Gần đây trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ hình ảnh một loại hải sản giống sứa với màu xanh bắt mắt, giới thiệu là đặc sản xứ Huế, “mỹ vị mùa hè” của vùng cố đô.
Một món ăn từ con nuốc – đặc sản xứ Huế.
Nuốc – mỹ vị mùa hè xứ Huế
Loại hải sản màu xanh đó chính là con nuốc (hay còn gọi con nuốt), một loại nhuyễn thể không chân phổ biến tại các vùng đầm phá nước lợ tại Huế, có nhiều ở đầm Cầu Hai, phá Tam Giang,…
Con nuốc có thân tròn, trong suốt hoặc màu xanh lam nhạt. Nuốc chỉ to bằng trái chanh ta. Theo người dân địa phương, tùy vào con nước, màu sắc con nuốc sẽ có độ đậm nhạt khác nhau.
Thời gian gần đây, nuốc bỗng trở thành “hot trend” trên mạng xã hội. Rất nhiều TikToker, YouTuber… chia sẻ video thưởng thức con nuốc và nhận hàng nghìn, hàng triệu lượt tương tác của cư dân mạng.
3 lưu ý khi ăn nuốc
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết mùa nuốc mỗi năm khá ngắn, sinh vật này lại khó bảo quản, do vậy, món nuốc vẫn còn khá xa lạ với nhiều người.
Tuy nhiên, nuốc là một thực phẩm khá nhiều dưỡng chất. Nuốc ít calo, giàu protein cũng như các chất khoáng như canxi, photpho. Nuốc biển còn có một số vitamin khoáng chất như vitamin B1, B2, B3 và B5.
Nói về lưu ý khi ăn nuốc, bác sĩ Hưng nói đầu tiên là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nuốc tươi ngon nhất khi được ăn trong ngày, nhất là thời điểm vừa được bắt lên bờ. Nếu để qua đêm, con nuốc sẽ mất nước, tóp lại.
“Do vậy, vấn đề bảo quản nuốc rất quan trọng. Nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nuốc xử lý không đúng cách có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, dị ứng”, bác sĩ Hưng nói.
Điều thứ hai cần lưu ý là nuốc sống ở vùng nước lợ nên cũng chứa một lượng natri cao, vì vậy những người có vấn đề về huyết áp nên cân nhắc trước khi ăn. Những người có hệ miễn dịch yếu hoặc dễ bị dị ứng với hải sản cũng nên cẩn thận.
Bác sĩ Hưng lưu ý điều thứ ba: “Nuốc là thực phẩm giàu chất đạm, không nên lạm dụng ăn quá nhiều. Việc ăn lượng bao nhiêu là đủ và tốt cho sức khỏe nên tham vấn ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng. Không nên đu trend, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe”.
Khi ăn nuốc, mọi người hãy bổ sung thêm rau và các nguyên liệu khác để tạo nên sự phong phú hương vị và tăng giá trị dinh dưỡng của món ăn, bác sĩ Hưng nói.
Các món ăn từ nuốc
Nuốc có thể được chế biến thành nhiều món ngon. Con nuốc thường được chia thành hai phần là nuốc tai mềm mọng và nuốc chân giòn sần sật. Nuốc tai thường được ăn trực tiếp giống như món sứa đỏ nức tiếng Hà Nội, Hải Phòng. Còn nuốc chân hay được tận dụng làm nguyên liệu cho các món gỏi, bún giấm…
Vào mùa hè, món nuốc “ăn tươi” chấm cùng mắm ruốc Huế rất được ưa chuộng vì thanh mát, có tác dụng “giải nhiệt”, “hạ hỏa”.