Ít ai biết đến nhưng đây là người từng nắm 1/3 cổ phần Apple, đáng lẽ đã có trong tay khối tài sản 900 tỷ USD

Có thể nói những kinh nghiệm của Markkula đã thổi sức sống mới vào bộ máy vận hành của Apple.

TIN MỚI

Nhắc đến Apple, có 2 nhà đồng sáng lập mà ai cũng biết đến: “phù thủy” Steve Jobs với con mắt thiết kế tinh tường và Steve Wozniak, lập trình viên tài năng đã góp công lớn tạo ra những chiếc máy tính Apple đầu tiên. Tuy nhiên, ít ai biết đến 1 nhân vật khác cũng có tầm quan trọng không kém. Đó là Mike Markkula.

Trong khi Jobs và Wozniak dành được nhiều sự chú ý của giới truyền thông, Markkula ít nổi tiếng hơn nhưng đóng góp của ông cho sự thành công của Apple không hề kém cạnh. Từ vị trí nhà đầu tư thiên thần cho tới chiếc ghế CEO và Chủ tịch, hành trình của Markkula với Apple cho thấy niềm tin mãnh liệt của ông vào sức mạnh của những chiếc máy tính cá nhân.

Sinh ngày 11/2/1942 tại Los Angeles, Markkula không hề xa lạ với thế giới công nghệ. Ông lấy bằng cử nhân và thạc sĩ ngành kỹ thuật điện từ ĐH Nam California. Sau khi ra trường, ông làm việc cho Fairchild Semiconductor International và sau này là Intel. Markkula đã quyết định nghỉ hưu khi còn rất trẻ – 32 tuổi. Lúc đó ông đã là triệu phú.

Bước ngoặt cuộc đời Markkula xảy đến khi ông gặp Jobs và Wozniak. Nhận thấy tiềm năng to lớn của máy tính Apple II, ông đã tưởng tượng ra những điều lớn lao và quyết định trở thành nhà đầu tư thiên thần rót vốn vào Apple vào năm 1977. Khoản đầu tư 250.000 USD biến ông thành CEO thứ hai, nhân viên thứ ba và người sở hữu 1/3 công ty. Năm 2023, số cổ phần này sẽ đáng giá khoảng 900 tỷ USD.

Lớn hơn Wozniak 8 tuổi và nhiều hơn Jobs 13 tuổi, Markkula mang đến góc nhìn trưởng thành hơn và cả kỹ năng công nghệ. Những đóng góp của ông cho những sản phẩm đầu tiên khi Apple còn ở thuở sơ khai bao gồm viết một số chương trình cho Apple II và thử nghiệm phần mềm lẫn phần cứng.

Có thể nói những kinh nghiệm của Markkula đã thổi sức sống mới vào bộ máy vận hành của Apple. Ông “đạo diễn” các thỏa thuận tín dụng và đảm bảo thứ tối quan trọng là nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, giúp công ty tiến lên phía trước.

Với việc bổ nhiệm Michael Scott làm Chủ tịch đầu tiên và CEO của Apple, tầm nhìn của Markkula về 1 Apple lọt vào danh sách Fortune 500 bắt đầu thành hình. Ông tin rằng công ty có thể đạt được mục tiêu này chỉ trong 5 năm. Và tháng 5/1983, Apple lần đầu tiên lọt danh sách 500 công ty lớn nhất do tạp chí Fortune bình chọn, đứng số 411. Apple trở thành công ty tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử.

Doanh thu của Apple tăng vọt, từ 773.000 USD năm 1977 lên 117 triệu USD trong năm 1980, năm mà công ty thực hiện IPO và lên sàn. Khoản đầu tư của Markkula mang về hiệu suất vượt trội 220.552% chỉ sau 4 năm, trị giá 203 triệu USD ở thời điểm đó.

Là CEO của Apple từ năm 1981 đến 1983 và sau này là Chủ tịch hội đồng quản trị từ năm 1985 đến 1997, Markkula đã chứng minh khả năng chèo lái Apple vững vàng vượt qua giông bão. Ông đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển Macintosh, kể cả khi Jobs nhiều lần muốn hủy bỏ vì muốn ưu ái dự án Lisa của riêng ông.

Chính sự ủng hộ quyết liệt dành cho Macintosh của Markkula cùng với việc ông về phe John Sculley (CEO của Apple từ năm 1983 đến 1993) đã gây ra mâu thuẫn cực lớn với Jobs, cuối cùng khiến Jobs quyết định ra đi.

Năm 1996, 1 bài báo đưa tin Markkula đã bán ra 500.000 cổ phiếu Apple, tương đương 14% số cổ phần ông đang nắm giữ. Tuy nhiên ông vẫn giữ khoảng 3,1 triệu cổ phiếu, trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất ở thời điểm đó.

Mặc dù đã nghỉ hưu và rời khỏi Apple năm 1997, không lâu sau khi Jobs quay trở lại ghế CEO, Markkula vẫn có ảnh hưởng nhất định. Sau đó ông thành lập Echelon Corporation, công ty phát triển công nghệ mạng không dây. Ngoài ra ông nằm trong hội đồng quản trị của một số công ty khác.

Hiện Markkula có tài sản 1,2 tỷ USD.


Tham khảo Yahoo Finance

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin