Nguồn tin của chúng tôi cho biết, Tập đoàn Mường Thanh đã chính thức tiếp quản Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai từ Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai.
Được biết, đây là một trong những bất động sản cuối cùng còn lại của HAGL. Tọa lạc ngay trung tâm thành phố, Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai là khách sạn duy nhất đạt chuẩn 4 sao tại Gia Lai. Khách sạn gồm 117 phòng ngủ gồm 3 loại phòng Suite, Deluxe và Superior. Nhiều phòng nhìn ra quang cảnh của các ngọn núi hoặc thung lũng.
Hồi tháng 10/2023, HAGL gây chú ý khi thông báo việc bán lại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai cho một đơn vị, mục đích nhằm thu hồi tiền trả nợ ngân hàng BIDV. Với thương vụ này, HAGL đã ghi nhận khoản lãi phát sinh thanh lý 180 tỷ đồng trong tháng 9/2023.
Về phía bên mua lúc bấy giờ là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. Đáng nói, Hoàn Sinh Gia Lai chỉ mới vừa được thành lập vào ngày 20/6/2023, vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi lợn… Công ty cũng hoạt động trong mảng câu lạc bộ thể thao (trừ hoạt động của các sàn nhảy). Trụ sở Hoàn Sinh Gia Lai đang nằm tại đường 3/2, quận 10, Tp.HCM.
Được biết, đây không phải lần đầu Mường Thanh mua lại bất động sản từ HAGL. Trước đó năm 2019, Ngày 1/11/2019, Mường Thanh đã mua lại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Đà Nẵng, đổi tên thành Mường Thanh Luxury Sông Hàn. Khách sạn này cũng nằm tại trung tâm Đà Nẵng, quy mô 23 tầng với 206 phòng đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn 5 sao, là một trong những biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.
Ảnh: Khách sạn HAGL Đà Nẵng từng bán cho Mường Thanh.
Về phía HAGL, đón dòng tiền đầu tư từ LPBank và Chứng khoán LPBank, ThaiGroup cùng các bên liên quan, HAGL đang đẩy mạnh phát triển mảng nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững.
Công ty vừa công bố BCTC quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 1.518 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế 281 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, HAGL mang về 2.759 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế đạt 507 tỷ đồng, tăng 32%.
Đến nay, HAGL đã hoàn tất việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ và thu được số tiền 1.300 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 10.574 tỷ đồng. Công ty đã thanh toán được gốc và lãi trái phiếu 300 tỷ đồng của đợt phát hành ngày 18/6/2012, đáo hạn ngày 30/9/2025 và cơ cấu lại các khoản nợ của công ty con, giảm được chi phí lãi vay.
Kết quả này giúp HAGL thu hẹp lỗ luỹ kế tại thời điểm 30/6/2024 xuống còn 904 tỷ đồng.
Năm 2024, HAGL đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục với 7.750 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 1.320 tỷ đồng, giảm 26% so với kết quả năm ngoái. Như vậy sau 6 tháng, Công ty đã thực hiện được 36% mục tiêu doanh thu và 38% mục tiêu lợi nhuận năm.
Được biết, nếu hoàn thành kế hoạch, 2024 sẽ là năm thứ ba liên tiếp HAGL cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ đồng, hỗ trợ việc xoá lỗ luỹ kế. Chia sẻ nhiều lần với cổ đông, Chủ tịch là ông Đoàn Nguyên Đức cho biết lỗ lũy kế là ám ảnh của bản thân ông.
“Nhiều quỹ lớn chia sẻ với tôi rằng nếu HAGL xoá được lỗ luỹ kế thì sẽ có nhiều quỹ đầu tư vào. Chúng tôi không dám đưa vào kế hoạch, nhưng chúng tôi phấn đấu cuối năm nay sẽ xoá được lỗ luỹ kế bằng nhiều cách, chứ lợi nhuận 1.300 tỷ đồng thì chưa thể xoá được”, ông Đức nói.