Lý do nghỉ việc tại công ty cũ là câu được hỏi nhiều nhất trong quá trình phỏng vấn. Do đó, dù không thích câu hỏi này, bạn vẫn cần biết những bí quyết để có thể vượt qua nó.
“Công việc không phù hợp với năng lực của tôi”
“Tôi thừa nhận rằng, vào thời điểm đó, tôi cảm thấy năng lực của mình chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Tôi gặp khó khăn trong quá trình làm việc và thường xuyên mắc phải những sai lầm” – Câu trả lời này có thể được xem là biểu hiện của sự khiêm tốn và sẵn lòng chịu trách nhiệm từ ứng viên. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn thẳng đến kết cục: Bạn bị loại.
Khi nghe đáp án như vậy, nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng, năng lực của bạn vẫn chưa được phát triển hoàn thiện, càng không thể thay đổi ngay trong thời gian ngắn. Khi bạn bắt đầu một công việc mới, có khả năng bạn sẽ tái lập những sai lầm tương tự. Trong khi đó, doanh nghiệp đang tìm kiếm nhân sự có khả năng giải quyết các vấn đề khó khăn mà họ đang đối mặt.
Vì vậy, thay vì chỉ “nói xấu” về bản thân với lý do “năng lực chưa tốt” dẫn đến phải nghỉ việc, điều quan trọng là bạn phải thể hiện sự cam kết và nỗ lực cải thiện năng lực của mình. Hãy chứng minh bằng hành động rằng bạn có thái độ tích cực, luôn tìm cách thay đổi, học hỏi và nỗ lực để nâng cao năng lực của mình, từ đó tạo ra nhiều giá trị hơn cho tổ chức.
Ảnh minh họa: Internet
“Công việc nhàm chán khiến tôi mất động lực”
Đây tưởng chừng là câu trả lời an toàn, thường được nhiều người sử dụng trong cuộc phỏng vấn xin việc. Nhưng trên thực tế, rất ít nhà tuyển dụng đánh giá cao đáp án này.
Thực tế, ở hầu hết các công ty, mọi công việc được giao chỉ xoay quanh một khuôn khổ cố định và lặp lại. Một số chi tiết có thể thay đổi, nhưng bản chất công việc phần lớn đều duy trì như vậy. Khi làm việc lâu ngày, đương nhiên sự nhàm chán có thể xuất hiện.
Ít người hiểu rằng, họ hoàn toàn có thể chủ động nghiên cứu và áp dụng các kỹ năng mới cho từng nhiệm vụ, từ đó khiến công việc của mình trở nên phong phú và hấp dẫn hơn hàng ngày.
Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng sẽ lo ngại về tương lai mà họ đã mất công hướng dẫn bạn làm quen công việc, nhưng bạn lại thấy nhàm chán và tiếp tục xin nghỉ.
Ảnh minh họa: Internet
“Mức lương quá thấp so với năng lực của tôi”
Khi chia sẻ về quyết định nghỉ việc ở công ty cũ, những người có tầm nhìn rộng lớn thường chú trọng vào các yếu tố tầm nhìn, mang tính chiến lược thay vì tập trung chỉ vào vấn đề lương. Tại nơi làm việc, mặc dù tiền lương thường được coi là một yếu tố quan trọng, nhưng cũng có những khía cạnh khác mà người lao động và doanh nghiệp đều cần xem xét. Sự cân nhắc về mức lương không chỉ dựa vào yếu tố thị trường mà còn phản ánh năng lực và hiệu suất của từng cá nhân.
Việc chê bai mức lương ở công ty cũ có thể khiến HR đánh giá bạn tự cao, hoặc “đứng núi này trông núi kia”, sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại nếu có cơ hội với mức lương cao hơn. Do đó, người khôn ngoan sẽ nhắc đến lương thưởng một cách tinh tế, đảm bảo quyền lợi của bản thân, sau đó hướng câu chuyện tập trung vào những yếu tố khác như cơ hội phát triển, môi trường làm việc, hay sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Điều này cũng giúp người ta có ấn tượng tốt hơn về bạn chứ không chỉ dừng lại ở hình ảnh một người “chỉ biết đến tiền bạc”.
“Lương của đồng nghiệp cao hơn tôi”
Hiện nay, việc phân phối mức lương không còn chỉ dựa vào thâm niên mà còn tập trung vào năng lực và hiệu suất làm việc của từng cá nhân. Nguyên tắc này thể hiện rằng, ai làm việc hiệu quả và đóng góp nhiều hơn sẽ được đánh giá ở mức lương thưởng xứng đáng. Nếu cảm thấy bất công trong việc này, điều đó có thể chỉ ra rằng, năng lực của bạn chưa được công nhận và phát triển đúng mức.
Ngoài ra, nhiều công ty thường yêu cầu giữ bí mật thông tin về tiền lương của mỗi nhân viên. Nếu quyết định rời bỏ vì lý do này, có thể tạo ra ấn tượng là bạn quan tâm quá mức đến sự riêng tư của người khác và không tôn trọng quyền lợi cá nhân. Điều này có thể vô tình làm mất đi lợi thế cạnh tranh của bạn trong tương lai.
Ảnh minh họa: Internet
“Vì tôi thấy đồng nghiệp khác nghỉ việc”
Thông thường, một trong những lý do phổ biến khiến nhân viên quyết định rời bỏ công ty là vì mối quan hệ với đồng nghiệp. Trong trường hợp đồng nghiệp lạnh lùng, không thân thiết, họ muốn nghỉ việc. Trong trường hợp đồng nghiệp thân thiết, gắn bó vừa nghỉ việc, họ cũng muốn nghỉ theo. Điều này thường phổ biến hơn đối với phụ nữ, vì họ xây dựng mối quan hệ gắn bó với một hoặc một nhóm nhân viên trong tổ chức. Khi một trong số họ rời bỏ, cảm giác buồn bã có thể lây lan, làm cho nhân viên khác cũng chán nản với công việc và công ty hiện tại.
Nếu bạn tiết lộ sự thật này trong cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn không có khả năng kiểm soát bản thân và đang bị chi phối bởi cảm xúc cá nhân. Ngay cả khi bạn có năng lực xuất sắc, khả năng giao tiếp và làm việc nhóm của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng trong tương lai. Các mâu thuẫn với đồng nghiệp cũng có thể gây ra nhiều rắc rối cho bộ phận nhân sự.
*Nguồn: Aboluowang