Khám phá điện ảnh Việt Nam qua 101 bộ phim hay nhất

Không chỉ tôn vinh những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam, sách “101 bộ phim Việt Nam hay nhất” còn đưa bạn khám phá lịch sử và văn hóa Việt qua từng thước phim.

Dien anh Viet Nam anh 1

Xuất phát từ tình yêu điện ảnh, cộng với kiến thức, kỹ năng và tâm huyết của một nhà phê bình phim với gần 30 năm theo dõi điện ảnh nước nhà, nhà báo Lê Hồng Lâm đã thực hiện dự án cá nhân tuyển chọn hơn 101 bộ phim hay nhất, nhằm tôn vinh những tài năng và tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam.

Hành trình 10 năm cho một dự án điện ảnh

Quá trình thực hiện dự án này kéo dài 10 năm, tốn rất nhiều công sức và thời gian, nhưng với Lê Hồng Lâm đó là một hành trình đáng giá về mặt nghề nghiệp và cả sở thích cá nhân. Anh được đắm mình trong một nền văn hóa và con người Việt trải dài qua cả thế kỷ. Nhờ sức mạnh của âm thanh và hình ảnh, anh được khám phá lại từng giai đoạn lịch sử, từng vùng miền văn hóa và những con người Việt Nam, dù ở bất cứ thời đại nào, cũng đậm đà tính Việt.

Lê Hồng Lâm đã được lội ngược dòng thời gian trở về quá khứ, bắt đầu từ những bộ phim nguyên sơ thời đầu (thập niên 50 của thế kỷ 20) kéo dài sang những bộ phim nổi bật gần đây.

Hành trình này là những cuộc thăm dò và khám phá tâm thức của người Việt Nam qua điện ảnh được thể hiện một cách sống động, qua những bộ phim cách mạng (dù tuyên truyền nhưng vẫn thu phục được nhân tâm, vì có một thời cha ông ta đã sống như thế), rồi chuyển đổi sang thời bao cấp nhiều gian khó với những cái nhìn phản tỉnh và phản biện xã hội, sau đó là thời đổi mới với nhiều giá trị đảo lộn và một Việt Nam thay da đổi thịt trong hai thập niên gần đây.

Dien anh Viet Nam anh 2

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm. Ảnh: FBNV.

Dự án điện ảnh này sau được xuất bản thành sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất (cuốn sách mang tính tuyển chọn lần đầu tiên có ở Việt Nam dành cho điện ảnh nội địa), ra mắt cách đây 6 năm. Tuy nhiên, với sự ủng hộ và cổ vũ của độc giả, đặc biệt là những người yêu thích điện ảnh Việt Nam, tác giả đã quyết định tái bản cuốn sách với sự thay đổi đáng kể so với bản đầu tiên. Anh đã loại bỏ bớt và cập nhật thêm 12 bộ phim mới trong 6 năm qua, với sự xuất hiện của một số đạo diễn trẻ thuộc thế hệ Millennials.

Điện ảnh Việt Nam, nếu tính từ mốc bộ phim kinh điển của cách mạng Việt Nam Chung một dòng sông của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (tức Phan Kỳ Nam), năm 1959 đến Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, được trình chiếu quốc tế lần đầu tiên tại Liên hoan phim Berlin năm 2024, đã trải 65 năm với hàng nghìn bộ phim được làm ra.

Bên cạnh những bộ phim hay, điện ảnh Việt Nam có không ít những phim dở. Nhiều bộ phim được làm quá ẩu, ngây ngô, ước lệ, nhất là những bộ phim “mì ăn liền” đầu thập niên 1990 (của tư nhân sản xuất với mục tiêu lợi nhuận đặt lên hàng đầu) và cả những bộ phim nhà nước với đề tài hậu chiến cũ kỹ tốn rất nhiều tiền nhưng không bán được vé. Thực trạng này đã khiến điện ảnh Việt Nam dần thoái trào và khán giả mất niềm tin vào phim Việt Nam cuối những năm 1990.

Đề cao giá trị văn hóa và con người Việt Nam ở các thời kỳ khác nhau

Từ hàng nghìn bộ phim vàng thau lẫn lộn này (trong đó có không ít bộ phim hay, thậm chí kinh điển của Việt Nam bị chịu chung tiếng oan và chịu nhiều thành kiến không đáng có của khán giả), Lê Hồng Lâm đã chọn ra 101 bộ phim tiêu biểu.

Với tỷ lệ 10 chọn 1, anh bắt đầu hệ thống hóa những bộ phim hay hàng năm, đã phần nào được kiểm chứng qua những giải thưởng tại các liên hoan phimViệt Nam và quốc tế.

Nói về tiêu chí chọn phim, tác giả Lê Hồng Lâm cho biết “Từ các bộ phim được lựa chọn có tính hệ thống, tôi đã chọn ra các bộ phim tiêu biểu nhất trong suốt lịch sử hơn 70 năm của điện ảnh Việt Nam. Đó phải là những bộ phim hoàn thiện về mặt chuyên môn trong bối cảnh thời đại đó hoặc được đánh giá bằng các giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế mà các bộ phim đạt được. Nhưng tiêu chí quan trọng nhất vẫn là những bộ phim hay và đề cao các giá trị về văn hóa và con người Việt Nam qua các thời kỳ”.

Nói về sự thay đổi 12 phim mới cho cuốn sách tái bản, Lê Hồng Lâm cho biết anh vẫn lựa chọn theo các tiêu chí nói trên và ghi nhận thêm ý kiến từ nhiều đạo diễn trẻ tài năng gần đây.

Bổ sung 12 bộ phim mới cũng có nghĩa là loại 12 bộ phim cũ ra khỏi bản sách tái bản. Trong số các phim bị loại này có 4 bộ phim của điện ảnh Sài Gòn trước 1975 (tác giả cho biết anh một cuốn sách khảo cứu riêng về điện ảnh giai đoạn này và thấy không công bằng khi chỉ lựa chọn 4 bộ phim trong tổng số hơn 300 bộ phim của giai đoạn này để đưa vào sách), còn 8 phim còn lại nằm ở thang điểm thấp (trong bản cũ 6.5/10).

Dien anh Viet Nam anh 3

Sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất. Ảnh: MC.

Cũng theo Lê Hồng Lâm, những bộ phim được tuyển chọn vào cuốn sách như những nhân chứng của thời đại, giúp ta được soi rọi và khám phá những giá trị và tâm thức của người Việt của từng thời kỳ khác nhau. Có lẽ hơn bất cứ loại hình nghệ thuật nào, những tác phẩm điện ảnh giúp ta hình dung sống động nhất về mỗi thời đại nhờ vào ngôn ngữ điện ảnh của chúng.

Từ những bộ phim điện ảnh cách mạng kinh điển thời đầu có sức sống lâu dài như Cánh đồng hoang (đạo diễn Hồng Sến), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh), Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê (đạo diễn Đặng Nhật Minh) đến những bộ phim thời hậu chiến với các bộ phim như Đời cát của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Sống trong sợ hãi của Bùi Thạc Chuyên….

Từ những bộ phim theo hướng “exotic” của các đạo diễn Việt kiều trở về mang tới một ngôn ngữ kể chuyện đặc sắc (bộ ba phim của đạo diễn Trần Anh Hùng, Ba mùa của Tony Bùi, Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Song lang của Leon Lê…) đến những bộ phim của các đạo diễn dòng phim độc lập nổi lên trong 2 thập niên gần đây, mang lại một thứ ngôn ngữ kể chuyện mới mẻ và tự do hơn.

Hoặc đậm dấu ấn cá nhân hơn, như Phan Đăng Di (Bi, đừng sợ), Nguyễn Hoàng Điệp (Đập cánh giữa không trung), cho đến những đạo diễn thuộc thế hệ trẻ hiện nay, với 3 tác phẩm của 3 đạo diễn trẻ mới được tuyển chọn trong phiên bản tái bản là Bên trong vỏ kén vàng (Phạm Thiên Ân), Những đứa trẻ trong sương (Hà Lệ Diễm), Culi không bao giờ khóc (Phạm Ngọc Lân).

Và tất nhiên, trong hai thập niên qua, không thể không nhắc tới những đạo diễn của dòng phim thương mại mà sự đóng góp rõ ràng nhất của họ là kích cầu thị trường, kéo khán giả quay trở lại với điện ảnh Việt với nhiều bộ phim thay đổi tư duy thẩm mỹ của khán giả hoặc lập kỷ lục phòng vé, như Dòng máu anh hùng của đạo diễn Charlie Nguyễn, Scandal – Bí mật thảm đỏ của Victor Vũ, Em chưa 18 của Lê Thanh Sơn, Hai Phượng của Ngô Thanh Vân hay vài bộ phim thu hút tới 6-7 triệu lượt khán giả gần đây như Bố già hay Mai của Trấn Thành…

Tóm lại, với việc tuyển chọn những tác phẩm điện ảnh Việt nổi bật kéo dài suốt hơn 7 thập niên, sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất đã cung cấp một cái nhìn có tính hệ thống và toàn cảnh về phim Việt, cũng như lịch sử và văn hóa Việt qua từng thước phim. Cuốn sách giúp bạn đọc và những người yêu thích, làm nghề có những tham khảo hữu ích về điện ảnh Việt Nam.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Bài thơ tưởng nhớ có tên 25 bộ phim của NSND Thế Anh

“Một cuộc đời” do NSND Thế Anh sáng tác là bài thơ ghi lại 25 tác phẩm điện ảnh danh tiếng mà cố nghệ sĩ tham gia, từ “Nổi gió” đến “Hồi chuông màu da cam”.

Ký ức không gian Hà Nội của những tác giả ‘thiếu quê hương’

Từ văn học đến điện ảnh, các tác giả Việt Kiều đã tạo dựng “miền ký ức” mang tên quê hương, tham chiếu từ những không gian, hoài niệm, văn hóa khác.

Từ màn ảnh bước ra trang sách

Phim điện ảnh, phim truyền hình được chuyển thể từ truyện dài, tiểu thuyết đã quá quen thuộc với khán giả. Xu hướng mới chuyển thể ttừ phim đến truyện, đã xuất hiện và ăn khách.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin