủy bị bắt với cáo buộc gian dối trong việc sử dụng cổ phần Tập đoàn Egroup không có thật để huy động vốn của nhà đầu tư.

Theo nguồn tin của VnExpress, nhóm nhân sự chủ chốt của Egroup, trong đó có những người đã theo ông Thủy từ ngày đầu, đã tập hợp lại để tiếp quản hệ sinh thái cùng người em gái Nguyễn Thị Dung được ủy quyền điều hành trước đó. Họ đang huy động mọi nguồn lực để duy trì quá trình giảng dạy ở một số công ty con còn hoạt động tốt, lượng học sinh ổn định. Mặt khác, ban lãnh đạo vẫn phải phối hợp với lực lượng chức năng để từng bước duy trì hoạt động, đồng thời tính chuyện vực dậy sau bê bối. Tuy nhiên tình hình chung của Egroup vẫn rất khó khăn.

Ngoài nhóm kể trên, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng công bố nhiều doanh nghiệp khác chậm hoàn thành nghĩa vụ cho người lao động với số tiền hàng chục tỷ đồng. Lilama3, Công ty Cầu 12, Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki, Sông Đà 6 và một số công ty thuộc CIENCO 1… đều chậm đóng tiền hàng chục tháng qua.

Danh sách 10 công ty nợ Bảo hiểm xã hội Hà Nội nhiều nhất

Tất Đạt

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin