Hoạt động huy động vốn của các CTCK được “lách” dưới hình thức các hợp đồng “hợp tác kinh doanh chứng khoán”, “hợp tác kinh doanh vốn”…
Trước thông tin về việc các CTCK huy động với lãi suất cao hơn cả lãi suất huy động của các ngân
hàng, báo SGTT đã có một vài trao đổi với các chuyên gia.
Ông Quản Trọng Thành, chuyên viên phân tích ngân hàng, công
ty chứng khoán MeKong cho rằng, theo luật thì
CTCK không được phép huy động vốn. Nhưng với việc đưa ra các hợp đồng “hợp tác
kinh doanh chứng khoán”, “hợp tác kinh doanh vốn”… như hiện nay thì không
phạm luật.
Bởi theo ông Thành, trong những bản hợp đồng này còn có
những chi tiết, điều khoản phù hợp với ngành nghề kinh doanh thì khó có thể bắt
bẻ. Hơn nữa, nếu chiếu theo luật chứng khoán hiện hành thì điều này không được
đề cập đến, còn theo dự thảo luật chứng khoán mới đang chờ duyệt thì điều này
không được nhắc đến một cách chi tiết.
“Rất có thể, những công ty chứng khoán này có thông tin về
việc sẽ được làm như vậy nên họ chạy trước. Tuy nhiên, rủi ro cũng lớn nếu như
vấn đề này không được hợp thức hóa trong luật”, ông Thành phân tích.
Hiện nay rất nhiều cá nhân, tổ chức đưa tiền cho các thành
viên tham gia thị trường để kinh doanh và được cam kết sẽ trả lãi. “Nếu tôi có
tiền, tôi đem đi nhờ đầu tư và nhận được cam kết sẽ trả lãi thấp nhất là
16%/năm thì tốt chứ sao. Tất nhiên, về mặt luật chứng khoán hiện hành chưa quy
định điều này”, ông Thành cho biết.
Ông Nguyễn Thọ Phùng, phó tổng giám đốc CTCK Công thương
(VietinbankSc) cũng cho rằng, luật chứng khoán hiện tại cũng như dự thảo luật
Chứng khoán không quy định điều này nhưng các công ty chứng khoán vận dụng linh
hoạt điều luật “cứ là doanh nghiệp đang hoạt động là được phép huy động vốn để
kinh doanh. Điều này đâu có khác với đi vay ngân hàng. Các công ty chứng khoán,
thay vì đi vay ngân hàng, họ đi vay các cá nhân, tổ chức khác. Vấn đề là phải
thể hiện đầy đủ hồ sơ chứng từ sao cho đúng luật.
“Việc các công ty chứng khoán huy động vốn như vậy là do vốn
chủ sở hữu không đủ nên phải huy động vốn để tự doanh, nhưng hiện tại, do lãi
suất ngân hàng cao nên họ đang huy động vốn để phục vụ nhu cầu mua chứng khoán
của khách hàng” ông Phùng phân tích.
Ông Đỗ Khánh Đại, phó tổng giám đốc CTCK APEC thừa nhận,
kiểu hợp đồng “hợp tác kinh doanh chứng khoán” hầu như công ty chứng khoán nào
cũng muốn làm. Tuy nhiên, làm dịch vụ này phải có uy tín vì thế nên chỉ có công
ty chứng khoán lớn mới làm. Để huy động được vốn thì phải đẩy lãi suất cao hơn
ngân hàng thì khách hàng mới chấp thuận gửi, nếu không họ đi gửi ngân hàng.
Những kiểu hình thứ như thế này có thể có ngân hàng đứng sau và đồng tình.
Anh Nguyễn Hải Đăng, quản lý độc lập một nhóm các nhà đầu tư
chứng khoán cho biết, với lượng khách hàng của anh hiện tại, nếu huy động vốn
theo kiểu này không phải là khó. Anh đang hợp tác với một công ty chứng khoán
lớn để làm việc này và chia lợi nhuận. “Hiện thị trường đang èo uột, cũng là
những ngày cuối năm nên nhà đầu tư cũng không để tâm đến thị trường, nên lời đề
nghị lãi suất cao hơn ngân hàng được coi là hấp dẫn”, anh Đăng bình luận.
Theo Minh Huệ
SGTT