Hai cuốn hồi ký sắc nét mở ra góc nhìn về vinh quang và bóng tối khi làm việc tại thế giới tài chính đỉnh cao ở Phố Wall, theo Financial Times.
Ảnh: Reuters. |
Trong nhiều năm qua, câu chuyện về các giao dịch viên thành công và sau đó thất bại tại thị trường chứng khoán, trái phiếu Phố Wall đã là chủ đề thu hút nhiều nhà xuất bản. Một cuộc sống áp lực, nhanh chóng kiếm được nhiều tiền nhưng cũng đột ngột có thể vỡ mộng hấp dẫn hơn những tác phẩm văn học thông thường.
Một trong những cái tên xuất hiện nhiều trong các câu chuyện này là Salomon Brothers với vụ bê bối lừa đảo chấn động thế giới tài chính. Dù sau đó được Citigroup mua lại, ảnh hưởng từ công ty này vẫn hiện hữu trên sàn giao dịch Phố Wall.
Phấn khích và hào hứng với cơ hội
Và trong The Trading Game, tác giả Gary Stevenson, một trong những nhà giao dịch được trả lương cao nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, lại nhắc đến Salomon Brothers khi kể về trải nghiệm của ông tại sàn giao dịch của Citi ở Canary Wharf, London.
Cuốn sách ra mắt ngày 5/3. Ảnh: Amazon. |
Stevenson, con trai của một nhân viên bưu điện, theo học tại Trường Kinh tế London và sau đó lấn sân sang lĩnh vực tài chính bằng cách giành chiến thắng trong một sự kiện tuyển dụng do Citi tổ chức. Ông có kĩ năng tính toán tốt và sự khéo léo trong giao dịch có thể đánh lừa đối thủ.
Stevenson cũng là một nhà quan sát nhạy bén, có tài miêu tả chân thực và đầy màu sắc. Ví dụ, ông mô tả một nhà giao dịch có “vóc dáng béo chắc của một người đàn ông được ăn uống đầy đủ trong nhiều năm, có thể là từ khi mới sinh ra. . . Hình thể cho thấy người này có khả năng bạo lực”. Còn trong công việc, Stevenson cũng nhanh chóng chiếm được lòng tin của đồng nghiệp và làm việc rất xuất sắc.
Stevenson nỗ lực làm việc vì được công ty khuyến khích kiếm càng nhiều tiền càng tốt, đồng thời cũng nâng cao được hình ảnh của bản thân. Vì công thức của ngân hàng là thưởng cho các nhà giao dịch hàng đầu 7% doanh thu họ kiếm được nên các nhân viên giao dịch đều rất nỗ lực.
Stevenson viết: “Nếu tôi đặt mình quay lại vị trí của một thanh niên 21 tuổi, có một điều tôi có thể nói với bạn là: Tôi khao khát”. Cho dù đó là tham vọng hay lòng tham, văn hóa mài giũa và những khuyến khích khắc nghiệt của sàn giao dịch đã kéo theo sự cạnh tranh tàn nhẫn. “Những người duy nhất bạn nhìn thấy ở đây là những người sống sót. Bạn không bao giờ thấy được những kẻ thua cuộc”, một giao dịch viên nhận xét.
Tác phẩm ra mắt hồi giữa tháng 2. Ảnh: Amazon. |
Bầu không khí của “Đấu trường sinh tử” này không làm cho những người chiến thắng vui vẻ nhưng nó giúp họ kiếm tiền và mang lại triển vọng một ngày nào đó có thể ra đi với chiến lợi phẩm.
Stevenson viết: “Tôi từng tự hỏi mình khi mơ tưởng về những khoản tiền thưởng hàng năm: Tôi có thể làm gì với 2 triệu bảng Anh?’ Tôi có thể làm bất cứ điều gì. Tôi có thể nghỉ hưu. Tôi có thể được tự do’”, Stevenson bày tỏ.
Còn Private Equity, cuốn hồi ký của Carrie Sun về thời gian làm trợ lý điều hành cho ông chủ “Boone R. Prescott” của quỹ phòng hộ Carbon, cũng đã dấy lên sự quan tâm về một cách tiếp cận mới. Thế giới tài chính hiếm khi được phơi bày từ góc nhìn của một phụ nữ, do đó câu chuyện của Sun đầy hấp dẫn về một thế giới bóng bẩy, ít nhất là bề ngoài.
Boone được giới thiệu là “người tử tế”, nhưng ông cũng có một triết lý đơn giản: “Carrie, hãy nhớ rằng, tiền có thể giải quyết được gần như mọi thứ”.
Mọi miêu tả về Boone đều cho thấy ông có niềm tin sâu sắc vào tài chính. Sun đã trải qua một quá trình phỏng vấn căng thẳng nhưng cũng tương đối hài hước để trở thành trợ lý của ông. Sau đó, bà đảm nhiệm công việc sắp xếp công việc và sinh hoạt cho Boone và viết các bài phát biểu cho ông. Tuy nhiên, ngoài một số nội dung sơ lược về phong cách đầu tư của Carbon, Sun không nói nhiều về bí mật kiếm tiền của công ty này.
Trong suốt quyển sách, Sun theo sát bước chân của Boone và độc giả luôn hồi hộp chờ đợi chiếc mặt nạ lịch sự của ông chủ tuột xuống. Tuy nhiên, không có khoảnh khắc nào như vậy khi Boone luôn tử tế. Trong khi dành cho Sun những lời động viên khích lệ và những món quà đắt tiền, Boone tiếp tục hoàn thành tốt công việc, đều đặn đưa ra những “quyết định hướng tới tương lai” cho Carbon.
Càng thành công, càng sợ hãi
Một điểm chung là Stevenson và Sun càng làm việc tốt thì họ càng trở nên căng thẳng và lo lắng hơn. Sự suy sụp của Stevenson bắt đầu sau những chuỗi ngày đầy phấn khích về các giao dịch thành công. Số tiền thưởng lớn mang lại cho ông sự mệt mỏi, đau khổ, thay vì tự do như ông nghĩ. Stevenson sau đó đã tìm cách ra đi, bị thuyên chuyển đến văn phòng ít “màu mỡ” hơn ở Tokyo, nơi ông tiếp tục muốn rời khỏi.
Còn với Sun, Carbon chiều chuộng nhân viên của mình để đảm bảo họ luôn tỉnh táo và tận tâm trong công việc, nhưng điều đó đã gây tổn hại đến sức khỏe của Sun. Bà miêu tả cảm xúc tiêu cực của mình khi tăng cân, ăn ngấu nghiến những chiếc bánh nướng nhỏ vì lo lắng trước những phán quyết của Boone. Thông điệp của Carbon là: “Thể chế không bao giờ sai, bạn luôn sai. Bạn không thể đổ lỗi cho ai ngoài chính bạn”, Sun kết luận.
Cuối cùng, Sun cũng nhận ra “Carbon không có bất kỳ siêu năng lực nào ngoài sự nhàm chán và luôn hướng tới hiệu quả tổng thể của doanh nghiệp”. Họ chỉ tập trung vào kiếm tiền bằng cách thu hút những con người thông minh, khéo léo, thúc giục họ cạnh tranh quyết liệt để đạt được kết quả tài chính tốt nhất. Nếu muốn tìm kiếm những giá trị sâu sắc hơn, thế giới tài chính không mang lại điều đó.
Ngay cả Stevenson, người đã rời Citi để học kinh tế và trở thành nhà vận động chống lại sự bất bình đẳng, cũng kết thúc tác phẩm bằng cách suy ngẫm: “Điều gì quan trọng hơn chiến thắng? Tôi không biết”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
‘Dirty Money’ cho thấy hệ lụy từ tội phạm tài chínhTheo một cuốn sách mới, lực lượng cảnh sát Canada đã bỏ qua nhiều thông tin về nguy cơ tội phạm tài chính do cơ quan tình báo tài chính liên bang nước này FINTRAC đưa ra. |
Triết lý làm giàu của tác giả ‘Cha giàu cha nghèo’Robert Kiyosaki là nguồn cảm hứng cho nhiều người về khả năng kiếm tiền. Ông đã đạt được thành công về mặt tài chính thông qua những phương pháp độc đáo. |