TTO – Đó là máy tiện gỗ, máy chạm gỗ, máy in 3D, máy cắt, khắc laser tự động hóa của đôi vợ chồng trẻ mê chế tạo ở Bến Tre.
My và Hiếu kiểm tra sản phẩm từ máy tiện tự động – Ảnh: LƯ THẾ NHÃĐôi vợ chồng trẻ cùng 29 tuổi là Lê Thị Huế My – nguyên phó giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, và Lê Trọng Hiếu – kỹ sư cơ điện tử với nhiệm vụ bảo trì máy chế biến cơm dừa nạo sấy của công ty. Ý tưởng khởi nghiệp đến với Hiếu khi khái niệm công nghiệp 4.0 trở nên phổ biến, Hiếu bàn với My ra ngoài làm vì máy móc tự động ở Bến Tre đang rất cần.
Máy tiện cơ khí được nâng cấp tự động hóa, rất thuận lợi, đạt hiệu quả cao, sản phẩm như ý, số lượng nhiều hơn. Công suất tăng 4-5 lần so với máy thủ công
Ông Lê Văn Xính (chủ cơ sở thủ công mỹ nghệ ở Giồng Trôm, Bến Tre)
Cùng sáng tạo
My nghỉ việc, cùng chồng mở xưởng chế tạo, cung cấp thiết bị tự động hóa và thành lập Công ty TNHH MTV tự động hóa Tùng Phát đặt tại huyện Châu Thành, Bến Tre. Lập xưởng, Hiếu mày mò chế tạo được máy chạm CNC (Computer Numerical Control – điều khiển số sử dụng máy vi tính).
My cho biết, trong quá trình chế tạo máy, HIếu thường truy cập mạng tìm hiểu, nhiều chỗ không biết phải làm như thế nào, không có thầy để hỏi. Mấy ngày liên tiếp, anh như người mất hồn, không buồn ăn uống. Bỗng dưng một ngày kia nghe anh la lớn, vẻ mặt mừng rơn là biết anh đã tìm ra giải đáp rồi!
Máy đầu tiên này hoạt động, sản phẩm không được chỉn chu lắm nhưng là thành quả lớn với Hiếu.
Mỗi chiếc máy được Hiếu không ngừng cải tiến để tốt hơn, lập trình sao cho tối ưu nhất. Hiếu chế tạo máy ngày đêm không biết mệt, cứ mỗi cái máy giao cho người sản xuất ổn thì thích lắm, cứ như được trúng số.
Tạo điều kiện cho người khởi nghiệp
Với máy tiện tự động, khi khách hàng đặt mẫu mã, chủ chỉ cần chọn bản vẽ đã thiết kế trên máy vi tính là máy sản xuất hàng loạt sản phẩm giống nhau. Máy tự động có công suất gấp bốn lần máy bán tự động. Một người có thể điều khiển cùng lúc 2-3 máy và sản xuất bất kể ngày, đêm.
Tuy nhiên, cái khó trong vận hành máy tự động CNC còn ở trình độ vi tính người sử dụng. Có trường hợp lỗi về hệ điều hành của máy vi tính mà không vận hành được. Những trục trặc này công ty cử kỹ thuật viên đến khắc phục.
Sắp tới, công ty sẽ cải tiến từ sử dụng máy vi tính sang sử dụng bộ điều khiển chuyên dụng DSP vào thân máy, giá thành có cao hơn một ít nhưng dễ sử dụng hơn.
Nhận xét về các dòng máy CNC của Công ty Tùng Phát, ông Phan Tấn Sơn, nguyên giảng viên Trường cao đẳng nghề Đồng Khởi (Bến Tre), cho biết: “Lê Trọng Hiếu là kỹ sư cơ điện tử có kiến thức tốt về chế tạo máy tự động. Máy tự động sử dụng thiết bị trên thị trường nên tính năng cũng như độ bền không kém máy ngoại nhập cùng loại”.
Hiện nay nhu cầu nâng cấp máy tiện gỗ cho nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa ở tỉnh còn rất lớn. Ngoài khách hàng ở Bến Tre, công ty còn nhiều khách hàng ở Tiền Giang và Đồng Tháp. Trung bình mỗi tháng có 4-5 máy được khách đặt. Với máy tiện tự động hoặc nâng cấp từ máy cơ khí vận hành thủ công, giá thành tùy theo yêu cầu của khách về kích thước máy.
Khách hàng chuộng máy của Công ty Tùng Phát vì giá thành rẻ hơn nhiều so với máy cùng loại trên thị trường, phù hợp với cơ sở ít vốn đầu tư, người mới khởi nghiệp. Giá phải chăng, lợi nhuận thấp, My chia sẻ các bạn mong muốn tạo điều kiện cho những người ít vốn, mới khởi nghiệp đầu tư sản xuất bằng máy tự động.
Đặt chế tạo máy cho ngành nghề thị trường chưa có
Biết công ty có thể chế tạo máy sản xuất tự động, nhiều người đến đặt chế tạo máy cho ngành nghề của họ mà thị trường chưa có như: máy cắt chuối dán lên bánh tráng, máy ghép cây, máy vô đất bầu cây giống, máy cắt trái tắc làm mứt, dây chuyền sản xuất mứt vỏ bưởi, cam, chanh…
My và Hiếu cho biết sắp tới công ty sẽ phát triển ba nhóm sản phẩm chính và một nhóm sản phẩm phụ trợ gồm nâng cấp tự động hóa cho dây chuyền máy móc cơ khí hiện có của khách hàng; chế tạo máy tự động hóa sản xuất chế biến gỗ, nông sản thực phẩm và chế tạo máy sản xuất chế biến nông sản thực phẩm “khởi nghiệp sáng tạo” với sản lượng ít và chưa có máy trên thị trường.
Đồng thời, họ nhận sản xuất gia công sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ dừa, gỗ thông bằng các loại máy tự động hóa hiện có: máy tiện CNC, máy chạm CNC, máy cắt/khắc laser.