Hồ Chí Minh với ý chí tự lực, tự cường và phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc

Theo tác giả Trần Dân Tiên, khi ở Paris, Nguyễn Tất Thành tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước.

Theo tác giả Trần Dân Tiên thì khi ấy, ở Paris, Nguyễn Tất Thành tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước và với danh nghĩa của tổ chức này Nguyễn Tất Thành đã đưa những yêu cầu ra trước hội nghị Versailles. Bản yêu sách gồm 8 khoản, trong đó các khoản chính là:

“- Việt Nam tự trị.

– Tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do đi lại, đại xá tù chính trị.

– Quyền lợi bình đẳng giữa người Pháp và người Việt Nam.

– Bãi bỏ việc bắt ép dân mua rượu và thuốc phiện. Bãi bỏ thuế đinh (người), thuế muối và sưu dịch”.

Ho Chi Minh anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bản yêu sách này đã được gửi đến cho các đoàn đại biểu Đồng minh và tất cả nghị viên của Quốc hội Pháp. Tác giả Trần Dân Tiên cũng cho biết nội dung yêu sách do Nguyễn Tất Thành đưa ra, nhưng do luật sư Phan Văn Trường viết bằng tiếng Pháp bởi khi ấy Nguyễn Tất Thành chưa thạo tiếng Pháp.

Tác giả Trần Dân Tiên cũng cho biết là khi ấy các cụ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường không tán thành hoạt động của nhóm Việt Nam yêu nước vì các cụ cho nhóm thanh niên là trẻ con.

Có một điều đặc biệt, sau này cả hai cụ Phan đều đặt hoàn toàn niềm hy vọng vào người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc.

Trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc năm 1922, cụ Phan Châu Trinh đã than thở mình đã già, hết thời và chỉ trông cậy vào Nguyễn Ái Quốc. Cụ Phan Châu Trinh cũng sốt ruột và thúc giục Nguyễn Ái Quốc phải về trong nước để “mưu đồ đại sự”: “Anh Nguyễn, tôi tưởng tâm với anh đã rõ nguồn cơn, bây giờ thân tôi tợ chim lồng cá chậu, vả lại cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia phong mà hơi tàn cũng phải gào cho hả dạ, may ra có tỉnh giấc hôn mê.

Còn anh, như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông, nhưng mà anh chẳng nghe lời tôi, anh cứ quanh quẩn bên này thời làm sao mà tài năng anh thi thố được? Bởi vậy, tôi thành tâm mong mỏi anh thay đổi cái phương pháp cũ kỹ kia đi, để mà mưu đồ đại sự, tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng bọn mình cùng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở”.

Còn cụ Phan Bội Châu, trong thư gửi “Người cháu rất kính yêu của bác” là Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc) ngày 14/2/1925 đã viết: “Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem kẻ già này so với cháu thì bác thấy bác rất xấu hổ…

Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai. Ngày xế đường cùng, chỉ sợ không được thấy ngày đó…Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai để nhờ ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được?1”.

Nguyên văn bức thư Phan Bội Châu gửi Lý Thụy:

“Người cháu rất kính yêu của bác,

Hôm trước anh Lâm (Đức Thụ) và anh Hồ (Hồ Tùng Mậu) gửi lại thư của cháu, trong thư có nói tường tận về chuyện ông Hy Mã (Phan Châu Trinh). Tuy thư đưa trực tiếp trên chuyện thật nhưng ngụ ý thật sâu sắc, mà lối lập luận lại dựa trên những ý tưởng lớn, nhân đó mới biết là học vấn, tri thức của cháu nay đã tăng trưởng quá nhiều, quả thật không phải như hai mươi năm về trước.

Nhớ lại hai mươi năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu gò án ngâm thơ, anh em cháu đều chửa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem so kẻ già này với cháu thì bác thấy rất xấu hổ. Nhận được liên tiếp hai lá thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta.

Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai. Ngày xế đường cùng, chỉ sợ không được thấy ngày đó, làm sao bác không cảm thấy buồn cho chính mình được? Một đời tân khổ, gánh vác công chuyện một mình, được sức lớn của cháu giúp vào thì ắt sẽ có nhiều người hưởng ứng theo. Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai để ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được.

Bác đang định tìm một dịp tốt về Quảng Đông một chuyến để đàm luận với cháu, không biết cháu còn ở lại Quảng Đông lâu mau, hoặc giả trong tương lai có định đi chỗ khác không? Trong lòng bác có nhiều chuyện muốn hỏi ý cháu, nhưng không gặp mặt thì làm sao có thể bàn cho hết ý được? Làm sao được? Nếu không coi già yếu là đồ bỏ thì cháu viết thư nhiều cho bác, bác thành thật yêu cầu cháu đấy.

Cần nhắc lại là Bội Châu lúc rời nước đã gần bốn mươi (ba mươi chín tuổi đến Nhật) lại không thể tránh khỏi những trách nhiệm này nọ đặng chuyên chú học hành, cho nên tri thức lúc bấy giờ cũng như xưa. Cháu học vấn rộng rãi và đã từng đi nhiều nơi, hơn bác cả chục cả trăm lần. Tri thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của bác; không biết cháu có thể chia sẻ cùng bác một hai việc?

Bác rất hết sức mong đợi, mong cháu không ngại. Vì nếu không có kế hoạch thì bất quá chỉ làm những khách tha hương than thở không đâu cho hồn cố quốc, chả giống ông Hy Mã thì cũng giống ông Phan Bội Châu mà thôi! Thư bất tận ngôn, mong cháu hiểu giùm cả những ý không viết thành lời. Chúc cháu bình an.

Ngày 21 tháng 1 lịch ta (14 tháng 2 năm 1925 dương lịch) viết dưới đèn dầu.

Chỗ bác ở đậu nơi đất khách thì Quốc Đống (Hồ Tùng Mậu) đã biết nên không ghi ở đây. Thư này nhờ Quốc Đống chuyển giúp.

Bác

Thứ cụ”.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin