Rác thải từ hoạt động khai thác Bitcoin đạt 30.700 tấn trong 2021, cao gấp năm lần so với lượng rác điện tử của Luxembourg.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu StockApps, dân số của Luxembourg hiện khoảng 6 triệu người và tạo ra 6.000 tấn rác điện tử trong năm ngoái.
“Trước đây, lo ngại liên quan đến khai thác Bitcoin chủ yếu tập trung vào việc chúng tiêu tốn lượng điện năng rất lớn. Tuy nhiên, rác thải điện tử cũng là vấn đề gây ô nhiễm môi trường không kém”, StockApps nhận xét.
Hiện việc khai thác Bitcoin sử dụng cơ chế gọi là PoW (bằng chứng công việc, được thực hiện bởi các thợ đào) để giải mã các khối trong blockchain và nhận về phần thưởng là Bitcoin. Từ lâu, PoW bị chỉ trích vì ngốn năng lượng so với giải pháp PoS (bằng chứng cổ phần, được thực hiện bởi những người nắm giữ token).
Theo Forbes, khai thác Bitcoin tiêu tốn khoảng 127 terawatt giờ điện mỗi năm – tương đương với toàn bộ lượng điện tiêu thụ hàng năm của Na Uy. Với mỗi Bitcoin mà thợ đào thu được, hệ thống sẽ ngốn khoảng 707 kilowatt giờ, gấp 11 lần so với Ethereum.
Quá trình khai thác tiền điện tử thải ra nhiều CO2 vì độ khó ngày càng cao khi giải thuật toán, buộc các cỗ máy hoạt động nhiều hơn. Việc dùng năng lượng hóa thạch như dầu mỏ, than đá để vận hành máy đào cũng gây nhiều tác động xấu đến môi trường.
Tuy nhiên, không chỉ vấn đề tiêu thụ điện, quá trình khai thác còn đòi hỏi về sức mạnh thiết bị, khiến nó tạo ra rất nhiều rác thải. Hiện các cỗ máy đào Bitcoin sử dụng các mạch tích hợp riêng (ASIC) thay vì tận dụng sức mạnh của máy tính hay card đồ họa như trước. Tuy nhiên, ASIC có tuổi thọ ngắn, khoảng 18 tháng. Một khi lỗi thời, chúng sẽ trở thành rác thải.
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi từ cơ chế PoW sang PoS sẽ giúp tiết kiệm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng. Các công ty khai thác cũng đang đẩy mạnh sử dụng năng lượng xanh như điện gió, điện mặt trời và thủy điện thay vì nhiên liệu hóa thạch. Việc tăng tuổi thọ máy đào cũng là cách giúp hạn chế thải rác ra môi trường.
Một số loại tiền điện tử, như Ethereum, đã thay đổi thuật toán trên quy trình khai thác mới để giúp máy đào tốn ít năng lượng hơn. Dù vậy, giới chuyên gia nhận định, khi Bitcoin vẫn là đồng tiền số giá trị nhất, các mô hình khai thác gây ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại.
Bảo Lâm