Hòn đảo lớn nhất Việt Nam vừa đón hơn 127.000 lượt khách du lịch trong đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5.
Cụ thể, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là hòn đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích khoảng 573 km2. Đảo dài 50 km, nơi rộng nhất là 25 km, điểm cao nhất là 603 m, địa hình thoai thoải chạy từ nam đến bắc với 99 ngọn núi đồi. Các vùng biển quanh đảo có độ sâu chưa đến 10 m.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc là huyện đảo của tỉnh Kiên Giang có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Huyện đảo nằm trên vùng biển Tây Nam của Việt Nam, tiếp giáp với Campuchia, Thái Lan và Malaysia, có 36 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất.
Theo UBND huyện Phú Quốc, những năm gần đây kinh tế luôn giữ mức tăng trưởng cao và ổn định, tổng giá trị sản xuất bình quân tăng trên 10%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc. Huyện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, tập trung đầu tư, khơi dậy tiềm năng lợi thế của huyện đảo, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Ngành du lịch ở Phú Quốc phát triển với tốc độ khá cao, là một trong những điểm du lịch bậc nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, thu hút nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…
UBND huyện Phú Quốc cho biết, huyện đang tập trung xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các cơ sở lưu trú, tăng cường phát triển các phương tiện vận tải… Dự án dịch vụ du lịch được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác, sử dụng nhiều khu vui chơi giải trí hiện đại phục vụ du khách như: Safari, cáp treo An Thới – Hòn Thơm… Hệ thống nhà hàng, khách sạn từ bình dân đến sang trọng cao cấp, đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ ngơi và ẩm thực của khách du lịch đến đảo ngọc.
Bên cạnh đó, giao thông đường biển hiện có các tuyến Rạch Giá – Phú Quốc, Hà Tiên – Phú Quốc, trung bình mỗi ngày 12 chuyến tàu cao tốc, 10 chuyến tàu phà vận chuyển hành khách, hàng hóa, xe ô tô, xe hai bánh đến Phú Quốc và ngược lại an toàn, tiện lợi, nhanh chóng.
Cùng với đó, đường hàng không với sân bay quốc tế Phú Quốc hiện nay kết nối với nhiều tỉnh, thành trong và ngoài nước, nhiều chuyến bay/ngày với các đường bay quốc tế, quốc nội.
Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, trong dịp ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa rồi, tổng lượt khách đến tham quan trên địa bàn tỉnh ước đạt 292.566 lượt, tăng 65,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 4.329 lượt khách quốc tế, tăng 44,1% so với cùng kỳ; khách tham quan các khu, điểm du lịch 207.524 lượt, tăng 80,5%. Tổng thu từ du lịch đạt trên 247 tỷ đồng, tăng 30,8%.
Riêng Phú Quốc đón 127.226 lượt khách (tăng 39,2% so với cùng kỳ); trong đó có 4.300 lượt khách quốc tế (tổng thu đạt trên 175 tỷ đồng).
Theo Quyết định 767/QĐ-TTg về Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, phạm vi lập Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040 bao gồm toàn bộ diện tích đất tự nhiên 589,27 km2 gồm có: 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã: Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ và Thổ Châu.
Đến năm 2040 Phú Quốc có khoảng 680.000 người (trong đó bao gồm dân số quy đổi từ khách du lịch, lao động tạm trú… khoảng 250.000 người).
Mục tiêu quy hoạch là phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc. Cùng với đó, phát triển Phúc Quốc trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khoẻ, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Hơn nữa, Phú Quốc được phát triển thành trung tâm chính trị – văn hóa; một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.