(VNF) – Kết duyên với việc kinh doanh lan rừng từ niềm đam mê, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1978, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) làm chủ vườn lan BaNa GH rộng 1.000m2 ở Đà Nẵng mỗi năm bỏ túi hàng tỷ đồng.
Từ thú vui tao nhã đến quyết định hái ra tiền
Kể về câu chuyện bé duyên với nghề trồng lan rừng, chị Hiền cho biết, trước đây là một cô giáo nhưng do điều kiện gia đình, chị phải nghỉ việc về phụ giúp gia đình. Sau khi nghỉ việc, chị bắt đầu tìm hiểu và mua lan về trồng theo thú vui tao nhã trên nền diện tích 35m2.
Thời điểm đó, chị như bị “hút hồn” bởi vẻ đẹp của các loài hoa lan, nhất là hoa lan rừng. Với kinh nghiệm trồng lan của mình và nhận thấy giá trị kinh tế cao, chị Hiền quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng, bảo tồn hoa lan rừng vào năm 2016.
“Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp với lan rừng, xu hướng thị trường hoa lan đang phát triển mạnh và nhu cầu chơi lan cao”, chị Hiền đánh giá về thị trường lan thời điểm bắt đầu khởi nghiệp.
Ban đầu, chị Hiền thu mua cây lan từ thợ đi rừng ở nhiều tỉnh, thành để về nuôi trồng và chăm sóc. Quá trình thuần dưỡng cây cho ra hoa, chị mới bắt đầu tuyển chọn giữ lại những cây hoa đẹp để nhân giống bảo tồn, bán ra thị trường.
Tuy nhiên, khi bắt đầu với mô hình kinh doanh mới, chị Hiền gặp không ít khó khăn và thất bại khi không ít cây lan bị chết. Nguyên nhân là chưa thuần với khí hậu, sinh trưởng kém, hoặc chăm sóc thời gian dài nhưng cây không ra hoa.
Dù vậy, Chị Hiền vẫn không bỏ cuộc tiếp tục niềm đam mê, tự mày mò, tìm hiểu kiến thức nuôi trồng hoa lan từ internet, sách báo, bạn bè.
Với sự đam mê nhiệt huyết của mình, chị Hiền cũng nhận được “trái ngọt” sau những nỗ lực của mình. Vườn hoa của chị đã thích nghi được với môi khí hậu của miền Trung với các gốc cây khoẻ mạnh.
Từ đó, các gốc cây của chị cho ra những nhánh hoa đẹp. Đồng thời, các gốc cũng sản sinh ra các cây con khác. Với lượng cây con nay, chị tiếp tục tạo ra loạt lứa lan rừng F2, F3 … khác.
Lan rừng về phố biển miền Trung
“Khí hậu miền Trung rất khắc nghiệt, nhất là bão, những lần như thế tôi rất lo. Dù vậy, trong cái khó ló cái khôn những lần bão đến tôi thường hạn cây đặt hết dưới nền đất. Kết hợp với đó, tôi cũng dùng lưới rào xung quanh vườn ngang với tâm lan để hạn chế bớt gió. Nhờ vậy, lan của tôi mới thoát khỏi các đợt bão”, chị Hiền chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ lan trước bão.
Chị Hiền cho biết để lan rừng phát triển tốt, người trồng nên chú ý các yếu tố như ánh sáng, độ ẩm, thoáng gió, nhiệt độ cần được duy trì ở mức hợp lý.
Bên cạnh đó, trồng lan nên trong nhà lưới để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây, trang bị quạt gió và hệ thống tưới phun sương tự động làm mát nền nhiệt.
Chưa dừng ở đó, chị Hiền cũng nhập các loại phân bón từ Mỹ, Nhật, Đài Loan, Tây Ban Nha… để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây lan. Đồng thời, chị cũng phải thường xuyên theo dõi tình trạng phát triển của cây để kịp thời xử lý khi có sâu bệnh.
“Khi người trồng đã am hiểu rõ đặc trưng, điều kiện sống của từng giống lan, thì việc trồng và chăm sóc lan rất dễ. Chỉ cần thực hiện đúng kỹ thuật trồng và đảm bảo giá thể phù hợp, cây lan có thể sinh trưởng tốt. Quan trọng nhất, phải chọn được cây giống chất lượng, nguồn gốc rõ ràng thì cây hoa lan đó mới thực sự có giá trị”, chị Hiền cho biết.
Đó là việc chăm sóc, việc tách cây con cũng là một yếu tố quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật cao, nếu không lan con sẽ chết và cây mẹ cũng bị suy.
Mỗi năm bỏ túi tiền tỷ nhờ lan rừng
Tính đến nay, khách hàng của vườn BaNa GH ở khắp cả nước. Trung bình mỗi năm, chị Hiền thu lãi hơn 1 tỷ đồng, chưa kể có thời điểm lên đến chục tỷ. Nguồn thu này đến từ vườn lan của chị Hiền là chính.
Hiện vườn lan BaNa GH có các dòng hoa lan rừng chính như lan hoàng thảo giả hạc (hoàng thảo phi điệp – tên khoa học: Dendrobium anosmum), kiếm tiên vũ (Cymbidium Finlaysonianum), các loại lan hài (Paphiopedilum): hài Hồng, hài Táo, hài Vân, hài Đuôi Công, hài Hằng….
Ngoài ra, vườn BaNa GH cũng tập trung vào các cây lan đột biến như: kiếm Phan Trí, kiếm xanh Huế, kiếm Vị Hoàng, Nam Giang tiên vũ….; các loại hoa lan giả hạc đột biến như 5 cánh trắng (5CT) Phú Thọ, 5CT Hiển Oanh, 5CT Bạch Tuyết, phi điệp đột biến Hồng Yên Thủy, phi điệp đột biến Hồng Mỹ Nhân, phi điệp đột biến Hồng Minh Châu…
Trong đó, một số cây đột biến mà vườn chị Hiền may mắn tuyển chọn được như Nam Giang tiên vũ, vàng Phước Sơn, hồng Bà Nà, Trà My Kiếm… thuộc dòng kiếm tiên vũ.
“Các giống này được xem là những đứa con tinh thần, mang thương hiệu riêng của vườn lan BaNa GH”, chị Hiền tâm sự.