Giá bạc vẫn chỉ bằng ½ so với mức kỷ lục 48 USD/ounce vào tháng 4/2011 trong khi vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục mọi thời đại. Bởi vậy nhiều nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào đây với tin tưởng rằng kim loại này sẽ còn tăng giá.
Giá bạc cao nhất 7 năm
Trong những phiên giao dịch gần đây, giá bạc đã có lúc lên mức cao nhất kể từ năm 2013 đến nay. Vậy tại sao các nhà đầu tư lại hứng thú với thứ kim loại này?
Trong khi vàng là loại tài sản trú ẩn được các nhà đầu tư hướng đến nhất là trong thời kỳ bất ổn như đại dịch Covid-19. Yếu tố này khiến giá vàng liên tục phá các đỉnh trong thời gian gần đây. Thế nhưng nói về tốc độ tăng giá thì bạc mới là kim loại đứng đầu trong những phiên giao dịch vừa qua.
“Có vẻ như bạc mới là kim loại về đích trước so với vàng”, Chuyên gia Mobeeen Tahir của Wisdom Tree nhận định.
Trong tuần trước, số liệu của hãng tin Reuters cho thấy giá bạc giao ngay đạt 29 USD/ounce, đây là mức giá cao nhất 7 năm qua và tăng tới 39% kể từ giữa tháng 7 khi giá kim loại này vốn đã tăng mạnh. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức tăng 8% của vàng trong cùng kỳ.
Theo Giám đốc Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank, về cơ bản những kim loại quý như vàng bạc bị tác động bởi 3 yếu tố. Thứ nhất là việc các ngân hàng trung ương trên thế giới bơm tiền vào nền kinh tế để chống khủng hoảng thời Covid-19 đã gia tăng rủi ro cho hệ thống tài chính. Các nhà đầu tư đều lo lắng nợ công tăng cao sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và đua nhau đổ tiền mua kim loại quý như vàng bạc để trú ẩn.
Tiếp theo, chính phủ các nước buộc phải hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng nhưng chúng cũng khiến nhiều kênh đầu tư mất đi sự hấp dẫn hơn so với vàng bạc. Cuối cùng, việc đồng USD giảm giá cũng khiến giá các hàng hóa giao dịch trên thị trường quốc tế như vàng bạc tăng lên để điều chỉnh lại giá trị thực.
Tăng giá mạnh, giảm giá sâu
Theo chuyên gia Hansen, bạc có tính thanh khoản thấp hơn vàng nên dễ phản ứng mạnh với thị trường hơn. Ví dụ trong tháng 3/2020 khi các nhà đầu tư bán tháo tài sản để tích trữ tiền mặt, giá bạc đã giảm tới hơn 30% xuống chỉ còn 12 USD/ounce. Thế nhưng cùng kỳ, giá vàng lại chỉ giảm 11% xuống còn 1.470 USD/ounce.
Ngoài ra, tổng giá trị lượng cung vàng hàng năm cao gấp 5 lần so với bạc. Trong khi đó bạc thường được cho là sản phẩm phụ (Byproduct) khi khai thác những kim loại khác như đồng. Bởi vậy một đợt tăng giá bạc thường không thể kéo theo gia tăng nguồn cung và khiến giá bạc tiếp tục tăng/giảm sâu.
Giá vàng và giá bạc đóng cửa các phiên giao dịch (USD/ounce)
Trong khi đó, vàng có hoạt động khai thác riêng và việc giá vàng tăng hay giảm tác động đến nguồn cung, qua đó tạo áp lực ngược lại lên giá vàng để không bị điều chỉnh quá sâu.
Thêm vào đó, giá bạc vẫn chỉ bằng ½ so với mức kỷ lục 48 USD/ounce vào tháng 4/2011 trong khi vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục mọi thời đại. Bởi vậy nhiều nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào đây với tin tưởng rằng kim loại này sẽ còn tăng giá.
Hơn nữa, Giám đốc nghiên cứu Guy Foster của Brewin Dolphin cho biết triển vọng kinh tế ngày càng sáng sủa nghĩa là nhu cầu công nghiệp với bạc đi lên, qua đó làm tăng giá kim loại này.
Đồng quan điểm, Chuyên gia Tahir cho biết hơn 50% nhu cầu sử dụng bạc đến từ những ngành công nghiệp như điện tử, thiết bị y tế, năng lượng mặt trời… Bởi vậy Chuyên gia Tahir cho rằng đầu tư vào bạc hiện nay không chỉ mang tính đầu cơ mà còn là bước đi chiến lược cho tương lai dài hạn.