Trong tác phẩm nổi tiếng “Đốm xanh mờ”, Carl Sagan đã phóng chiếu tầm nhìn của mình về tương lai của loài người trong vũ trụ, dựa trên những hiểu biết khoa học đương thời.
Ảnh chụp ngày 26/10/1980, nhà thiên văn học Carl Sagan đứng trước mô hình tàu thám hiểm Viking – thuộc chương trình thám hiểm Hỏa tinh không người lái của NASA. Ảnh: NASA. |
Tháng 2 vừa qua, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tìm kiếm 4 tình nguyện viên tham gia sống thử trên mô hình Hỏa tinh trong vòng 1 năm có trả lương. Dự kiến bắt đầu vào mùa xuân năm 2025, đây là thí nghiệm thứ 2 (CHAPEA 2) trong số 3 thí nghiệm mặt đất nhằm nghiên cứu tác động của việc sinh sống và làm việc trên “hành tinh đỏ”.
Thỉnh thoảng, một thông tin như thế này lại như minh chứng nhắc lại rằng con người đang từng bước tiến xa hơn trong tham vọng tìm kiếm môi trường sống ở những thế giới khác. Song thực tế, vấn đề chinh phục các hành tinh đã được các nhà phổ biến khoa học hàng đầu thảo luận, trình bày với công chúng suốt nhiều thập kỷ, trong đó bao gồm Carl Sagan (1934-1996) với ít nhất 3 chương trong tác phẩm nổi tiếng của mình – Đốm xanh mờ (tựa gốc tiếng Anh: Pale Blue Dot).
Vì sao lại là Hỏa tinh?
Là nhà thiên văn học và vật lý thiên văn xuất sắc, cố vấn của NASA, người đi tiên phong trong lĩnh vực sinh học ngoài Trái Đất, một trong những thành tựu nổi tiếng nhất của Carl Sagan là khám phá và chứng minh được nhiệt độ bề mặt rất cao của Kim Tinh, theo giả thuyết do hiệu ứng nhà kính gây ra.
Từ xa xưa, hành tinh này đã quen thuộc với con người – chính là sao Hôm, sao Mai mà khi xưa tổ tiên ta tưởng hai hóa ra lại chỉ một. Đây là hành tinh gần địa cầu nhất, được xem là “thế giới chị em với chúng ta” vì có khối lượng, kích thước, khối lượng riêng và lực hấp dẫn rất giống với Trái Đất.
Trong Đốm xanh mờ, Sagan giải thích rằng có lẽ chính những kỳ vọng đặt vào Kim Tinh như nơi đầu tiên ngoài vũ trụ giống với Trái Đất, khả dĩ cho sự sống đã khiến người ta khó chấp nhận chuyện ấy là “địa ngục ngột ngạt, u ám” với vài sa mạc nhưng chủ yếu là biển dung nham đóng băng.
Lại nói về một thực thể khác cũng gần gũi với loài người trong bầu trời đêm – Mặt Trăng. Đặt chân lên Mặt Trăng là thành tựu vĩ đại trong lịch sử khám phá không gian, Neil Amstrong đến nay vẫn là một trong những phi hành gia được biết đến nhiều nhất. Nhưng rồi chúng ta đã không còn mặn mà với Mặt Trăng như một ứng viên tiềm năng cho cuộc sống ngoài Trái Đất nữa, vì đó là “thế giới tĩnh, không có không khí, không có nước, bầu trời đen và là một thế giới chết”.
Từ đây, Sagan lý giải vì sao Hỏa tinh lại hấp dẫn con người đến vậy: Trong các hành tinh thuộc hệ Mặt Trời, tức ở gần chúng ta thì Hỏa tinh có thời tiết, bão bụi, vệ tinh của chính nó, núi lửa, chỏm băng ở hai cực, địa hình kỳ lạ, thung lũng sông cổ và bằng chứng về sự thay đổi khí hậu lớn trên một thế giới từng giống Trái Đất.
Bài học cho loài người khi tiến vào vũ trụ
Tuy nhiên, vào thời điểm Đốm xanh mờ xuất bản (1994), như tác giả nhận định, khám phá vũ trụ đã mất đi động lực chính trị mạnh mẽ của những thập niên 1960, 1970.
Một số kế hoạch được đưa ra nhưng không được thực hiện, một số dự án thất bại. Carl Sagan cho rằng vấn đề khám phá Hỏa tinh không bị giới hạn về công nghệ, mà thay vào đó là do thiếu những động lực mạnh mẽ, cụ thể để thuyết phục chính phủ và công chúng.
Pale blue dot vừa được phát hành ấn bản tiếng Việt với tựa Đốm xanh mờ vào tháng 3/2024. |
Nhưng ông vẫn khẳng định chắc chắn chúng ta vẫn sẽ đặt chân lên Hỏa tinh – đó “chỉ là vấn đề thời gian”. Hỏa tinh là ứng viên tiềm năng nhất trong tầm với hiện tại nếu chúng ta muốn tìm kiếm một thế giới khác để xây dựng cuộc sống. Kể cả trong trường hợp phải kiến thiết, cải tạo môi trường thì “hành tinh đỏ” vẫn dễ dàng, tiết kiệm chi phí và ít rủi ro hơn Kim Tinh và các vệ tinh của Thổ Tinh.
Sagan cũng cho rằng việc chinh phục Hỏa tinh và hơn nữa là các phần khác của Hệ Mặt Trời, rộng ra là phần còn lại của vũ trụ sẽ không chỉ để phục vụ tính tò mò ham hiểu biết hay ưa thích phiêu lưu thám hiểm. Đó còn là để “đảm bảo sự sống còn của tất cả loài người”.
Năm 2017, một nhà phổ biến khoa học xuất sắc khác là Stephen Hawking thậm chí đi xa hơn, đặt ra một “deadline” cho nhân loại: phải chinh phục một hành tinh khác phù hợp cho con người sinh sống trong vòng 100 năm nữa. Ông nói rằng chúng ta đã mang thảm họa khí hậu đến cho hành tinh của mình… và chẳng còn chỗ nào để ta đến khai phá nữa, ngoại trừ các “thế giới khác”.
Nếu còn tại thế có lẽ Carl Sagan sẽ hài lòng (hoặc không?) với những gì NASA và ngành vũ trụ toàn cầu nói chung đang làm được với Hỏa tinh. Cuộc chơi này có cả nhiều tỷ phú như Elon Musk, Richard Branso, Jeff Bezos quan tâm đầu tư, hứa hẹn gần như chắc chắn, dù không biết bao lâu nữa, một tương lai con người có thể sinh sống, làm việc ở một nơi khác ngoài địa cầu.
30 năm trôi qua kể từ lần xuất bản đầu tiên, song những chỉ dụ về chinh phục Hỏa tinh và vũ trụ của Carl Sagan trong Đốm xanh mờ vẫn đáng để khoa học ngày nay nghiền ngẫm. Xuyên suốt tác phẩm, Sagan tiếp cận từ nhiều góc độ, lăng kính và luận cứ khác nhau, để củng cố luận điểm rằng thám hiểm vũ trụ là cách để loài người học được đức tính khiêm nhường.
Trong những chương đầu, ông dẫn người đọc vào chuyến du hành qua lịch sử khai phá vũ trụ – con người ta tiến ngày một xa trong không gian, cũng là cách Trái Đất của mình ở những khoảng cách chưa từng được biết trước đây. Để rồi đến một điểm, nơi con tàu Voyager 1 vào ngày 14/2/1990 chụp được bức ảnh nổi tiếng Đốm xanh mờ (Pale Blue Dot) từ nơi cách chúng ta 6 tỷ km.
Hành tinh của chúng ta, nơi loài người đã sinh sống, yêu thương, ghét bỏ, thù hằn lẫn nhau, cùng nhau tiến lên nhưng cũng không ít lần kéo nhau đi lùi. Ngôi nhà duy nhất mà nhân loại từng biết đến – giờ chỉ còn là vệt mờ chưa đến 1 pixel trong bức ảnh. Chúng ta mới nhỏ bé và cô đơn làm sao trong vũ trụ này.
Sagan cho rằng chính hình ảnh đó – trực quan hơn bất kỳ lý thuyết khô khan nào – sẽ nhắc nhở loài người về tính nhân văn, về tầm quan trọng của việc chung sống hài hòa và hợp tác lẫn nhau. Nó dạy chúng ta biết trân quý hành tinh chúng ta đang có này và những hành tinh khác có thể ta sẽ chinh phục mai sau. Ông hình dung rằng thế hệ sinh ra ở những thế giới “cằn cỗi và hoang vắng” mới sẽ biết quý trọng hơn sự sống, học được từ kinh nghiệm và sai lầm của tổ tiên trên Trái Đất.
“Tầm nhìn về tương lai loài người trong không gian” của Sagan không phải khoa học viễn tưởng, càng không phải viễn tưởng, mà đơn giản đó là khoa học, là thực tế.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.