Không có nhiều nâng cấp phần cứng nổi bật, Táo khuyết phải dựa vào Apple Intelligence để quảng bá iPhone 16 dù bộ công cụ này chưa hoàn thiện.
Bộ đôi iPhone 16 Pro và Pro Max. Ảnh: Bloomberg. |
Khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt năm 2007, các nhà mạng tại Mỹ theo đuổi chiến lược khuyến khích người dùng nâng cấp thiết bị mỗi 2 năm, kèm ưu đãi lớn về giá.
Apple, công ty muốn thâm nhập thị trường di động, dốc toàn lực vào ý tưởng ấy. Năm 2008, iPhone 3G có giá chỉ 200 USD với đa số khách hàng, nhờ chương trình trợ giá từ nhà mạng.
Đây là thiết bị mở ra chiến lược cải tiến iPhone trong nhiều năm tiếp theo. Từ chu kỳ một bản nâng cấp lớn mỗi 2 năm, iPhone 16 cho thấy thời gian đổi mới phần cứng của Apple đang dài hơn bao giờ hết.
4 năm chưa có cải tiến lớn
Năm 2009, Apple giới thiệu iPhone 3Gs. Thiết kế sản phẩm không khác biệt nhiều. Trong một quảng cáo, có người còn nói “Tôi nghĩ chúng giống nhau” dù iPhone 3Gs có nhiều nâng cấp như chip xử lý mới, tính năng quay video.
Đến 2010, Apple mang đến cải tiến lớn. iPhone 4 sở hữu thiết kế mới, gọi video FaceTime, màn hình Retina và quay video độ nét cao. Một năm sau, iPhone 4s giữ nguyên thiết kế nhưng nâng cấp quay video lên 1080p, chip xử lý 2 nhân và trợ lý kỹ thuật số Siri.
Lịch trình cải tiến lớn iPhone sau mỗi 2 năm được thể hiện rõ ràng. Thời điểm đó, chu kỳ này vừa đủ để người dùng nâng cấp điện thoại, được duy trì đến giữa thập niên 2010.
Trong lịch sử, iPhone được thiết kế lại tổng cộng 6 lần với iPhone 3G (2008), iPhone 4 (2010), iPhone 5 (2012), iPhone 6 (2014), iPhone X (2017) và iPhone 12 (2020).
iPhone 12 được xem là thế hệ gần nhất có thay đổi lớn về phần cứng. Ảnh: The Verge. |
Khi ra mắt iPhone X năm 2017, chu kỳ cải tiến lớn được kéo dài thành 3 năm. Thời điểm đó, đây là lựa chọn hợp lý bởi iPhone X được thiết kế lại, bỏ nút Home, tích hợp Face ID và hàng loạt tính năng mới.
Apple tiếp tục mất 3 năm cho bản nâng cấp lớn tiếp theo: iPhone 12. Đây là smartphone đầu tiên của công ty hỗ trợ 5G, ra mắt đúng lúc đại dịch bùng phát. Ngoài ra, iPhone 12 cũng có kỹ thuật sản xuất mới, lần đầu bổ sung model thứ 4 (iPhone 12 mini).
Sau iPhone 12, chu kỳ nâng cấp iPhone thậm chí dài hơn, đến nay đã 4 năm. iPhone 16 có vẻ ngoài và cảm giác cầm nắm gần như giống hệt iPhone 12.
Doanh số iPhone có ảnh hưởng?
Dù bổ sung tính năng qua mỗi thế hệ, không thể phủ nhận thời kỳ iPhone tích cực thay đổi phần cứng đã qua. Tuy vậy, còn sớm để khẳng định chiến lược này tác động ra sao đến doanh số.
Theo nhà phân tích Mark Gurman của Bloomberg, Apple đã hứng chịu doanh thu sụt giảm vào năm ngoái. Một phần lý do đến từ doanh số iPhone chậm lại, dù phần lớn thị trường smartphone rơi vào suy thoái.
iPhone 16 Pro. Ảnh: Engadget. |
Một nhóm khách hàng vẫn nâng cấp iPhone sau 1-2 năm nhờ chương trình thu cũ đổi mới hoặc trả góp từ nhà mạng. Bên cạnh đó, hàng triệu lượt nâng cấp đến từ những người đơn thuần yêu thích Apple.
“Tuy nhiên với một công ty muốn chứng tỏ trình độ thiết kế cao, việc thiếu nâng cấp lớn về ngoại hình trong những năm gần đây là điều đáng chú ý, khi hầu hết thành viên trong đội ngũ thiết kế do Jony Ive dẫn đầu đã rời đi”, Gurman viết.
Nhà phân tích của Bloomberg liệt kê một số điểm yêu thích trên iPhone 16 như tốc độ nhanh hơn, thời lượng pin cải tiến rõ rệt, Camera Control tiện dụng và tính năng chụp ảnh mới. Dù vậy, chúng không mang đến trải nghiệm khác hoàn toàn.
Apple đang “thử” khách hàng?
Không phải ngẫu nhiên mà công ty tích cực quảng bá Apple Intelligence trên iPhone 16 dù bộ công cụ chưa hoàn thiện, và vẫn hỗ trợ thiết bị cũ như iPhone 15 Pro.
Đây là chi tiết Apple có phần “không thành thật” trong hoạt động tiếp thị. Công ty tuyên bố iPhone 16 là thiết bị đầu tiên “được xây dựng từ đầu cho Apple Intelligence”. Trên thực tế, yếu tố quan trọng nhất đến từ RAM 8 GB, con số tối thiểu để bộ công cụ hoạt động.
Tính năng xử lý văn bản trong Apple Intelligence bản thử nghiệm. Ảnh: 9to5Mac. |
Nếu những thay đổi phần cứng khác đủ quan trọng để tiếp thị, Apple đã lựa chọn chúng. Thay vào đó, công ty tập trung vào Apple Intelligence bất chấp một số nhược điểm.
Hầu hết người dùng chưa thể truy cập bộ công cụ này trong những tuần tiếp theo, chưa kể một số tính năng và khu vực đến năm sau mới hỗ trợ.
Theo Gurman, kể cả khi mọi tính năng Apple Intelligence được phát hành sớm, chúng cũng không phải yếu tố quan trọng để người dùng mua iPhone 16, đặc biệt khi những tính năng này chưa chứng minh hiệu quả hơn giải pháp của đối thủ.
Apple hiếm khi dựa vào phần mềm để quảng bá iPhone mới. Lần gần nhất hãng làm điều này cũng liên quan AI, khi ra mắt Siri trên iPhone 4s (2011).
Tuy nhiên, bối cảnh lúc đó rất khác bởi thiết kế iPhone 4s còn mới, trong khi giao diện giọng nói của Siri trông giống phim khoa học viễn tưởng. Giờ đây, Apple Intelligence chậm hơn đối thủ khoảng 2 năm.
Theo Gurman, việc triển khai Apple Intelligence có thể thách thức lòng kiên nhẫn của khách hàng. Dù Táo khuyết từng nhiều lần hoãn phát hành tính năng mới, đây là đợt chậm trễ lớn nhất. Nhìn chung, iPhone 16 và Apple Intelligence phản ánh chu kỳ đổi mới phần cứng của Táo khuyết ngày càng chậm.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn
Tim Cook chụp hình cùng fan trong ngày bán iPhone 16Trong ngày mở bán iPhone 16 tại Mỹ, đích thân CEO Apple Tim Cook chào đón những khách hàng đầu tiên nhận máy. |
iPhone 18 sẽ có nâng cấp vượt trội về chipBộ xử lý trên iPhone 18 Pro có thể sản xuất trên tiến trình 2 nm hiện đại nhất, trong khi iPhone 17 vẫn dùng công nghệ chip 3 nm. |
iPhone 16 Pro có đủ hấp dẫn?Chip xử lý mới, màn hình lớn, camera cải tiến là những chi tiết được nhấn mạnh trong những bài đánh giá ban đầu về iPhone 16 Pro và 16 Pro Max. |