Để kể chuyện hay, người kể cần nắm bắt được tâm lý, “nỗi đau” của người nghe, từ đó đưa đến một câu chuyện lay động được họ.
Tác giả Nguyễn Trần Quang. Ảnh: BTC. |
Đây là chia sẻ của tác giả Nguyễn Trần Quang tại buổi ra mắt cuốn sách Storytelling – Lay động lòng người bằng chuyện kể vào sáng 16/11 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, (quận 1, TP.HCM).
Trong thời đại công nghệ len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống như hiện nay, mỗi ngày, chúng ta “tiêu thụ” hàng chục, hàng trăm thông điệp trên mọi nền tảng, từ mạng xã hội, những cuộc đối thoại, báo chí đến truyền hình. Điều này khiến ta dễ dàng trở nên “miễn nhiễm” với những nội dung nhàm chán, thiếu cảm xúc và không có khác biệt.
Vậy điều gì giúp thông điệp truyền tải có thể nổi bật và in dấu vào tâm trí người nghe? Câu trả lời có lẽ nằm ở storytelling – nghệ thuật kể chuyện.
Khả năng kể chuyện là bản năng sinh tồn, đã được lập trình trong gen và giúp con người chúng ta truyền đạt thông tin, bảo vệ và phát triển giống nòi suốt hàng nghìn năm. Nhưng nghệ thuật kể chuyện lại đòi hỏi những kỹ năng quan sát được mài giũa để trở thành tinh tế, từ đó thu hút và thuyết phục được đối tượng mà ta muốn truyền tải thông điệp.
Sách Storytelling – Lay động lòng người bằng chuyện kể là cẩm nang cung cấp cho người đọc những kiến thức cần biết về nghệ thuật kể chuyện: phương pháp kể chuyện thu hút, kiến thức chuyên môn được “đơn giản hóa”, phân tích case-study (ví dụ) thực tiễn, những khám phá thú vị về văn hóa kể chuyện và góc nhìn về nghệ thuật kể chuyện trong đời đại bùng nổ thông tin.
Sách Storytelling – Lay động lòng người bằng chuyện kể. |
Trong đó, tác giả hướng dẫn yếu tố cốt lõi góp phần làm nên một câu chuyện hay, cách tạo dựng cốt truyện chặt chẽ, phát triển ý mạch lạc… cho đến các phương pháp nhằm ứng dụng kỹ năng kể chuyện vào công việc và đời sống.
Sách còn là một “lược sử” của nghệ thuật kể chuyện từ “truyền thống” đến “hiện đại”: kho tàng những câu chuyện được sưu tầm và sáng tác, từ những giai thoại quen thuộc được đến những truyện kể được trình bày lại dưới góc nhìn mới mẻ. Tác giả cho biết để viết nên cuốn sách này, ông đã nghiên cứu, học hỏi và chọn lọc thông tin từ hàng trăm bài nghiên cứu và sách báo khác nhau.
Ông kỳ vọng giúp độc giả có thể ứng dụng nghệ thuật kể chuyện trong xây dựng thương hiệu cá nhân, đàm phán kinh doanh và xây dựng những mối quan hệ.
Nguyễn Trần Quang là chuyên gia về tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu. Ông có kinh nghiệp hơn 3 thập kỷ xây dựng tên tuổi vững chắc cho các thương hiệu tiếng tăm, kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo, cố vấn và quản lý trong các doanh nghiệp đa quốc gia, đặt chân đến nhiều vùng đất, nhìn – nghe – chạm và cảm thụ nhiều nền văn hóa.
Ông chia sẻ đã dành gần cả cuộc đời để quan sát, học hỏi và tìm kiếm, để đọc được nhiều câu chuyện hay cũng như góp nhặt được nhiều thông tin bổ ích về cách xây dựng một câu chuyện.
Ông kết luận: “Một câu chuyện hay khi được kể đúng cách có thể khắc sâu mọi cảnh tượng, hình ảnh, cảm xúc… vào tâm trí người nghe. Để rồi nó như một bản nhạc, khi ta vô tình nghe lại thì những phần trí nhớ từ sâu thẳm trong tiềm thức lại bất ngờ dấy lên, làm sống lại mọi chi tiết cho dù là nhỏ nhất”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.