Có một cơn đau thấu tận xương tủy khiến người ta thường thức giấc lúc nửa đêm mơ màng. Đây là dấu hiệu của căn bệnh đáng sợ thường gắn liền với tình trạng axit uric đã “vượt chuẩn”, tích tụ trong người.
Một số người sẽ có trải nghiệm đáng sợ vào buổi đêm, là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Chẳng hạn như sau khi ăn thịt nướng vào buổi tối, khi mọi người đang chìm vào giấc ngủ ngon thì đến gần sáng sớm, họ đột nhiên bị đánh thức bởi cơn đau nhói ngón chân cái. Nhiều khi, cơn đau kéo dài đến mức họ không thể ngủ trở lại. Nhiều người bắt đầu bị đau cả gót chân và mu bàn chân.
Nếu có trải nghiệm như vậy, rất có thể bạn đã mắc bệnh gout. Với sự cải thiện của nền kinh tế sống hiện đại thì bệnh gout đã trở thành một căn bệnh phổ biến.
Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh gout: 0,14% dân số năm 2003; 1,0% dân số (940.000 bệnh nhân) vào năm 2014. Trong đó, 96% là nam giới, 38% ở lứa tuổi 40, với 75% trong độ tuổi lao động. Có thể thấy, số ca mắc bệnh có sự gia tăng qua các năm.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp bệnh nhân gout bị biến chứng nặng, có vòng xoắn bệnh lý phức tạp, gặp bế tắc trong điều trị tại Việt Nam. Thậm chí, có những ca rất nặng mà hầu như ít gặp ở các nước phát triển.
Thậm chí, những thói quen sinh hoạt không tốt khiến axit uric cao, không được kiểm soát tốt còn có thể gây ra những bệnh lý sỏi thận, suy thận, xơ cứng động mạch… Vì axit uric thừa có thể lắng đọng tại da, mô mềm thành các hạt tophi, hoặc tạo thành sỏi urat ở thận – nguyên nhân gây sỏi thận, suy thận.
Với 3 triệu chứng này, hãy cảnh giác axit uric đã “vượt chuẩn”
Khi axit uric “vượt chuẩn”, nguy cơ đáng sợ hàng đầu phải đối mặt chính là bệnh gout. Đau là đặc điểm lớn nhất của bệnh gout. Cơn đau của bệnh gout thường xuất hiện đột ngột, dữ dội, đi kèm với việc sưng, đỏ ở khớp. Người nào đã trải qua căn bệnh này đều không muốn lặp lại lần thứ hai.
Hơn nữa, cơn gout khởi phát không có tính chất đều đặn và có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường, thời tiết, chế độ ăn uống… Nó sẽ “lang thang” ở các khớp một cách bất thình lình, khó lường trước được.
Cơn đau của căn bệnh đáng sợ này thường có 3 đặc điểm sau, cần hết sức lưu ý:
1. Đau về đêm
Thời điểm khởi phát của bệnh gout rất trái ngang, thường xảy ra đột ngột trong đêm, khi mọi người ngủ say thì đột ngột bị cơn đau như dao cắt đánh thức, sau đó không thể ngủ tiếp được.
Bệnh gout thường gắn liền với triệu chứng tăng acid uric máu. Thông thường, axit uric hòa tan trong máu và đi qua thận, sau đó được đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu. Nhưng đôi khi cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric hoặc thận bài tiết quá ít axit uric khiến cho chất này tích tụ lại bên trong cơ thể. Các tinh thể urat sẽ hình thành trong khớp hoặc mô xung quanh gây đau, viêm và sưng.
Giữa sự xuất hiện của bệnh gout và một số thói quen xấu hàng ngày có mối quan hệ rất lớn. Nếu bạn không thay đổi thì việc gout tìm đến bạn chỉ là vấn đề thời gian.
Bên cạnh đó, nếu hình thành sỏi uric, biểu hiện bằng cơn đau quặn thận, đau ở hông lưng lan xuống bẹn, cơ quan sinh dục, có thể tiểu máu thì nguy cơ suy thận là rất cao.
Cơn đau tại khớp là dấu hiệu của bệnh gout. Ảnh: Aboluowang
2. Đau khớp nghiêm trọng
Vị trí khớp thường gặp nhất của bệnh gout là khớp xương bàn chân đầu tiên của ngón cái bàn chân. Khi đã xảy ra cơn đau sẽ rất dữ dội, người bệnh khó có thể bỏ qua.
Cơn đau có thể từ từ di chuyển đến cổ chân, đầu gối, khớp ngón tay và các bộ phận khác, tần suất cơn ngày càng dày đặc.
3. Sưng khớp
Khi bị gout, người bệnh cũng sẽ có biểu hiện sưng, đỏ khớp rõ rệt, bất thường.
Tinh thể urat lắng đọng thành các u cục tophi ở các khớp gây nên tình trạng viêm, sưng đau đớn dữ dội, phá hủy các khớp xương gây tàn tật vĩnh viễn nếu không được điều trị. Biến chứng suy thận, sỏi thận làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Bỏ 4 thói quen để hạ axit uric, phòng bệnh gout, bệnh thận ngay!
1. Ăn nhiều thực phẩm hàm lượng purin cao
Axit uric là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa purin. Khoảng một phần ba axit uric trong cơ thể đến từ thức ăn.
Chế độ ăn hàng ngày chứa quá nhiều thực phẩm có hàm lượng purin cao sẽ khiến hàm lượng axit uric tăng cao, lâu dần sẽ gây ra bệnh gout. Thực phẩm purin cao phổ biến là cá cơm, sò điệp, cá thu, cá mòi… Bên cạnh đó, các loại thịt đỏ, thịt lợn, thịt gia cầm và một số loại hải sản khác có lượng purin trung bình.
2. Nghiện rượu
Khi uống rượu, cơ thể sẽ kích thích quá trình tổng hợp axit lactic và ức chế quá trình bài tiết axit uric ở ống thận. Rượu sẽ ảnh hưởng đến chức năng đào thải axit uric của thận, đồng thời làm tăng axit uric tích tụ trong cơ thể. Như vậy sẽ dẫn đến tăng nồng độ axit uric trong máu.
Bên cạnh đó, hầu hết các món ăn nhậu kèm với rượu đều là thực phẩm có nhiều purin, điều này càng làm tăng thêm các diễn biến xấu.
3. Lạm dụng aspirin
Việc lạm dụng aspirin thông thường, thuốc lợi tiểu và các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến quá trình đào thải axit uric và làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể.
Sinh hoạt điều độ, tránh lạm dụng aspirin hoặc đồ uống có cồn, tích tụ cảm xúc tiêu cực để giúp kiểm soát axit uric tốt hơn. Ảnh: Aboluowang
4. Tích tụ cảm xúc tiêu cực
Khi bạn có tâm trạng không tốt, các dây thần kinh giao cảm trong cơ thể sẽ luôn ở trong trạng thái hưng phấn và căng thẳng, kéo theo đó là quá trình sản xuất axit uric sẽ hoạt động mạnh hơn.
Ngoài ra, cảm xúc không tốt còn có thể dẫn đến rối loạn điều hòa thần kinh tự chủ. Hậu quả là gây co thắt bất thường mạch máu ở các cơ quan khác nhau trong cơ thể, trong đó có mạch máu thận. Quá trình đào thải axit uric sẽ bị ảnh hưởng phần nào.
*Theo Aboluowang