Vào tháng trước, dòng iPhone 16 bị cấm bán tại Indonesia do Apple chưa thực hiện các cam kết đầu tư tại quốc gia này.
Để giải quyết vấn đề, Apple đã cam kết đầu tư 10 triệu USD, sau đó tăng gấp 10 lần số tiền này bằng cách hứa đầu tư khoản tiền 100 triệu USD vào Indonesia. Số tiền này nhằm đáp ứng khoản đầu tư ban đầu là 1.710 tỉ IDR (tương đương 109 triệu USD) cho các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) tại địa phương.
Tuy nhiên, cam kết đầu tư này của Apple dường như vẫn chưa đủ khi Bộ Công nghiệp Indonesia đã từ chối lời đề nghị của Apple trong một cuộc họp nội bộ do Bộ trưởng Agus Gumiwang Kartasasmita chủ trì. Theo phát ngôn viên của bộ, chính quyền địa phương đang mong muốn Apple đầu tư nhiều hơn nữa để Indonesia có thể trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu của công ty.
Apple tăng vốn đầu tư gấp 10 lần vẫn không thỏa lòng chính phủ Indonesia
Trong tuyên bố vừa được đưa ra, phát ngôn viên Febri Hendri Antoni Arif đến từ Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết: “Chúng tôi muốn khoản đầu tư này lớn hơn. Một khoản đầu tư lớn hơn sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất trong nước, giúp Indonesia trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple”.
Được biết, theo quy định của luật pháp Indonesia, để có thể hoạt động tại “xứ vạn đảo”, các công ty nước ngoài phải cung cấp 40% thành phần sản xuất tại địa phương như một phần của chứng nhận Cấp độ thành phần trong nước (TKDN). Các công ty có thể đáp ứng yêu cầu này bằng cách sản xuất sản phẩm, phát triển phần mềm tại địa phương hoặc thành lập các trung tâm R&D.
Mặc dù Apple đã cam kết đầu tư hơn 1.710 tỉ IDR, thực tế công ty chỉ đầu tư 1.480 tỉ IDR (tương đương 95 triệu USD) tại đây. Apple hiện xem xét khả năng mở rộng sản xuất phụ kiện và linh kiện tại Indonesia – một mục tiêu mà chính quyền địa phương đang hướng tới. Tuy nhiên, do không đáp ứng được các tiêu chí đầu tư nên các sản phẩm iPhone 16 và Apple Watch Series 10 đang bị cấm “vô thời hạn” tại quốc gia này.