Khối ngoại tăng rót tiền vào bất động sản công nghiệp

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) bất động sản công nghiệp diễn ra sôi động, chiếm trên 90% tổng vốn mà khối ngoại rót vào địa ốc, theo Cushman & Wakefield.

Thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Các nhà sản xuất lớn toàn cầu đang mở rộng cơ sở sản xuất trong chiến lược “Trung Quốc +1” và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Xu hướng này thúc đẩy các thương vụ M&A bất động sản công nghiệp Việt Nam diễn ra mạnh mẽ.

Mới đây, Tập đoàn Tripod Technology của Đài Loan đã thuê lại 18 ha đất tại khu công nghiệp Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) xây nhà máy sản xuất các loại mạch điện tử và bảng mạch. Tại Bắc Ninh, tập đoàn Johnson Health Tech (Đài Loan) cũng đăng ký dự án đầu tư với tổng vốn 100 triệu USD vào khu công nghiệp Thuận Thành 1. Kế hoạch là xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị thể dục thể thao.

Trước đó vào tháng 3, quỹ đầu tư của Singapore là Mapletree Logistics Trust đã chi hơn 50 triệu USD mua lại hai nhà kho hạng A tại Bình Dương và Hưng Yên; Frasers Property Vietnam đầu tư hơn 250 triệu USD mở rộng danh mục đầu tư các khu công nghiệp phía Bắc; Foxconn rót 100 triệu USD thuê thêm đất tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) và Khu công nghiệp WHA 1 (Nghệ An)…

Ngoài các loại hình bất động sản công nghiệp truyền thống trên, thị trường còn chứng kiến các loại hình mới nổi nằm bên trong khu công nghiệp.

Cụ thể như VNG Corporation và ST Telemedia Global Data Centres hợp tác về xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế tại TP HCM; Daiwa House Logistics Trust hoàn tất việc mua lại dự án D Project Tan Duc 2 tại Long An, với mức giá 26,5 triệu USD; Lineage – một trong những quỹ tín thác bất động sản công nghiệp – hoàn tất liên doanh với đơn vị vận hành kho lạnh SK Logistics, khai thác hai dự án kho lạnh tại Hà Nội và Hưng Yên…

Bất động sản công nghiệp tại khu công nghiệp Nhơn Trạch. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản công nghiệp tại khu công nghiệp Nhơn Trạch. Ảnh: Quỳnh Trần

Xu hướng này cũng thể hiện qua báo cáo của các công ty tư vấn thị trường. Công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết giai đoạn 2020-2024, tổng giá trị giao dịch M&A bất động sản đạt 2,94 tỷ USD, trong đó bất động sản công nghiệp dẫn đầu với tỷ trọng 40%. Riêng 9 tháng đầu năm, bất động sản công nghiệp chiếm đến 91% tổng giá trị giao dịch, đạt 178 triệu USD.

Trước đó, báo cáo tổng quan thị trường M&A bất động sản Đông Nam Á, do EY Parthenon công bố cho thấy tổng giá trị các thương vụ mua bán sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản 7 tháng đầu năm tại thị trường Việt Nam đạt 874 triệu USD. 16 trên 24 thương vụ thuộc về M&A bất động sản công nghiệp, 92% người mua là nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Hàn Quốc.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho hay hoạt động M&A bất động sản công nghiệp cũng diễn ra rầm rộ nhờ vào những chính sách đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối trọng điểm như hệ thống cao tốc Bắc – Nam và sân bay quốc tế Long Thành cũng như các luật mới được thông qua giúp tăng nguồn cung, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, giá thuê ở Việt Nam cũng cạnh tranh so với các nước trong ASEAN (giá thuê đất khu công nghiệp trung bình đạt 154 USD một m2, nhà xưởng, nhà kho xây sẵn là 4,6-4,8 USD mỗi m2 một tháng).

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, cho rằng chi phí cạnh tranh, tăng trưởng thương mại điện tử, chính sách thương mại cởi mở và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề như thủ tục đầu tư, hệ thống pháp luật liên quan đang dần hoàn thiện, tạo ra sự thông thoáng trong quy định về đầu tư phần nào gỡ bỏ nhiều rào cản hiện hữu cho các hoạt động M&A bất động sản.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, M&A bất động sản công nghiệp cũng đối mặt nhiều thách thức, chủ yếu nằm ở thủ tục hành chính, định giá chính xác tài sản và khả năng tiếp cận bất động sản tốt. Việc đảm bảo hoạt động hậu M&A cũng là khó khăn không nhỏ, đòi hỏi sự hòa hợp về quy trình, hệ thống và văn hóa doanh nghiệp.

Dự báo về triển vọng thị trường này thời gian tới, bà Trang Bùi cho rằng Việt Nam vẫn liên tục nhận được yêu cầu từ các nhà đầu tư đối với các tài sản công nghiệp và hậu cần, thông qua việc mua lại quỹ đất và các bất động sản đang hoạt động. Nhu cầu rất lớn, còn lại là chất lượng tài sản, tốc độ tăng trưởng giá thuê, quy mô giao dịch và thời hạn sử dụng đất chính là những yếu tố mấu chốt cho quyết định “chốt deal” của nhà đầu tư.

Hiện nay quỹ đất cho các khu công nghiệp tại Việt Nam đã lên đến 150.000 ha, dần khẳng định vị thế là một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Tương lai nguồn cung này sẽ còn tăng trưởng đáng kể, tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường M&A. Cụ thể, với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và Nam, nguồn cung tương lai đất công nghiệp dự kiến có thêm 10.600 ha, với tốc độ tăng trưởng 7,5% mỗi năm. Loại hình nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cũng sẽ tăng thêm lần lượt 1,9 triệu m2 sàn và 2,6 triệu m2 sàn, tốc độ tăng trưởng 5,9% và 10,1% mỗi năm.

Bên cạnh đó, kết quả từ bầu cử tổng thống Mỹ tác động đến sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Nhìn lại giai đoạn 2017-2018 khi tổng thống Donald Trump đương nhiệm, thị trường bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ các chính sách của ông. Do đó, trong giai đoạn 2024-2027 có thể kỳ vọng vào một bước phát triển tương tự.

Với tham vọng thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp mới tại Đông Nam Á và những nỗ lực của Chính phủ, các chuyên gia cho rằng thị trường công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư.

Phương Uyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin