Hội chứng tâm lý 89% người đi làm dễ mắc phải: Nhẹ gây stress, nặng ảnh hưởng xấu tới sự nghiệp thăng tiến của bạn!

“Miệng cứ như nắng hạ nhưng trong lòng thì chớm đông” là một trong những biểu hiện dễ thấy nhất của những người mắc hội chứng Burnout.

TIN MỚI

“Em còn thiếu ngủ trong những lần phải chạy deadline.

Em quên ăn quên uống quên cả việc chải lại tóc tai…”

Nếu như bạn cảm thấy đồng cảm khi nghe “Bài này chill phết” của Đen Vâu (ft. MIN) và thường xuyên cảm thấy kiệt sức trong công việc, có lẽ bạn đã mắc phải hội chứng Burnout đặc biệt nguy hiểm!

BURNOUT – KHI CHÚNG TA “CHÁY SẠCH” NĂNG LƯỢNG ĐỐI VỚI VIỆC ĐI LÀM

Khái niệm “Hội chứng Burnout” lần đầu tiên được gọi tên trong một bài báo khoa học, do nhà tâm lý người Mỹ gốc Đức Herbert Freudenberger công bố trên một tập san về tâm lý học năm 1974.

Theo đó, ông mô tả hội chứng cháy sạch với các biểu hiện như “sức cùng lực kiệt”, đau đầu, mất ngủ, dễ nổi cáu và không suy nghĩ hoặc sáng tạo được điều gì. Freudenberger quan sát thấy những người bị “cháy sạch” (Burnout dịch ra tiếng Việt nghĩa là “cháy sạch”) trông như bị trầm cảm và hành động của họ cũng có biểu hiện tương tự. Dựa trên tiền đề mà Freudenberger đặt ra, hàng loạt các nghiên cứu được đặt ra nhằm xoay quanh hội chứng thú vị này.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Quản lý sức khỏe và an toàn Anh Quốc cho thấy rằng trong giai đoạn 2016 – 2017, có đến 526.000 người lao động bị kiệt sức, khiến đất nước này mất tổng cộng 12,5 triệu ngày công. Ngoài ra tại Hàn Quốc, có đến 90% người lao động cho biết họ cảm thấy “sợ hãi ngày thứ hai” vì cảm giác bí bách, tù túng trong công việc mang lại.

NGAY CẢ TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI WHO CŨNG ĐAU ĐẦU VÌ BURNOUT!

Trong Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 11 (ICD-11) vào ngày 28-5-2019, WHO đã cho rằng Burnout là một “tình trạng bệnh lý” (tương tự như bệnh trầm cảm hoặc các bệnh tâm lý phổ biến khác). Các hãng truyền thông trên khắp thế giới ngay lập tức đưa tin “kiệt sức trong công việc chính là một căn bệnh”.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau tức 29-5-2019, WHO lại đưa ra đính chính rằng “Burnout chỉ hiện tượng mang tính nghề nghiệp”, gián tiếp khẳng định những nội dung mà báo chí đã đăng tải chỉ là một sự “hố không hề nhẹ” đồng thời thể hiện sự lúng túng của bản thân đối với Burnout.

WHO định nghĩa Burnout là “hội chứng gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc”. Người mắc Burnout sẽ có các triệu chứng phổ biến như sau: cảm thấy “sức cùng lực kiệt”, nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, hoài nghi với công việc mình đang làm và cuối cùng là hiệu quả chuyên môn giảm sút trầm trọng. Đặc biệt, WHO cũng nhấn mạnh: Burnout chỉ liên quan đến việc làm và không nên dùng để mô tả các lĩnh vực khác.

Ngoài ra, theo Mayo Clinic người mắc hội chứng Burnout còn có thể sẽ lạm dụng rượu bia, các chất kích thích hoặc gây nghiện trái phép để cứu vãn tình hình, dẫn đến việc dễ mắc bệnh tim, tiểu đường tuýp 2 hay huyết áp cao.

Hội chứng tâm lý 89% người đi làm dễ mắc phải: Nhẹ gây stress, nặng ảnh hưởng xấu tới sự nghiệp thăng tiến của bạn! - Ảnh 1.

10 CÂU HỎI GIÚP BẠN KIỂM TRA XEM BẢN THÂN CÓ MẮC PHẢI HỘI CHỨNG BURNOUT HAY KHÔNG

1. Bạn có nghi ngờ công việc mình đang làm?

2. Bạn có cảm thấy khó khăn khi phải đi làm vào mỗi thứ hai và vất vả lắm mới bắt đầu được công việc?

3. Bạn đã từng nổi cáu với cấp trên, đồng nghiệp hay khách hàng chưa?

4. Bạn có cảm thấy thiếu năng lượng và nhiệt huyết trong công việc không?

5. Bạn có cảm giác khó tập trung?

6. Bạn đánh giá thấp thành quả từ công việc bản thân?

7. Bạn cảm thấy “vỡ mộng” so với những gì hằng ao ước về công việc này?

8. Bạn đang sử dụng thuốc hoặc rượu bia để xoa dịu tình trạng căng thẳng của bản thân?

9. Thói quen ngủ của bạn đã và đang thay đổi?

10. Bạn có gặp những vấn đề khác về thể chất như đau đầu, rối loạn tiêu hoá?

Nếu đúng 5/10 câu thì rất tiếc, bạn đã thuộc nhóm những thanh niên “chán ghét ngày thứ hai” (hoặc có thể hiểu là “sợ đi làm”).

Tuy nhiên, nếu như bạn rơi vào trường hợp người bị rối loạn điều chỉnh (adjustment disorder), rối loạn lo âu (anxiety disorder) hay rối loạn cảm xúc (mood disorder) thì cần phải đến gặp bác sĩ để chẩn đoán một cách chính xác hơn do Burnout và các hội chứng này có triệu chứng tương đối giống nhau.

Hội chứng tâm lý 89% người đi làm dễ mắc phải: Nhẹ gây stress, nặng ảnh hưởng xấu tới sự nghiệp thăng tiến của bạn! - Ảnh 2.

CÁCH ĐỂ MỘT LẦN NỮA “CHÁY BỎNG” TRONG CÔNG VIỆC

Hiện nay, bên cạnh các phương thức điều trị sử dụng thuốc men và liệu pháp tâm lý, người mắc hội chứng Burnout còn có thể giảm thiểu tình trạng “cháy sạch năng lượng” vào công việc bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như: tập thể dục, vận động nhẹ hay tham gia thiền, yoga, cố gắng ngủ đủ giấc và có chế độ ăn uống hợp lý.

Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý Shaina Ali đã có bài phỏng vấn với Đài NBC News rằng chúng ta cần biết yêu và chăm sóc bản thân nhiều hơn khi đi làm, tích cực xây dựng các mối quan hệ lành mạnh tại nơi làm việc, tận dụng giờ giải lao một cách hiệu quả bằng cách tập thể dục nhẹ hoặc tham gia các hoạt động giải trí tại chỗ.

Ngoài ra, những người mắc hội chứng Burnout cũng nên hạn chế vấn đề “tham công tiếc việc”, đừng ngại mở lòng với người thân, bạn bè và đồng nghiệp để có được những trải nghiệm tốt hơn tại công sở.

“Và đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công, miệng cứ như nắng hạ nhưng trong lòng thì chớm đông. Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau, cùng lắm thì mình về quê mình nuôi cá và trồng thêm rau” bạn nhé!

Lựa chọn của bạn như thế nào? Một lần nữa vực dậy và “burn it up” trong công việc hay từ bỏ đúng lúc, tận hưởng cuộc sống tự do tự tại? Hãy cùng chia sẻ nhé!

(limdimstory) 

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin