Học bổng dành cho sinh viên có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội gây tranh cãi

Một số trường đại học tư thục tại Indonesia đang trao học bổng cho sinh viên dựa trên số lượng người theo dõi trong các tài khoản mạng xã hội.

TIN MỚI
Học bổng dành cho sinh viên có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội gây tranh cãi- Ảnh 1.

Một phụ nữ livestream trên ứng dụng TikTok ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Có lượng người theo dõi khổng lồ trên mạng xã hội? Ở Indonesia, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đủ điều kiện nhận một trong nhiều beasiswa influencer (học bổng dành cho người có ảnh hưởng) hiện được một số trường đại học tư thục trên cả nước mời chào.

Những học bổng này xuất hiện trong vài năm qua, hỗ trợ tài chính cho sinh viên dựa trên số lượng người theo dõi họ trong các nền tảng mạng xã hội phổ biến bao gồm Instagram, TikTok và YouTube. Sinh viên cũng phải đáp ứng các yêu cầu học tập của trường để đủ điều kiện nhận học bổng.

Tại Universitas Ciputra, một trường tư thục ở thành phố Surabaya, những sinh viên có hơn 12.000 người theo dõi Instagram hoặc 15.000 người theo dõi TikTok có thể được học bổng hỗ trợ 100% học phí hàng năm. Tương tự, tại Đại học Muhammadiyah Malang, sinh viên có tối thiểu 5.000 người theo dõi trên YouTube hoặc 10.000 người theo dõi trên Instagram có thể đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính.

Năm 2023, một nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội là Satria Rizki Safiri với trên 200.000 lượt theo dõi TikTok đã nhận học bổng trị giá 66 triệu rupiah (gần 102 triệu đồng) tại Viện công nghệ Telkom Purwokerto ở Purwokerto, Trung Java.

Các nhà quan sát cho rằng những học bổng này cho thấy Indonesia chú ý tới mạng xã hội và học bổng có thể đóng vai trò là công cụ tiếp thị hiệu quả cho các trường đại học. Nhưng nó cũng làm dấy lên lo ngại về việc beasiswa influencer chiếm dụng nguồn lực từ những sinh viên xứng đáng về năng lực học thuật đang cần hỗ trợ tài chính nhiều hơn.

Angga Prawadika Aji, chuyên gia truyền thông tại Đại học Airlangga (Indonesia), cho biết: “Có điều gì đó rất độc đáo của Indonesia về điều này… nó không thực sự là điều mà chúng tôi thấy ở các nước khác. Người ta rất quan tâm tới mạng xã hội và văn hóa người nổi tiếng ở Indonesia… và điều này rất quan trọng. Có trường hợp trẻ nhỏ được hỏi chúng muốn làm gì khi lớn lên và chúng trả lời rằng muốn trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội”.

Ông Angga cho rằng beasiswa influencer là công cụ quảng cáo miễn phí cho các trường tư thục. Tại Indonesia, các trường tư thường gặp khó khăn trong thu hút học sinh bởi hầu hết họ đều muốn theo học tại các đại học công có học phí phải chăng và được coi là uy tín hơn.

Beasiswa influencer gây ra những cảm xúc lẫn lộn trong sinh viên và các nhà giáo dục, một số thậm chí lên mạng xã hội để bày tỏ sự thất vọng. Devina (19 tuổi) rất vui mừng khi giành được học bổng dựa trên thành tích để theo học ngành khoa học tại một trường đại học công lập ở thành phố Purwakarta. Là con cả trong gia đình có 4 anh chị em, cô hiểu rằng hỗ trợ tài chính từ trường đại học đồng nghĩa với việc cha mẹ giảm bớt gánh nặng.

Cô nói: “Tôi đã học tập rất chăm chỉ để đạt điểm cao. Tất nhiên, thật khó chịu vì những học bổng đó lẽ ra có thể giúp đỡ những sinh viên khác đang cần tiền. Rất nhiều người có ảnh hưởng đã kiếm tiền thông qua quảng cáo. Vậy họ có cần nó không?”

Người dùng mạng xã hội cho rằng beasiswa influencer đi ngược lại với những gì các trường đại học nên quảng bá. “Thật đáng xấu hổ khi nói với thế giới rằng trường đại học này dành cho danh tiếng và tiền bạc chứ không phải cho những sinh viên có năng lực học tập thực sự”, một người dùng bình luận trên Reddit.

Vào tháng 5, Bộ trưởng Giáo dục Nadiem Anwar Makarim cho biết học phí tại các trường đại học công lập sẽ không tăng trong năm học 2024-2025 sắp tới, sau phản đối kịch liệt của sinh viên trên cả nước. Học phí tại các trường đại học công lập Indonesia phải dựa trên tiêu chuẩn của chính phủ, đảm bảo sinh viên từ các gia đình nghèo nhất phải trả mức giá thấp nhất. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các cơ sở tư thục.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin