(VNF) – Trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được đánh giá tích cực, hưởng lợi từ sự dịch chuyển khỏi Trung Quốc thì dòng vốn gián tiếp trên thị trường cổ phiếu lại có dấu hiệu chảy mạnh khỏi Việt Nam.
Tiếp tục hưởng lợi nhờ sự chuyển dịch vốn
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang trở thành một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, kết quả mà Việt Nam đạt được từ thu hút FDI trong những năm gần đây được đánh giá rất tốt.
Số liệu cho thấy, năm ngoái, Việt Nam thu hút hơn 34 tỷ USD vốn đăng ký, với số vốn giải ngân thực tế đạt khoảng 20 tỷ USD. Riêng trong năm 2024, Việt Nam vẫn thu hút được hơn 20 tỷ USD, giải ngân khoảng 15-16 tỷ USD.
Một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào thành công này là xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhiều doanh nghiệp quốc tế đang có xu hướng tìm kiếm các nền kinh tế thứ ba để thay thế và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam cũng là một trong những nước trong khu vực hưởng lợi ích nhất định trong dòng chuyển dịch đầu tư quốc tế này.
“Nhìn chung trên toàn thế giới, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài giảm xuống, bởi vì phần lớn đầu tư FDI vẫn xuất phát từ nền kinh tế thu nhập cao. Thời gian qua, các nước thu nhập cao chú trọng đầu tư trong nước do các biến động về mặt địa chính trị”, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết.
Dù tổng dòng vốn đầu tư trên thế giới có xu hướng giảm, nhưng riêng khu vực châu Á, do xu hướng rút đầu tư khỏi Trung Quốc và tìm một quốc gia khác nên tại khu vực Đông Nam Á thì kết quả tương đối thuận lợi. Ông Hùng nhấn mạnh Việt Nam nằm trong nhóm hưởng lợi và xu hướng này sẽ tiếp tục trong vài ba năm tới.
Bên cạnh xu hướng chuyển dịch dòng vốn chung, Việt Nam cũng có những yếu tố nội tại thu hút đầu tư nước ngoài như chính sách nhất quán về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức khi mà dòng vốn FDI đang bắt đầu đạt ngưỡng gây áp lực lên hạ tầng trong nước, bao gồm hạ tầng giao thông, năng lượng. Mặt khác, chi phí logistics của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Để tận dụng tốt cơ hội từ dòng vốn FDI và duy trì sức cạnh tranh của mình, ông Hùng khuyến nghị rằng Việt Nam cần tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng cơ sở, giảm chi phí vận chuyển, và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.
6 tỷ USD rút khỏi thị trường cổ phiếu
Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng đang là một mảng được quan tâm, đặc biệt là từ các nhà đầu tư quốc tế. Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital, đầu tư gián tiếp vào Việt Nam chủ yếu thông qua hai kênh chính là cổ phiếu và trái phiếu. Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý rằng thị trường trái phiếu Việt Nam hiện tại chưa thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, khi lợi suất của trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm chỉ đạt khoảng 2,7%, một con số khá thấp so với nhiều thị trường khác.
Trên thị trường cổ phiếu, dòng vốn ngoại đang có xu hướng rút khỏi thị trường khi từ đầu năm đến nay đã ghi nhận dòng tiền ngoại rút ròng khoảng 3 tỷ USD. Nếu tính trong giai đoạn 3-4 năm gần đây, tổng lượng vốn ngoại rút ra lên đến khoảng 6 tỷ USD, chiếm 7% dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Theo ông Tuấn, hiện tượng này có ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất, Việt Nam vẫn thuộc nhóm thị trường cận biên (frontier market). Ông Tuấn cho rằng nếu Việt Nam không sớm được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi (emerging market), các quỹ đầu tư bị động sẽ sớm rời khỏi thị trường trong thời gian tới.
Thứ hai, mức chiết khấu về định giá của thị trường cận biên Việt Nam hiện tại so với thị trường Mỹ đang ở mức 31-35% so với bình quân quá khứ khoảng 25%. Điều này cho thấy nhà đầu tư có xu hướng chọn thị trường Mỹ hơn so với thị trường cận biên như Việt Nam.
Cuối cùng, ông Tuấn cũng cho rằng thị trường Việt Nam bị gắn nhãn tương đồng với thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh những thị trường giống với Trung Quốc có mức “outflow” rất mạnh trong giai đoạn 3 – 5 năm vừa qua.
Tuy nhiên, ông Tuấn bày tỏ sự lạc quan về khả năng nâng hạng của thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Việc nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi có thể diễn ra vào tháng 9 hoặc sớm hơn vào tháng 3 năm sau. Nếu Việt Nam được nâng hạng, đây sẽ là cú hích lớn cho thị trường chứng khoán, giúp thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư bị động, đồng thời tạo sức hút cho các nhà đầu tư chủ động (active funds) quan tâm nhiều hơn đến thị trường.
Ông Tuấn cũng tin tưởng rằng với đội ngũ lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn và tạo ra một kỷ nguyên mới, khác biệt so với Trung Quốc.