Một số người sống trong cảnh cha mẹ bất hòa thường vội vàng kết hôn để chạy trốn khỏi gia đình. Số khác, khi chứng kiến thất bại trong hôn nhân của cha mẹ thì sợ hãi việc kết hôn.
Những người lớn lên trong gia đình hạnh phúc thường cẩn trọng hơn khi chọn bạn đời. Ảnh: Pexels. |
Rõ ràng, khi bạn có sự kết nối về mặt cảm xúc với ai đó thì bạn sẽ hiểu được phần nào về tính cách của người ấy, ví dụ: thông minh, dễ thương, nhạy cảm, lo âu, ghen tuông, thích kiểm soát… Nhìn chung, bạn thường biết được tính cách của người mà bạn đã gửi gắm tình cảm. Nhưng nếu người đó có quá nhiều tính cách tiêu cực như kiêu ngạo, hay ghen, dối trá, bạo lực, nghiện các chất kích thích… thì sao? Bạn sẽ tiếp tục dấn thân vào mối quan hệ hay nghe theo lời cảnh báo của người khác rằng hãy lựa chọn sáng suốt hơn?
Trong buổi trò chuyện với các khách hàng của mình, họ đều cho tôi biết rằng, một nửa kia của họ có vài hoặc tất cả những tính cách tiêu cực kia. Họ đã được nghe bạn bè, đồng nghiệp và kể cả người thân liên tục nhắc nhở, khuyên răn nhưng không thể nghe theo được. Thậm chí, họ còn biết rõ nửa kia của mình không phải là mẫu người bạn đời lý tưởng. Thế nhưng, dứt khoát cắt đứt quan hệ dường như là chuyện không thể.
Theo như một số tài liệu về tâm lý học phát triển trẻ em tôi đã đọc, cũng như trong những buổi trò chuyện với khách hàng, tôi nhận thấy sự lựa chọn người bạn đời đến từ cái nôi của gia đình. Mỗi đứa trẻ có trong mình một bản đồ tình yêu, giúp chúng định vị được mẫu người bạn đời tương lai một cách vô thức. Giống như khi bạn muốn đi từ điểm A sang điểm B, bạn sẽ chọn tuyến đường quen thuộc phù hợp với mình nhất.
Cuốn sách Hiểu tâm lý rành tâm ý của tác giả Huy Đức. Ảnh: S.B. |
Trẻ em thường bắt chước và hấp thu rất nhanh hành vi, cử chỉ của người lớn một cách vô thức. Với đứa trẻ, những hành động ấy không “đúng” hay “sai”, đơn giản là thấy cha mẹ như thế nào thì sẽ mang theo ký ức về chúng trên hành trình đường đời của mình. Do đó, khi lớn lên, chúng sẽ dựa trên ký ức tuổi thơ đã được lập trình để chọn người bạn đời tương ứng.
Một số nhà tâm lý học thừa nhận rằng tuổi thơ ấu của một người sẽ là bản đồ chỉ lối dẫn họ xây dựng tương lai. Và chính cách nuôi dạy của cha mẹ là tác nhân nhào nặn, tạo hình sự sướng khổ sau này của con cái.
Những đứa trẻ bắt chước hành động, lối sống của người lớn rất nhanh. Chúng được in sâu vào bộ nhớ và tiềm thức, giống thao tác ban đầu của một người tập đan len, sau nhiều năm tháng thực hành thì họ có thể đan mà không cần nhìn, thậm chí bịt mắt vẫn có thể làm được.
Sự lựa chọn bạn đời, kiểu mối quan hệ, cảm xúc và cái nhìn về tình yêu, hôn nhân được phát triển từ đấy. Hay nói cách khác, vì sao bạn yêu người này mà không phải yêu người kia, bạn thích lãng mạn hay thực tế, bạn mường tượng về người chồng/vợ ra sao, hình mẫu bạn mong muốn thế nào… liên quan mật thiết đến thời thơ ấu.
Người ta thường nói rằng, tính cách tạo nên số phận, vậy cái gì tạo nên tính cách? Tính cách được định nghĩa là “tính chất, đặc điểm về nội tâm của mỗi con người, có ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, lời nói và hành động của người đó. Một người có thể có nhiều tính cách và nhiều người có thể có cùng một tính cách”.
Có rất nhiều cuốn sách hay câu châm ngôn nói lên tầm quan trọng của nó. Hãy ngẫm lại xem, khi bạn còn nhỏ, bạn ở bên gia đình hay tiếp xúc với xã hội nhiều hơn? Có ý kiến cho rằng thời gian đi học hay giao du của mỗi người còn nhiều hơn ở nhà, thế nhưng nếu không có sự chỉ dạy của đấng sinh thành hay thành viên trong gia đình, có lẽ trẻ sẽ không hình thành được tính cách giao tiếp xã hội.
Theo một số nghiên cứu khoa học, con cái sẽ bắt chước và trở thành bản sao của cha mẹ, qua thời gian, tất cả những gì xảy ra sẽ in trong tiềm thức và tạo thành thế giới quan của con trẻ. Nếu trẻ em được hưởng tình yêu thương của cha mẹ, chúng cho rằng cuộc đời luôn nở hoa và chỉ muốn thấy hoa cỏ thắm sắc thường xuyên; ngược lại, nếu khi nào cũng căng thẳng với cha mẹ, chúng luôn xem cuộc đời là bế tắc và chỉ thấy cuộc đời toàn ngõ cụt.
[…]