Mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm nay vẫn khả thi, theo dự báo của khối nghiên cứu đến từ 29 ngân hàng và công ty chứng khoán vừa công bố.
Kết quả dự báo kỳ tháng 7 của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cho thấy, 100% thành viên đều tin rằng lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát ở mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra.
VIRA tập hợp khối nghiên cứu của 29 ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán, định kỳ hàng tháng xây dựng dự báo về 4 chỉ tiêu chính: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm trước; lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng; tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng; lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm.
Ở kỳ dự báo này, các thành viên cùng hướng về điểm đến của cả năm 2022, sau khi đã đi được nửa chặng đường.
Các chỉ tiêu dự báo cả năm 2022, kỳ dự báo tháng 7
Lạm phát – vấn đề nóng trên thế giới và với Việt Nam hiện nay – dự báo sẽ vẫn trong tầm kiểm soát, theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ đầu năm. Hầu hết các thành viên của VIRA đều dự tính lạm phát bình quân năm nay sẽ dưới mốc 4%, thậm chí một số dự báo chỉ quanh 3%; bình quân dự báo chỉ 3,51%.
Về mối quan tâm này, một số chuyên gia vừa qua cũng nhận định áp lực lạm phát nửa cuối 2022 lớn, không chủ quan nhưng không quá lo ngại. Bởi lẽ, giá hàng hóa và nguyên, vật liệu đầu vào trên thế giới được nhìn nhận đã ở “vùng đỉnh” thời gian qua, đã phản ánh và được hấp thụ, khó tăng cao hơn nữa nửa cuối năm và thậm chí có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thứ nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm – nhóm hàng chiếm trọng số lớn trong rổ tính CPI. Cùng đó, với giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường, cũng như dự kiến cả thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu, một áp lực lớn liên quan dự kiến sẽ được giảm thiểu.
Nếu dự báo trên của VIRA hiện thực, Việt Nam sẽ hướng đến năm thứ 8 liên tiếp kiểm soát được lạm phát trong mục tiêu.
Các chỉ tiêu dự báo riêng tháng 7/2022
Tuy nhiên, thị trường trong và ngoài nước, cùng những bất ổn địa chính trị trên thế giới tác động lên giá cả hàng hóa vẫn tiềm ẩn biến động khó lường. Cùng đó, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đang thể hiện và mở rộng trên thế giới có ảnh hưởng đối với Việt Nam.
Điển hình như hai tháng qua, các quyết định tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chuyển tiếp tức thời tới thị trường trong nước. Lãi suất USD tăng ngay và mạnh trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND liên tiếp tăng mạnh.
Tỷ giá USD/VND tăng hơn 2,5% chỉ trong thời gian ngắn, tác động trực tiếp đến giá hàng nhập khẩu, gây áp lực đến lạm phát… Cũng trong thời gian này Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tiếp có hoạt động bình ổn qua bán ngoại tệ, hút bớt tiền về.
Trong dự báo cho tháng 7 này, các thành viên VIRA cũng đồng loạt nâng điểm đến mới của giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng. Bình quân dự báo lên 23.345 VND, tăng mạnh so với bình quân thực tế 23.221 VND trong tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, ở dự báo bình quân năm nay, các thành viên VIRA cùng hướng đến ở kết quả bình ổn tỷ giá USD/VND, khi hầu hết các dự báo chỉ xoay quanh mốc 23.200 VND; bình quân dự báo ở 23.230 VND.
Nhưng với lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, sự ổn định khó duy trì được theo dự báo của tổ chức này, mà một mặt bằng mới cao hơn sẽ được thiết lập.
Riêng dự báo trong tháng 7, lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng dự báo sẽ tăng mạnh so với tháng liền trước; bình quân dự báo ở 1,58%/năm so với thực tế bình quân tháng 6 là 1,17%/năm.
Với cả năm 2022, các thành viên của VIRA dự báo lãi suất VND liên ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lên khá mạnh; bình quân dự báo ở kỳ hạn 1 tuần cho năm nay lên tới 1,98%, trong khi nhiều thành viên dự tính sẽ trên 2%/năm.
Một điểm liên quan, Fed đã và vẫn đang hướng tới lộ trình tăng lãi suất để kìm lạm phát. Lãi suất USD liên ngân hàng trong nước tăng lên khiến chênh lệch lớn so với lãi suất VND trên cùng thị trường ở các kỳ hạn ngắn. Điều này gây thêm áp lực đối với tỷ giá.
Giảm thiểu chênh lệch lãi suất nói trên, cũng như thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang liên tục hút bớt tiền về với quy mô khá lớn qua kênh phát hành tín phiếu. Lượng hút ròng hiện đã lên tới trên 150.000 tỷ đồng. Cùng đó, lượng tiền hút về qua bán ngoại tệ bình ổn tỷ giá cũng là một dòng chảy đáng chú ý.