HSBC dự báo tỷ giá 22.900 VND/USD vào cuối năm dù FED tăng lãi suất 3-4 lần trong năm

Chính sách của FED về dài hạn là tăng lãi suất, điều này đã được phản ánh vào thị trường. Việc FED tăng lãi suất sẽ có tác động đến các doanh nghiệp đang vay vốn bằng đồng USD, đặc biệt là các doanh nghiệp vay USD với lãi suất thả nổi.

Chia sẻ với báo giới bên lề hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 – Số hóa: Tương lai của doanh nghiệp” do Ngân hàng HSBC Việt Nam tổ chức, ông Ngô Đăng Khoa – Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn, HSBC Việt Nam, cho rằng, việc Cục dữ trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất là chuyện đã được dự báo trước đó, có thể FED sẽ tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay. Chính sách của FED về dài hạn cũng thể hiện rất rõ ràng sẽ tăng lãi suất. Vì vậy, quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng USD của FED hôm 22/3/2018 là không bất ngờ và đã được phản ánh vào phản ứng của thị trường trước đó.

Đến thời điểm hiện tại HSBC và ông Khoa vẫn giữ quan điểm dự báo tỷ giá VND/USD nhìn chung sẽ ổn định, đến cuối năm 2018 tỷ giá VND/USD sẽ kết thúc ở mức 22.900 đồng/USD. Lý do để HSBC vẫn tin tưởng rằng tỷ giá VND/USD vẫn ổn định trong năm 2018 là dòng vốn vào nhiều hơn dòng vốn ra và đồng VND đang yếu so với các đồng tiền trong khu vực.

Xét về dòng vốn vào, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm nay dự báo sẽ ổn định, bằng mức đạt được trong năm 2017; kiều hối về sẽ tốt hơn năm 2017; số lượng doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong năm 2018 cao hơn 2017 là 41 doanh nghiệp, đạt 181 doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mang về nguồn ngoại tệ lớn hơn.

Trong khi đó, việc tăng lãi suất cơ bản đồng USD của FED tác động chảy vốn ra trên thị trường tài chính thấp. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trái phiếu Chính phủ rất ít. Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù thanh khoản đã tăng những năm gần đây, nhưng quy mô thị trường vẫn còn nhỏ bé so với khu vực, vì vậy, đầu tư nước ngoài vào TTCK VN thường mang tính dài hạn. Ngoài ra, với triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam so với các nước khu vực, nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn về dài hạn hơn là ngắn hạn.

Tuy nhiên, việc FED tăng lãi suất sẽ có tác động đến các doanh nghiệp đang vay vốn bằng đồng USD, đặc biệt là các doanh nghiệp vay USD với lãi suất thả nổi. Khi đó, chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên, doanh nghiệp có thể sẽ gặp vấn đề về thanh khoản. Biện pháp cho trường hợp này, doanh nghiệp nên đàm phán thay đổi chính sách lãi suất vay USD từ lãi suất thả nỗi sang lãi suất vay cố định.

Như vậy, dù cho FED tăng lãi suất 3-4 lần trong năm, nằm trong dự báo, HSBC vẫn kiên định với quan điểm tỷ giá VND/USD nhìn chung ổn định. Điều đáng lưu tâm ở Việt Nam trong năm 2018 là mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% do gặp áp lực từ giá thực phẩm và giá dầu cao. Bởi đến hết tháng 2/2018, lạm phát của Việt Nam đã là 3,15%.

Giá cả xăng dầu là một biến khó kiểm soát – do giá dầu thế giới quyết định. Ngoài ra, năm 2017, giá lương thực thực phẩm thấp, thậm chí tăng trưởng âm so với năm 2016. Vì vậy, năm nay, chỉ cần giá lương thực thực phẩm tăng nhẹ lạm phát sẽ nhảy lên. Nếu giá lương thực thực phẩm tiếp tục tăng và giá xăng dầu tăng, lạm phát của Việt Nam có thể sẽ vượt mức 4% vào khoảng 6-7/2018.

Lạm phát ở Việt Nam đến từ việc điều chỉnh giá các dịch vụ trong đó hơn 50% đến từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục. Vấn đề là liệu chính phủ muốn điều chỉnh giá như thế nào. Tuy nhiên HSBC dự báo đến cuối năm, lạm phát của Việt Nam sẽ về lại mức 3,7%.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin