Mức chi tiêu trung bình của khách Việt là 202.000 yen, vượt mục tiêu chính phủ Nhật đề ra và đứng top 5 thế giới nếu tính riêng tiền dùng cho mua sắm.
Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam Matsumoto Fumi cho biết khách Việt dành ngân sách lớn để mua sắm tại Nhật.
Kết quả thống kê “Điều tra xu hướng tiêu dùng của khách quốc tế đến” do JNTO thực hiện trong giai đoạn tháng 7-9, mức tiêu dùng của khách Việt là 202.000 yen (hơn 34 triệu đồng), tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tiêu dùng này vượt mục tiêu đặt ra của chính phủ Nhật là 200.000 yen (33,7 triệu đồng). Nếu tính riêng hạng mục mua sắm, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về tiêu tiền nhiều tại Nhật.
Theo bà Fumi, khách Việt tin tưởng và yên tâm đối với các sản phẩm sản xuất tại Nhật nên mua sắm rất nhiều, từ thiết bị điện gia dụng đến quần áo, đồng hồ, thực phẩm chức năng.
Thời gian lưu trú trung bình của khách Việt là 6-7 ngày, đa số lần đầu đến Nhật. Do đó, các điểm đến truyền thống như cung đường vàng từ Tokyo đến Osaka được khách yêu thích. Trong năm nay, các tour tham quan Hokkaido hay làng cổ Shirakawago cũng bắt đầu được khách Việt ưa chuộng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc Công ty Asia Gate Travel cho biết giá tour 6 ngày 5 đêm dịp tết Dương lịch, đi cung đường vàng Tokyo-Osaka khá “mềm”, gần 35 triệu đồng. “Giá tour đi Nhật khoảng 33,5 triệu nếu được khuyến mãi, phù hợp với tài chính của nhiều người”, ông Dũng cho biết.
Theo khảo sát của JNTO, khách Việt thường muốn tìm kiếm trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực và mua sắm khi đến Nhật. Lượng khách du lịch Nhật Bản phân bổ theo mùa, cao điểm vào mùa hoa anh đào tháng 3-4 và mùa lá vàng lá đỏ tháng 10-11.
“Điều này cho thấy khách muốn đến để thưởng lãm những cảnh sắc riêng của Nhật Bản mà không có ở Việt Nam”, trưởng đại diện Matsumoto Fumi nói.
Trong 10 tháng đầu năm, lượng khách Việt đến Nhật đạt 530.000 lượt, tăng 26% so với cùng kỳ 2019 và tăng 8% so với 2023, nằm trong top 9 thị trường gửi khách lớn nhất đến Nhật. JNTO dự kiến đến cuối năm, Nhật Bản hoàn thành mục tiêu đề ra đón 600.000 lượt khách Việt trong năm. Nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như hiện tại, lượng khách Việt đến Nhật có thể đạt đỉnh, cao nhất từ trước đến nay.
Ông Dũng cho biết, lượng khách đi Nhật nói riêng và các thị trường quốc tế nói chung có xu hướng giảm 20-30% sau bão Yagi. Một phần nguyên nhân do khách từ Quảng Ninh và Hải Phòng, hai tỉnh có lượng khách đi du lịch quốc tế nhiều nhất miền Bắc sau Hà Nội, giảm. Nếu không có bão, ông Dũng dự đoán lượng khách đến Nhật “có thể đông hơn”.
Lượng khách đến đông cho thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng và Nhật Bản luôn là điểm đến yêu thích của người Việt, dù thủ tục xin visa khó. Năm 2025, Nhật Bản đẩy mạnh quảng bá trải nghiệm địa phương, khám phá đa dạng tới khách Việt, nhằm truyền tải thông điệp Nhật Bản không chỉ có Tokyo, Kyoto hay Phú Sĩ mà còn ẩn chứa nhiều nét hấp dẫn riêng ở từng vùng, miền.
“Hiện giá đi Nhật không quá đắt nên thu hút nhiều người quan tâm”, ông Dũng của Asia Gate Travel cho biết.