Huyện Bình Chánh của TPHCM định hướng trở thành thành phố phức hợp vào năm 2025 với công nghiệp công nghệ cao, đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, đô thị xanh, nông nghiệp đô thị ứng dụng dựa trên địa lý, văn hóa và cơ cấu kinh tế hiện nay.
Thành phố phức hợp
Ngày 22/9, UBND huyện Bình Chánh , TPHCM và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo Đề án Đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2012 – 2030.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện uỷ Bình Chánh cho rằng, trong tương lai thành phố Bình Chánh nên hướng thành thành phố phức hợp. “Chúng ta cần hướng đến thành phố Bình Chánh là thành phố phức hợp với công nghiệp công nghệ cao, đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, đô thị xanh, nông nghiệp đô thị ứng dụng dựa trên địa lý, văn hóa và cơ cấu kinh tế hiện nay”, ông Nam nói.
Người đứng đầu huyện Bình Chánh khẳng định, quyết tâm của cán bộ, viên chức Bình Chánh là đưa huyện này lên thành phố, vì xác định việc lên quận là không thể đáp ứng các tiêu chí.
“Việc lên thành phố cần được nhận thức thống nhất, hành động thống nhất trong huyện, đồng thời gắn kết với sở ngành thực hiện các công việc, phân kỳ ra thực hiện các giai đoạn. Trên cơ sở đó tính toán tập trung thực hiện cái gì trước, cái gì sau. Ví dụ hạ tầng Bình Chánh rất yếu, không chỉ hạ tầng giao thông, hiện Bình Chánh cũng thiếu 900 phòng học”, ông Nam phân tích.
Theo ông Nam, đề án Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đã có đề án Đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM, giai đoạn 2021 – 2030. Trong thời gian tới, huyện cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM sẽ đề xuất, trình UBND TPHCM về việc cần thiết phải có một Nghị quyết chung cho Bình Chánh, trong đó xác định rõ Bình Chánh cần thực hiện các công việc gì trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, cách trung tâm TPHCM khoảng 20 km, huyện Bình Chánh với diện tích 252,56 km2, có dân số hơn 815.000 người, là cửa ngõ phía Tây của TPHCM, có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế xã hội, về hạ tầng, cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh.
Huyện Bình Chánh có cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với trung tâm thành phố, đồng thời đang đóng vai trò trung tâm kết nối TPHCM với Đồng bằng sông Cửu Long về cả đường bộ lẫn đường thủy nên điều kiện phát triển kinh tế là vô cùng thuận lợi…
“Với kết quả đạt được bước đầu, cùng với sự quyết tâm huyện Bình Chánh và sự hỗ trợ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học chính là cơ sở cho việc triển khai thực hiện đề án hiệu quả và đạt các mục tiêu đề ra”, Cường nói.
Để có cơ sở triển khai các giải pháp căn cơ, cụ thể hoàn thành các tiêu chí thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021 – 2030 về kinh tế, văn hóa, hạ tầng, con người đô thị và quản lý nhà nước, ông Cường nói huyện Bình Chánh cần thực hiện 4 nhiệm vụ.
Cụ thể, thứ nhất huyện cần tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị để phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để thu hút đầu tư , phát triển kinh tế xã hội… Thứ hai, tiếp tục nâng chất, giữ vững các tiêu chí đạt được; tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thành các tiêu chí chưa đạt từ nay đến năm 2025. Sau năm 2025, sẽ tiếp tục phấn đấu đạt tiêu chí cao hơn (như đô thị loại II, loại I), nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn.
Thứ ba, triển khai thực hiện các giải pháp để đạt các tiêu chí theo quy định đô thị loại III đến năm 2025, gắn với giải pháp phát triển theo định hướng chung của huyện Bình Chánh đến năm 2030.
Thứ tư, triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc Hội, trong đó tập trung thực hiện các dự án giao thông trọng điểm qua địa bàn Bình Chánh; tăng cán bộ, công chức, sắp xếp bố trí nhân sự đối với các xã trên 50.000 dân để cơ bản đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.
2025 là khả thi
Th.S Nguyễn Hoàng Mỹ Lan, Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM, cho biết, với những điều kiện hiện tại của huyện thì việc lựa chọn lên thành phố sẽ phù hợp lên quận, vì xét theo tiêu chí lên quận, huyện có 4 xã không có khả năng chuyển thành phường (xã Bình Lợi, xã Qui Đức, xã Đa Phước, xã Hưng Long – hiện có khá nhiều tiêu chí chưa đạt).
Hiện tại, về tiêu chí lên thành phố thì phân loại đô thị, vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt, trong đó có tổng cộng bảy tiêu chí trong phân loại đô thị loại III chưa đạt. Bảy tiêu chí này gồm tỷ lệ đất giao thông so với đất đô thị, mật độ đường giao thông, tỷ lệ hồ sơ chưa qua xử lý dịch vụ công trực tuyến, mật độ đường cống thoát nước chính, quy chế quy hoạch quản lý kiến trúc đô thị, công trình xanh, khu chức năng đô thị khu đô thị mới…
“Nhìn chung, kế hoạch cải thiện 7 tiêu chí về phân loại đô thị từ đây đến năm 2025 là khả thi, ngoại trừ tiêu chí về mật độ đường giao thông (đạt tối thiểu 6 km/km2) đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn, mới có thể hoàn thành”, bà Lan nói.
Trong khi đó, bà Võ Thị Hiệp, nguyên chủ tịch huyện Bình Chánh cho hay, huyện cần đặt ra cần suy nghĩ có cần cứng nhắc các tiêu chí không, như khu Nam TPHCM là một phần đất quận 7 và đa số đất Bình Chánh, cho thấy đô thị Bình Chánh phát triển rất mạnh.
“Đề xuất là nên chăng Bình Chánh là thành phố của sông nước phía Nam của TPHCM, đây là đặc điểm của TPHCM mà không ở đâu có. Chúng ta tận dụng đường sông, từ chợ Đệm lên Bình Lợi, đầu tư để có tuyến đường sông đẹp, thông thương tốt”, bà Hiệp góp ý.
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM, TPHCM có định hướng phát triển gần 500 km đường sắt đô thị. Trong đó, Sở Giao thông vận tải TPHCM rà soát đưa các tuyến đường sắt đô thị về huyện Bình Chánh để phát triển khu vực này.