Một tháng sau bão Yagi, Hà Giang đón khách nước ngoài trở lại nhưng vắng bóng khách Việt do còn tâm lý e dè, khiến công suất phòng khách sạn tháng 10 đạt 20-30%.
Anh Tuấn, du khách Hà Nội, định du lịch Hà Giang tháng 10 vì thời điểm này hằng năm thời tiết bắt đầu đẹp. Tuy nhiên, thông tin về sạt lở sau đợt bão Yagi khiến du khách phải cân nhắc và lựa chọn điểm đến khác an toàn hơn.
Sau bão Yagi, các cơ sở kinh doanh du lịch tại Hà Giang luôn trong tình trạng ế ẩm vì khách Việt sụt giảm, hầu như không có đoàn khách lớn, chủ yếu là khách nước ngoài đi tự túc. Bà Huyền Anh, chủ một khách sạn ở Mèo Vạc, nói chưa bao giờ thấy vắng khách như năm nay dù thời tiết hiện rất đẹp.
“Sau 2/9, có khi gần một tuần, khách sạn của tôi không có khách nào”, bà Huyền Anh nói, cho biết đây là giai đoạn khó khăn với các đơn vị kinh doanh du lịch ở Hà Giang. Khách hầu như đã hủy phòng tới 14/10 và trong tháng 10 cũng rất ít đơn đặt mới.
BiBi Ha Giang Tour, đơn vị chuyên cung cấp tour chạy xe máy ở Hà Giang, nói lượng khách nước ngoài đặt trong tháng 10 tăng 30% so với tháng 9 vì bắt đầu vào mùa đẹp. Tuy nhiên, khách Việt hầu như không có, nhiều người còn hủy dịch vụ tới tháng 11.
Theo đại diện ban quản lý Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, khách Việt tránh các điểm du lịch vùng núi như Hà Giang vì e ngại sạt lở. Trong đợt bão Yagi, thiệt hại về tài sản của các cơ sở du lịch ở Hà Giang không đáng kể. Tuy nhiên, hồi tháng 7, Hà Giang xảy ra vụ sạt lở ở Bắc Mê và cuối tháng 9 là Bắc Quang, gây tâm lý lo sợ cho du khách. Đại diện công viên địa chất đánh giá cần có thời gian để khách Việt ổn định lại.
Mustgo, nền tảng đặt phòng trực tuyến với hơn 2.000 đối tác khách sạn toàn quốc, ghi nhận lượng đặt phòng ở Hà Giang và Sa Pa sụt giảm nặng trong tháng 10 dù đang vào mùa cao điểm. Công suất phòng cuối tuần ở hai điểm này đạt khoảng 20-30%, giảm 40-50% so với cùng kỳ.
Sau bão Yagi, khoảng 90% khách của nhà xe Inter Bus Lines chuyên tuyến Hà Nội – Sa Pa là khách nước ngoài. Đại diện nhà xe nói một phần khách nước ngoài chuyển từ Hà Giang sang Sa Pa vì vấn đề sạt lở còn khách Việt vẫn tâm lý e ngại. Trong tháng 10, khách Việt có dấu hiệu trở lại nhưng chưa đông như mọi năm, chủ yếu là khách trẻ theo nhóm bạn bè.
Công ty du lịch Best Price cũng nhận thấy lượng quan tâm của du khách với tour miền núi phía bắc giảm 30% so với cùng kỳ. Trước đó, trong thời gian bão Yagi đổ bộ, công ty đã hoãn, hủy dịch vụ của 80 khách tới vùng Đông – Tây Bắc, 40% khách yêu cầu hoàn tiền, còn lại dời lịch sang tháng 10.
Danh Nam Travel cho biết liên minh lữ hành tuyến Đông – Tây Bắc chịu thiệt hại vì phải hủy hàng loạt đoàn sau bão Yagi, nguyên nhân chủ yếu do “khách sợ”. Giám đốc Nguyễn Ngọc Tùng đánh giá tình hình sẽ khả quan hơn khi chuỗi cung ứng dịch vụ của các điểm Đông – Tây Bắc cơ bản phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, giao thông một số nơi bị ảnh hưởng vì sạt lở, tạo ra thách thức lớn với các đơn vị muốn khai thác tuyến này.
“Dù vào mùa đẹp nhất trong năm, chúng tôi vẫn phải cập nhật tình hình thường xuyên để cân đối quảng cáo, bán tour”, ông Tùng nói, dự đoán mất khoảng hai tháng để du lịch vùng núi phía bắc hoàn toàn phục hồi, khách yên tâm đi chơi.
Theo ý kiến của nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch ở Hà Giang, Sa Pa, chính quyền địa phương nên có thêm hoạt động quảng bá, kích cầu và tuyên truyền rộng rãi về những cung đường an toàn để kéo khách Việt trở lại.
Trong khi đó, hai tỉnh thành thiệt hại nặng nề nhất vì bão Yagi là Quảng Ninh và Hải Phòng hầu hết đã đủ sức đón khách du lịch trở lại từ tháng 10. Tuy nhiên, vì thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, mưa nhiều, công suất phòng của cả hai điểm dao động 15-20%, theo báo cáo của Mustgo. Các khách sạn cũng chỉ hoạt động khoảng 50% tổng phòng vì nhu cầu khách thấp và 10% phòng hiện vẫn cần sửa chữa bởi thiệt hại bão gây ra.
Bà Lưu Thị Thu, Phó giám đốc Hoàng Việt Travel, nhận xét các vấn đề do bão Yagi gây ra với du lịch phía bắc cơ bản đã được giải quyết sau một tháng. Dù vậy, tâm lý khách e ngại an toàn và trải nghiệm chưa tốt khiến đơn vị chưa dám đẩy mạnh tour. Phía Hoàng Việt Travel dự kiến chỉ nối lại các tour miền Bắc từ cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, sau khi bão và áp thấp ở biển Đông không còn hoạt động mạnh, lượng mưa giảm để chuyển sang mùa khô.
Tú Nguyễn