(VNF) – Các quốc gia đã áp đặt hàng nghìn lệnh trừng phạt lên Nga kể từ khi nước này đưa quân tới Ukraine vào đầu năm 2022, nhưng hơn hai năm sau, nền kinh tế Nga vẫn đang phát triển.
Hơn 5.000 lệnh trừng phạt
Vào năm 2022, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về kinh tế quốc tế tại Nhà Trắng Daleep Singh – người được một số phương tiện truyền thông mô tả là “kiến trúc sư của các lệnh trừng phạt Nga”, đã dự đoán rằng chúng sẽ khiến nền kinh tế Nga phải khuất phục. Nhưng nền kinh tế Nga được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn 3% trong năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cao hơn cả Mỹ và châu Âu.
Theo ông Daleep Singh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tăng tốc chi tiêu để thúc đẩy cỗ máy chiến sự. Kế hoạch của ông đi kèm với chi phí lạm phát cao ngất ngưởng khoảng 9% và lãi suất lên tới 21%.
“Tôi không nghĩ bất kỳ ai nên nhầm lẫn sự phục hồi của Nga với khả năng phục hồi. Nhìn bề ngoài, nền kinh tế Nga có vẻ như là một pháo đài, nhưng bên dưới nền tảng lại rất mong manh “, ông Singh nhận định.
Sau khi Nga đưa quân tới Ukraine, 45 quốc gia đã áp dụng hơn 5.000 lệnh trừng phạt đối với các quan chức, tổ chức và công ty Nga, nhắm vào mọi thứ từ kim cương và chất bán dẫn cho đến cả Tổng thống Nga Vadimir Putin. Ông Putin gọi đó là “cuộc chiến chớp nhoáng về kinh tế”.
Trong vòng một tuần sau khi xung đột bùng nổ, Mỹ và các đồng minh đã chặn ngân hàng trung ương Nga tiếp cận 300 tỷ USD mà nước này cất giấu trên khắp thế giới và đóng băng các tài khoản ngân hàng nước ngoài của hàng chục tỷ phú người Nga.
Các quốc gia G7 cũng muốn hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga mà không ảnh hưởng quá lớn tới thị trường do lo ngại tình trạng thiếu hụt sẽ gây ra sự tăng giá toàn cầu. Thay vào đó, họ áp đặt mức giá trần 60 USD một thùng cho tất cả dầu thô của Nga.
Nga lách trừng phạt
Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và năm nay, bất chấp mức giá trần, doanh thu dầu khí của Nga dự kiến sẽ tăng 2,6% lên gần 240 tỷ USD. Điện Kremlin đã lách mức giá trần bằng cách sử dụng “hạm đội bóng tối”.
Hạm đội này được sử dụng để vận chuyển một triệu thùng dầu mỗi ngày. Thuật ngữ “bóng tối” hay ám chỉ các tàu cũ kỹ có chủ sở hữu không rõ ràng, chuyên vận chuyển dầu để trốn tránh lệnh trừng phạt.
Theo ông Samir Madani, người điều hành một công ty từ Stockholm chuyên theo dõi tàu chở dầu cho khách hàng quốc tế, các vụ chuyển nhượng đóng vai trò như một lớp che giấu bổ sung. Ông cho biết hạm đội bóng tối của Nga bao gồm khoảng 200 tàu.
Ông Madani cho biết, phần lớn dầu rời khỏi Nga hiện nay đều đi đến Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Một phân tích của 60 Minutes về dữ liệu trong 4 năm của Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy giá trị nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Nga đã tăng hơn 2.000% kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine.
Phần lớn lượng dầu thô đó được chuyển đến một cảng của Ấn Độ có tên là Sikka, nơi dầu được tinh chế thành các sản phẩm dầu khác, chẳng hạn như xăng. Những sản phẩm đó không nhất thiết phải ở lại Ấn Độ.
Ông Madani đã theo dõi một tàu chở dầu tinh chế từ Sikka, cảng của Ấn Độ, khi nó đi vòng qua mũi châu Phi và băng qua Đại Tây Dương trước khi đến New York. Ông Madani cho biết điều này xảy ra khoảng hai lần một tháng.
“Sau khi được tinh chế, nó sẽ không thể truy tìm được nữa”, ông Madani cho hay.
Giải pháp của Nga đang có hiệu quả. Hầu như toàn bộ dầu thô của nước này đều được bán với giá cao hơn giá trần.
Ông Singh cho biết để ngăn chặn hạm đội bóng tối cần phải xác định các tàu và công khai rằng chúng phải chịu lệnh trừng phạt.
“Những gì chúng tôi đang cố gắng cân bằng ngay bây giờ là tiếp tục đưa thị trường dầu mỏ toàn cầu vào trạng thái cân bằng, tiếp tục có động thái giảm lạm phát trên toàn thế giới và duy trì sự thống nhất”, ông Singh cho biết.
Nguồn thu từ uranium
Không chỉ Ấn Độ thúc đẩy nền kinh tế Nga, bản thân Mỹ cũng đóng một vai trò không nhỏ. Hầu hết uranium làm giàu mà Mỹ hiện có nguồn gốc từ nước ngoài, với khoảng 1/4 uranium làm giàu vào Mỹ đến từ Nga, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Năm 1993, Nga và Mỹ đã ký một thỏa thuận kéo dài 20 năm, được gọi là Megatons to Megawatts, theo đó Mỹ đồng ý mua uranium làm giàu từ Nga sau khi nước này ngừng sản xuất uranium làm giàu của riêng mình – một loại nhiên liệu quan trọng cho các nhà máy điện hạt nhân – khoảng một thập kỷ trước.
Mỹ đang trả cho Nga khoảng 1 tỷ USD một năm để mua uranium làm giàu giúp vận hành 94 lò phản ứng hạt nhân cung cấp khoảng 20% nhu cầu năng lượng của Mỹ. Quốc hội vào tháng 5 đã cấm nhập khẩu uranium làm giàu của Nga, nhưng có một quy trình miễn trừ được áp dụng cho đến năm 2028.
Năm ngoái, công ty năng lượng Centrus đã bắt đầu làm giàu uranium bên trong một cơ sở ở Piketon, Ohio. Đây là công ty Mỹ duy nhất có khả năng đó.
Sử dụng máy ly tâm cao 40 feet, Centrus quay khí uranium cho đến khi nó được làm giàu và có thể được sử dụng làm nhiên liệu hạt nhân. Nhưng 16 máy ly tâm của công ty chỉ có thể tạo ra một phần nhỏ uranium làm giàu mà Mỹ cần.
Centrus muốn xây dựng thêm 11.000 máy ly tâm nữa. Tổng giám đốc điều hành Amir Vexler ước tính rằng, theo kịch bản tốt nhất, sẽ mất sáu đến bảy năm để đạt công suất tối đa và chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào Nga.
Các công ty Nga chuyển hướng
Các công ty ở Nga đã nhanh chóng thích ứng khi chiến sự nổ ra. Sau khi một số công ty phương Tây rút khỏi Nga hoặc ngừng hoạt động ở đó, các phiên bản của Nga đã nhanh chóng thay thế chúng. Thay vì Starbucks, giờ đây có Stars Coffee ; thay vì Zara, có Maag; và thay vì Coca Cola, có Dobry Cola.
Ông Richard Connolly, thành viên cộng tác tại Viện Royal United Services ở London và là chuyên gia về kinh tế Nga, cho biết trốn tránh lệnh trừng phạt đã trở thành một ngành kinh doanh riêng ở Nga.
“Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký tại Nga đang ở mức cao nhất mọi thời đại”, ông Connolly nhận định.
Hàng hóa phương Tây bị cấm vẫn được đưa vào Nga. Hầu hết hàng hóa mà người Nga có thể tiếp cận trước khi chiến sự nổ ra hiện vẫn có sẵn, ông Connolly cho biết.
Cũng theo ông Connolly, trong khi các lệnh trừng phạt cấm bán xe hơi như Mercedes hay Chrysler cho Nga, chúng vẫn được đưa vào Nga thông qua các bên thứ ba, chẳng hạn như Georgia, Kazakhstan và Trung Quốc. Giá cao hơn vì tuyến đường nhập khẩu vòng vo, nhưng vẫn có những người Nga giàu có sẵn sàng trả tiền.
Ông Connolly cho biết nhiều doanh nghiệp nhỏ của Nga có động lực mua hàng hóa trên thị trường nước ngoài từ các quốc gia đang trừng phạt, đưa chúng về Nga và bán với mức giá rất cao.
Kể từ khi chiến sự bắt đầu và các lệnh trừng phạt được đưa ra, quỹ đạo kinh tế đã thay đổi. “Đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất của Nga trong một giai đoạn liên tiếp trong hơn một thập kỷ”, ông Connolly nói.
“Liệu họ có thể duy trì được điều đó theo thời gian hay không tất nhiên vẫn là câu hỏi lớn”, ông Connolly nhận định thêm,