Theo nghiên cứu mới, việc xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện sớm các manh mối của 5 bệnh ung thư dạ dày, thực quản, đại tràng, phổi hoặc gan trước khi phát bệnh từ 1-4 năm.
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, xét nghiệm máu có thể phát hiện ra 5 loại ung thư trước khi các phương pháp thông thường khác có thể phát hiện bệnh nhiều năm.
Nghiên cứu được phát triển bởi công tư khởi nghiệp Sino-US, thử nghiệm đã phát hiện dấu hiệu bệnh ung thư ở 91% những người tham gia thử nghiệm. Tất cả đều không có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh ung thư khi được lấy mẫu máu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu cho thấy họ có thể phát bệnh ung thư dạ dày, thực quản, đại tràng, phổi hoặc gan trong 1 đến 4 năm sau đó.
“Các nhà nghiên cứu ngay lập tức tập trung kiểm tra những người có nguy cơ cao hơn, dựa trên tiểu sử gia đình, tuổi tác hoặc các yếu tố nguy cơ khác”, đồng tác giả của nghiên cứu Kun Zhang, trưởng bộ phận nghiên cứu sinh học tại Đại học California Sandiego, Mỹ cho biết.
Việc phát hiện sớm bệnh ung thư rất quan trọng bởi nó quyết định đáng kể khả năng sống còn của người bệnh. Hiệu quả điều trị sẽ rất cao khi ở giai đoạn đầu, loại bỏ khối u bằng phẫu thuật, thuốc hay xạ trị. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít xét nghiệm sàng lọc sớm hiệu quả.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mẫu máu từ hơn 600/120.000 cá nhân tham gia khảo sát sức khỏe 10 năm 1 lần ở Trung Quốc trong thời gian 2007 – 2017. Chương trình theo dõi bao gồm lấy mẫu máu thường xuyên. Đối với 191 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, các nhà khoa học đã sử dụng thử nghiệm mới để phân tích các mẫu máu lấy được từ 4 năm trước để chẩn đoán bệnh ung thư. Kết quả chính xác đến 88%, đối với những người đã có dấu hiệu ung thư khi được lấy mẫu máu.
Kỹ thuật này được phát triển trong một thập kỷ, có khả năng phát hiện bệnh dựa trên một quá trình sinh học gọi là phân tích methyl hóa ADN, sàng lọc các dấu hiệu của ung thư.
Zhang và các cộng sự của ông đã phát hiện một manh mối mới trong máu, có thể phát hiện các tế bào khối u và xác định vị trí của chúng. Khi một khối u bắt đầu phát triển trong cơ thể, nó cạnh tranh với các tế bào bình thường để lấy chất dinh dưỡng, chiếm không gian và tiêu diệt chúng. Khi các tế bào bình thường chết đi, chúng giải phóng ADN vào máu – dựa vào dấu hiệu này các nhà nghiên cứu có thể xác định mô, tế bào bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi đã phát hiện điều này một cách tình cờ. Ban đầu, chúng tôi thực hiện phương pháp thông thường và chỉ tìm kiếm các tín hiệu tế bào ung thư, cố gắng tìm hiểu xem chúng đến từ đâu. Tuy nhiên chúng tôi cũng phát hiện tín hiệu từ các tế bào khác và nhận ra rằng, nếu tích hợp cả 2 bộ tín hiệu với nhau, chúng ta thực sự có thể xác định sự hiện diện của một khối u và nơi khối u đang phát triển”, ông Zhang tiết lộ.
Các tác giả cũng cho biết, điều này vẫn cần được nghiên cứu sâu hơn để xác nhận tiềm năng của xét nghiệm phát hiện ung thư sớm. Ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, chiếm gần 10 triệu ca tử vong mỗi năm. Năm 2018, ung thư phổi gây ra 1,76 triệu ca tử vong, ung thư ruột kết 862.000, ung thư dạ dày 783.000, ung thư gan 782.000 và ung thư thực quản 508.000, theo Tổ chức y tế thế giới WHO.