Khó khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà

Cần xây dựng cơ chế để người dân, doanh nghiệp có thể bán điện mặt trời mái nhà cho EVN hoặc bên thứ 3 bằng các chính sách giá phù hợp, trên cơ sở thỏa thuận.

TIN MỚI

Bộ Công Thương vừa gửi hồ sơ dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu sang Bộ Tư pháp thẩm định trước khi hoàn thiện, trình Chính phủ.

Không mua bán dưới mọi hình thức

Tại dự thảo lấy ý kiến trước đó, Bộ Công Thương đề xuất ĐMTMN lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Có nghĩa người dân có thể bán phần dư thừa nhưng nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền. Thời điểm đưa ra lấy ý kiến, nhiều chuyên gia cho rằng ĐMTMN dư thừa được mua với giá 0 đồng sẽ không khuyến khích đầu tư phát triển loại năng lượng sạch này, hơn nữa sẽ gây lãng phí cho xã hội.

Ở dự thảo mới lần này, cụm từ “ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán” đã được bỏ. Thay vào đó, tại điều 4 dự thảo quy định: “Phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu để tự sử dụng và không mua bán dưới mọi hình thức”. Như vậy, so với dự thảo trước đó, về bản chất, ĐMTMN dư thừa cũng không được bán, chỉ được nối lên lưới nếu có nhu cầu. Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương còn đề xuất quy định rõ “không mua bán dưới mọi hình thức”, có nghĩa là không bán điện vào hệ thống, không bán điện cho cá nhân khác.

Theo Bộ Công Thương, các tổ chức, cá nhân lắp đặt ĐMTMN cần tính toán nhu cầu sử dụng điện, công suất đỉnh của phụ tải, qua đó thiết kế, lắp đặt ĐMTMN có công suất phù hợp, hạn chế tối đa nguồn điện dư thừa phát vào hệ thống điện quốc gia. Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Bộ Công Thương cũng nêu rõ Chính phủ tôn trọng tổ chức, cá nhân trong việc lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của ĐMTMN vào hệ thống điện.

Nhiều ý kiến cho rằng khó khuyến khích đầu tư nếu điện mặt trời mái nhà dư thừa không được bán Ảnh: EVN

Nhiều ý kiến cho rằng khó khuyến khích đầu tư nếu điện mặt trời mái nhà dư thừa không được bán Ảnh: EVN

Bộ Công Thương cũng khẳng định nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, người dân lắp đặt ĐMTMN để tự sử dụng, cung cấp cho nhu cầu tại chỗ, giảm áp lực cho ngành điện. Tuy nhiên, Quy hoạch điện VIII đã xác định cơ cấu nguồn ĐMTMN tự sản, tự tiêu được tăng thêm đến năm 2030 là khoảng 2.600 MW. Do đó, khi tổng công suất nguồn vượt mốc 2.600 MW thì phần công suất vượt sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện, có thể ảnh hưởng đến an ninh, vận hành an toàn của hệ thống điện.

Nhấn mạnh ĐMTMN không được bán sẽ không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại một tọa đàm mới đây về dự thảo nghị định này, bà Nguyễn Phương Mai, chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo Việt Nam, cho rằng nghị định này cần xây dựng cơ chế để ĐMTMN mua bán điện trực tiếp giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ. Nhiều nước trên thế giới đều đã có chính sách mua bán sản lượng điện dư từ ĐMTMN. Trong đó, bà dẫn chứng tại Đức, hệ thống ĐMTMN lần đầu xuất hiện vào những năm 2000, chính phủ nước này đã khuyến khích triển khai bằng cách cho phép bán lượng điện dư thừa với giá cố định, hòa vào lưới điện quốc gia.

Không nên bỏ cơ chế mua – bán

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhấn mạnh cần bảo đảm tính thị trường khi khuyến khích phát triển ĐMTMN như mục tiêu Bộ Công Thương đề ra khi xây dựng dự thảo nghị định. “Không có động lực nào cho người dân, doanh nghiệp bằng cơ chế thị trường. Khi họ đầu tư và được hưởng lợi từ sự đầu tư đó thì mới khuyến khích phát triển ĐMTMN được” – ông Việt phân tích. Theo chuyên gia này, cần xây dựng cơ chế để người dân, doanh nghiệp có thể bán ĐMTMN dư thừa cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc bên thứ 3 bằng các chính sách giá phù hợp, trên cơ sở thỏa thuận.

Trong lúc đang khuyến khích đầu tư công nghệ lưu trữ điện mặt trời, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng hệ thống lưu trữ với mức đầu tư tốn kém, nếu người dân, doanh nghiệp không được bán điện dư thừa thì rất khó để có đủ nguồn lực cũng như động lực để đầu tư phát triển ĐMTMN. “Không nên xóa bỏ cơ chế mua – bán ĐMTMN, dù các dự án rất nhỏ. Hiện nay, chi phí đầu tư ĐMTMN đã giảm so với giai đoạn trước, song vẫn cần được bán điện dư thừa thì mới thật sự khuyến khích đầu tư” – TS Nguyễn Quốc Việt nói.

Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả – Bộ Tài chính, cho rằng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, các nguồn điện lớn chưa được bổ sung, cần tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMTMN. Tuy nhiên, đặc điểm của nguồn điện mặt trời là không ổn định. “Rõ ràng mục tiêu của nghị định là khuyến khích người dân đầu tư ĐMTMN để dùng tại chỗ, phục vụ cho nhu cầu của hộ gia đình, doanh nghiệp với sản lượng vừa đủ, tránh lãng phí” – ông Ngô Trí Long nêu quan điểm. Ông cũng nhấn mạnh vấn đề tự sản, tự tiêu và cho rằng cơ quản quản lý nhà nước đang mong muốn người dân phát triển ĐMTMN để phục vụ tại chỗ, hạn chế nối lưới, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Bởi với hệ thống truyền tải hiện nay, nếu để phát triển ĐMTMN nối lưới một cách ồ ạt sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh.

Trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ Công Thương cũng nêu đối với hệ thống lưu trữ và truyền tải để đáp ứng nhu cầu mua điện, nhà nước bỏ ra rất nhiều chi phí để đầu tư, truyền tải, vận hành, bảo dưỡng. Phần sản lượng điện dư phát vào lưới điện quốc gia cần đánh giá an toàn vận hành hệ thống. Muốn lưu trữ điện ban ngày và dùng vào ban đêm thì tổ chức hoặc cá nhân cũng phải tốn hàng chục triệu đồng để mua hệ thống lưu trữ. “Hơn nữa, việc an toàn lưới điện cần bảo đảm, khi cả tỉnh, cả nước cùng phát triển và đẩy lên hệ thống điện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn hệ thống điện” – Bộ Công Thương nhấn mạnh. 

Bộ Công Thương có nhiều lo ngại

Trước đó, Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương cũng lý giải việc phát triển loại hình ĐMTMN tự sản, tự tiêu cần phù hợp Quy hoạch điện VIII. Theo đó, năng lượng mặt trời mái nhà của người dân, tại công trình xây dựng, cơ sở sản xuất – kinh doanh được khuyến khích để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán vào lưới điện quốc gia. Nếu ồ ạt phát triển ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân bằng hệ thống, gây ra những phí tổn không cần thiết.

Cục Điều tiết điện lực cũng giải thích từ góc độ những nhà đầu tư, đều nhìn thấy những ưu điểm của ĐMTMN, trực tiếp nhất là chỉ đầu tư một lần mà sẽ giảm được chi phí mua điện hằng tháng từ công ty điện lực. Tuy nhiên, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Thiếu công bằng

Là chuyên gia kinh tế đã nhiều lần góp ý về dự thảo nghị định nêu trên, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết so với dự thảo trước đó, Bộ Công Thương đã bỏ nội dung mua ĐMTMN dư thừa giá 0 đồng nhưng lại quy định cứng “không mua bán dưới mọi hình thức”. Trước đó, đã có cơ chế mua điện mặt trời, gồm cả ĐMTMN, thậm chí có cả mức giá ưu đãi để khuyến khích phát triển. Đến nay, sau một thời gian phát triển nóng nảy sinh các bất cập, việc điều chỉnh chính sách là phù hợp nhưng không cho phép mua bán ĐMTMN là thiếu công bằng. “Vì các yếu tố trục lợi, vì một số vấn đề nảy sinh mà không cho phép bán điện dư thừa là chưa hợp lý” – ông Việt nhìn nhận.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin