32 dự án vào chung khảo được chọn từ 461 dự án tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2024 (Trung ương Đoàn) không chỉ cho thấy khát vọng làm giàu, mà còn là ước mơ cống hiến cho cộng đồng.
Mô hình du lịch làng quê, chiếc lò đốt vàng mã và nhiều ý tưởng, dự án xuất phát từ thực tế quanh mình được các bạn trẻ nông thôn cùng thi tài tại cuộc thi.
Cậu học trò làm lò đốt vàng mã
Nguyễn Văn Ngọc Đức – cậu học trò lớp 12 ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) – thí sinh trẻ tuổi nhất vào chung khảo. Đem đến cuộc thi sản phẩm chiếc lò đốt vàng mã có khả năng lọc khói, lọc bụi mịn, dự án này đã kết hợp với Câu lạc bộ khởi nghiệp Thị Đoàn Quảng Yên bán hàng trăm sản phẩm trước đó.
Xuất phát từ việc Đức giúp bố mẹ đốt vàng mã vào ngày rằm, mồng một hằng tháng và thấy tàn tro bị gió cuốn tứ tung. Mà hàng xóm nhà nào cũng đem ra trước cửa, có khi đốt với số lượng lớn phải đốt nhiều lần trong vài ngày mới hết.
Hồi lớp 9, Đức từng vẽ ra giấy rồi đến xưởng cơ khí gần nhà nhờ làm lò đốt vàng mã nhưng chiếc đầu tiên hoàn thành mà “chưa tính toán được nên bị thiếu gió, khói trào ngược ra”. Phải đến chiếc lò thứ hai cải tiến cửa rộng hơn nhưng vẫn thiếu bộ phận lọc khói, lọc bụi. Mày mò trên mạng mất nửa năm sau mới ra đời chiếc lò có khả năng lọc khói, lọc bụi bằng nước vôi trong và than hoạt tính.
Đức muốn bán sản phẩm khởi nghiệp đầu tay và nhận được sự hỗ trợ nên cùng các anh chị ở Câu lạc bộ khởi nghiệp Thị Đoàn Quảng Yên chế tạo. Mỗi chiếc giá hơn 1 triệu đồng, cả trăm chiếc đã đến tay các gia đình.
“Mình không mong mọi người đốt vàng mã nhiều vì lãng phí, còn nếu không bỏ được cần hạn chế ô nhiễm. Mình kỳ vọng có thể gọi vốn, học thêm về kinh doanh và có thể sản xuất đại trà”, Đức chia sẻ.
Mơ ước thay đổi vùng quê nghèo
Phu Chuy Thó – anh bạn dân tộc Hà Nhì ở bản Mò Phú Chải, xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) – dự thi với mô hình du lịch cộng đồng gắn với nhà trình tường (nhà tường đất) ở quê mình.
Làm du lịch cộng đồng không xa lạ song Thó mang đến cuộc thi những cái riêng chỉ ở bản Mò Phú Chải mới có như cảnh quan hoang sơ, khí hậu mát mẻ, nhất là bản sắc văn hóa truyền thống riêng người Hà Nhì mới có, chưa bị lai căng.
Mong muốn của anh bạn ấy cũng rất giản dị rằng nhiều người sẽ biết đến quê hương của mình, được kết nối với những người làm du lịch để học thêm thực tế.
Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh chia sẻ với Thó: “Khách du lịch đến với mô hình của bạn không cần những thứ cao sang mà họ bỏ tiền ra để mua sự trải nghiệm cùng gia đình bạn. Tôi rất mê cái bếp lửa sưởi của người Hà Nhì nên bạn đừng đưa bếp sưởi châu Âu vào. Đấy mới là những thứ không đâu có được”.
Thó nói “cảm ơn thầy” và chia sẻ thấm thía từng lời nhận xét của giám khảo. Anh bảo đã nhận ra và thôi thúc anh tiếp tục dự án khi trở về là yếu tố cộng đồng.
Y Tý có nhiều cơ sở lưu trú, homestay và cả resort nhưng phần lớn do người nơi khác đến đầu tư chứ bà con ở đây vẫn nghèo.
“Mình sẽ cùng dân bản sửa sang nhà cửa đúng với truyền thống, giữ lại nếp xưa để làm du lịch, cả bản sẽ giàu lên từ du lịch”, Thó cười.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân – trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn – cho hay các dự án vào chung kết năm nay đa dạng lĩnh vực, từ nông nghiệp thông minh, sản xuất sạch đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhiều ý tưởng đột phá và có tiềm năng ứng dụng thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp.
“Chúng tôi mong cuộc thi ươm mầm những ý tưởng độc đáo, khuyến khích thanh niên mạnh dạn đổi mới và áp dụng công nghệ để phát triển kinh tế nông thôn. Các dự án năm nay thể hiện rõ sự sáng tạo, bám sát xu hướng bền vững và đóng góp thiết thực cho cộng đồng”, chị Vân nói.
1 tỉ đồng hỗ trợ triển khai dự án đoạt giải cao
Phát động từ tháng 3, cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2024 đã nhận được 461 hồ sơ, trong đó có 84 dự án của các bạn thanh niên 20 dân tộc thiểu số tham gia. Từ 120 dự án thi trực tuyến vòng bán kết, 32 dự án xuất sắc nhất đã được chọn vào chung kết.
Kết quả có một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và ba giải khuyến khích cho các dự án nổi bật nhất. Các dự án đoạt giải cao sẽ được hỗ trợ vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để triển khai với mức tối đa 1 tỉ đồng/dự án.
Chủ nhân giải thưởng Lương Định Của
Anh Nguyễn Văn Luân (quê Thái Bình) từng là chủ nhân giải nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2023. Từ dự án liên kết sản xuất lúa chất lượng cao trên “quê hương 5 tấn” của năm trước, Luân đến cuộc thi năm nay khi đã trở thành chủ doanh nghiệp.
Sau khi nhận giải nhì cuộc thi năm ngoái, anh được tổ chức Đoàn tín chấp vay vốn ưu đãi, đối thoại với lãnh đạo tỉnh cùng các tập đoàn nông nghiệp lớn nên có thêm động lực và cơ hội hợp tác. Trở lại diễn đàn thanh niên nông thôn, Luân cho biết đã được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học và phát triển cộng đồng mà với anh là vinh dự lớn.
“Tôi được như hôm nay nhờ những bài học từ cuộc thi cùng sự hỗ trợ của Huyện Đoàn Quỳnh Phụ rất nhiều. Tôi mong kết nối và truyền cảm hứng ấy đến các bạn trẻ cùng chí hướng”, Luân bày tỏ.