Cách ứng xử khôn ngoan với cấp trên thể hiện cả khi bạn nhận được sự giúp đỡ từ họ. Thay vì chỉ nói “cảm ơn”, những người có trí tuệ cảm xúc cao thường có 3 cách này.
Ở nơi làm việc, chuyện tiệc tùng là điều thường xuyên diễn ra. Trong những cuộc gặp gỡ này, bạn có thể gắn chặt mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên và có cơ hội thăng tiến. Chính vì vậy, nhiều người rất cẩn thận trước khi gặp gỡ cấp trên trong các cuộc hẹn ăn uống. Qua cách cư xử, cấp trên cũng có thể đánh giá bạn là con người ra sao, liệu có trí tuệ cảm xúc cao hay không.
Nhiều người khi đối mặt với lãnh đạo thường thể hiện rõ sự lo sợ và từ đó thể hiện không tốt trước mặt cấp trên. Họ dễ tự ti, không dám khẳng định cá tính cũng như bản chất của mình và không được cấp trên đánh giá cao. Bên cạnh đó, cũng có người thể hiện được cách nói chuyện thông minh của mình và được sếp trọng dụng.
Chúng ta nên coi những cuộc gặp gỡ đồng nghiệp và cấp trên là chuyện thường thấy và nên rèn sự tự tin để thể hiện mình. Khi giao tiếp với lãnh đạo, hãy thể hiện sự tự tin và đàng hoàng của bản thân, chớ nên run sợ trước bất kỳ ai.
Trong bữa tiệc, khi sếp giúp đỡ, nhiều người thường có xu hướng chỉ nói ra câu cảm ơn rồi thôi. Điều này không sai nhưng lại là cách cư xử chưa thực sự hoàn hảo. Lời nói cảm ơn là thứ tối thiểu bạn phải nói ra khi nhận sự hỗ trợ từ sếp, thế nhưng nếu thêm vào 3 cách hành xử này, bạn sẽ được yêu mến nhiều hơn.
1. Đứng dậy và cầm bằng 2 tay
Ví dụ như trong 1 bữa tiệc, sếp chuyển cho bạn 1 chiếc bát, 1 đôi đũa, 1 cái cốc… đừng chỉ nói câu “em cảm ơn” mà nên thể hiện bằng hành động. Dĩ nhiên, chúng ta không sai khi nói câu cảm ơn vì điều này thể hiện phép lịch sự tối thiểu nhưng lại chưa đủ.
Khi sếp đưa đồ cho bạn, hãy nhanh chóng đứng dậy và cầm bằng 2 tay thay vì để sếp “tự xử”. Khi chứng kiến cách hành xử của bạn, chắc chắn cấp trên sẽ nhận ra bạn có ý thức cao khi được người khác giúp đỡ.
Phản ứng linh hoạt, nhanh nhẹn mọi lúc mọi nơi nhất là khi có lãnh đạo sẽ giúp bạn được đánh giá cao hơn. Bằng cách này, bạn không chỉ thể hiện phép lịch sự mà còn khẳng định sự tôn trọng đối với người lãnh đạo. Khi người lãnh đạo nhìn thấy hành vi của bạn, họ sẽ nghĩ rằng bạn là một người lịch sự và có EQ cao.
2. Hỗ trợ người khác
Khi người khác, kể cả sếp cùng nhau sắp xếp đồ ăn, bạn cũng cần tham gia. Đây là điều cơ bản để bạn chứng minh ý thức tự giác cũng như sự tinh tế của mình.
Cư xử của bạn trong bữa tiệc là một trong những yếu tố quan trọng giúp cấp trên đánh giá bạn là người thế nào. Vì vậy, nhất cử nhất động bạn đều cần quan tâm và chú trọng. Một người EQ cao sẽ khẳng định tư duy rộng mở, biết nghĩ cho người xung quanh và nhất là cấp trên.
3. Chờ lãnh đạo ngồi xuống trước
Không cần phải lấy lòng, cách cư xử thông minh cũng sẽ giúp bạn được đồng nghiệp và cấp trên yêu mến. Trong bữa tiệc, bạn nên để ý xem cấp trên đã ngồi vào chỗ để dùng bữa hay chưa. Thời điểm tốt nhất để bạn ổn định chỗ ngồi là khi lãnh đạo đã ngồi xuống và chuẩn bị dùng bữa.
Nhìn chung, bạn cần hành động lịch sự và chu đáo trong suốt buổi tiệc để không gây ấn tượng xấu với sếp cũng như các đồng nghiệp. Người EQ cao không chỉ thể hiện bản chất của mình qua lời nói mà ngay cả hành động cũng vô tình tinh tế, đáng ngợi khen.
Khi sếp có mặt trong bữa tiệc và giúp đỡ bạn, hãy thể hiện sự tôn trọng họ đồng thời khẳng định thái độ hòa nhã, tinh tế với người xung quanh.
Theo Sohu