“Thông thường nhà đầu tư thành công bởi họ tận dụng tư duy ngược đối với phần đông của những người còn lại”, Host Ngọc Trinh cho hay.
Trên thị trường chứng khoán, chúng ta hay nói với nhau về tư duy ngược. Đôi khi những thông tin công bố tốt chưa chắc đã khiến giá cổ phiếu tăng và nhiều khi những thông tin công bố xấu lại khiến giá cổ phiếu đi lên. Thách thức là điều ai cũng đã thấy, tuy nhiên, để thấy được trong “nguy” có những cơ hội nào mới là điều cần bàn luận.
Chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2 số 4 với sự xuất hiện của ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ SSIAM và Mr. X30 Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI đã mang tới nhiều bài học kinh nghiệm.
Chuyên gia nói gì về Đầu tư và Trading?
Bàn luận về hoạt động đầu tư và Trading trên thị trường, ông Tốt cho rằng sự khác nhau cơ bản ở cách tiếp cận. Đối với việc đầu tư, thông thường sẽ cần nhìn dài và rộng hơn, giống như góp vốn vào doanh nghiệp để cùng đồng hành sản xuất kinh doanh. Khi doanh nghiệp làm ăn tốt, có nhiều lợi nhuận giữ lại, giá trị của công ty đó sẽ tăng lên theo thời gian. Về cơ bản, vị chuyên gia SSIAM đánh giá việc đầu tư diễn ra trong khoảng thời gian dài, có thể từ 5-10 năm hoặc thậm chí còn hơn.
Với hoạt động Trading, nhà đầu tư sẽ mua bán trong ngắn hạn để hưởng chênh lệch giá. “Đa phần các nhà đầu tư sẽ tiếp cận như vậy, thậm chí mua bán trong ngày với chứng khoán phái sinh để tìm kiếm lợi nhuận“, ông Tốt cho hay.
Theo chuyên gia SSIAM, nền tảng để ra quyết định chiến lược đầu tư hay Trading là không giống nhau. Ông chia sẻ kinh nghiệm bản thân và quỹ đang thực hiện là dựa vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để đánh giá về ngành và vĩ mô. Sau đó, nhóm quỹ của ông sẽ lựa doanh nghiệp có giá trị cao hơn so với mức giá có thể giải ngân để nắm giữ. Doanh nghiệp làm ăn thuận lợi sẽ giúp gia tăng giá trị chính doanh nghiệp kéo theo khoản đầu tư có lời.
Mặt khác, nền tảng của việc trading cần dựa nhiều hơn vào phân tích kỹ thuật và về mặt thông tin. Bởi trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp đa phần không có quá nhiều sự thay đổi.
Host Ngọc Trinh chia sẻ thêm: “Thông thường nhà đầu tư thành công bởi họ tận dụng tư duy ngược đối với phần đông của những người còn lại. Tuy nhiên, tư duy ngược không có nghĩa chỉ là cảm tính mà cần dựa trên cơ sở khoa học và cơ sở liên quan đến kiến thức chúng ta có được trong đầu tư.”
Sự cần thiết của việc Stoploss – cắt lỗ
Đánh giá về việc dừng lỗ (stoploss), trên phương diện quản lý quỹ, ông Bùi Văn Tốt sẽ tiếp cận theo hướng đầu tư. Nếu như cổ phiếu giảm 10%, ông Tốt sẽ đánh giá lại về doanh nghiệp và về ngành để nhận định xem đang có điều gì xảy ra với họ. Từ đây có thể đưa ra quyết định có nên hạ vị thế hay stoploss hay không.
Với hoạt động trading, ông Tốt khẳng định rằng chắc chắn cần có hành động stoploss. Bởi khi trading nhà đầu tư thường có xu hướng dùng đòn bẩy nhiều, nếu không cắt lỗ, tài khoản sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, chuyên gia SSIAM cũng cho rằng mức độ stoploss phải dựa trên kinh nghiệm mỗi người và mức độ chịu rủi ro ra sao. Trên hết, các chứng sĩ phải hoàn toàn thuân thủ quy tắc stoploss đã đề ra.
Đồng thời, ông Phạm Lưu Hưng cũng ví von rằng: “Khi trading theo kiểu cảm giác mạnh, nhà đầu tư tăng tốc và chẳng may gặp sự cố dẫn đến va chạm mạnh, stoploss giống như túi khí bật lên giúp chúng ta đỡ bị chấn thương”.