Nếu bạn muốn giữ cho những mối quan hệ cá nhân cũng như công việc được tốt đẹp, vui vẻ thì tuyệt đối đừng nên nói ra những điều này.
Trong cuộc sống, đôi khi chỉ một chút sơ suất trong giao tiếp cũng có thể khiến bạn mất đi mối quan hệ tốt đẹp với những người thân thiết, đối tác làm ăn… Ứng xử khéo léo trong giao tiếp không hề khó, điều quan trọng là bạn thực sự để tâm và trận trọng những mối quan hệ xung quanh mình.
Những người khôn khéo sẽ biết khi nào cần cư xử cứng rắn, khi nào cần linh hoạt và luôn tránh những lời nói dễ làm người thân cận họ mất lòng, bị tổn thương.
Dưới đây là những lời nói mà họ tuyệt đối tránh khi trò chuyện với những người thân:
Không nên nói với sếp
Đừng trông chờ vào việc tăng lương nếu bạn còn nói với sếp những câu như: “Đó không phải là nhiệm vụ của tôi”. Những phản ứng tiêu cực sẽ ngáng đường sự nghiệp của bạn.
Một công việc nằm ngoài các nhiệm vụ hàng ngày có thể là cơ hội để người quản lý thấy được sự linh hoạt của bạn, nó cũng thể hiện sự tin tưởng của họ khi giao cho bạn một thử thách mới. Nếu cảm thấy mình không đủ thời gian để thực hiện, có thể chủ động thông báo với sếp về vấn đề này và đề đạt mong muốn hỗ trợ. Việc vui vẻ đồng ý với thử thách cho thấy bạn là một nhân viên luôn với thái độ tích cực và chủ động.
Không nên nói với con cái
Một quy tắc bất di bất dịch trong nuôi dạy con cái là không bao giờ được đi so sánh con mình với người khác, ngay kể cả anh chị em của chúng. Những câu nói như “Sao con không giống như chị gái vậy?” chỉ khiến chúng cảm thấy thiên vị không thỏa đáng và hạ thấp lòng tự trọng của chúng.
So sánh là một việc làm tồi tệ dù với bất kỳ lứa tuổi nào. Thay vào đó, tại sao bạn không đề nghị giúp đỡ khi thấy chúng gặp vấn đề. Tất nhiên nên lựa chọn thời gian phù hợp để tránh sự giúp đỡ khiến con mình ỷ lại. Cách tốt nhất là nên đặt các câu hỏi điều hướng sự trả lời của bé để con tự đi tìm giải pháp cho bản thân.
Nếu bạn có chung sống với con riêng của chồng/vợ thì cần phải hiểu, không bao giờ nên ép buộc đứa trẻ làm việc gì mà bạn cho là đúng. Cha mẹ và con cái luôn có một mối quan hệ khó xâm phạm và việc cố gắng chứng minh bạn tốt hơn cha/mẹ ruột của chúng chỉ làm tổn thương cảm xúc và gia tăng sự oán giận mà thôi.
Không nên nói với vợ/chồng
Không có gì tệ hơn khi nói với bạn đời rằng bạn không hề tin tưởng họ. Điều đó dễ khiến đối phương cảm thấy bị buộc tội và ấm ức. Thay vì thế, bạn có thể nói những câu giảm nhẹ hơn như: “Em thấy khó tin những lời anh nói”.
Một cụm từ khác cũng không nên nói là “anh đang hơi quá rồi đấy” vì nó sẽ khiến đối phương cảm thấy bị coi thường cảm xúc. Bất cứ ai, nhất là đối tác như vợ/chồng luôn cần được chia sẻ và lắng nghe những tổn thương của họ mà không sợ bị phán xét.
Không nên nói với bạn bè
Nếu bạn thân của bạn vừa kết thúc một mối quan hệ lâu năm thì đừng nói những câu sáo rỗng như: “Đừng buồn, còn nhiều cơ hội và thời gian mà”. Điều này chỉ ghim vào tâm trí họ một chiếc đồng hồ đếm ngược để vội vã bắt đầu một mối quan hệ khác.
Để gặp được đúng người hoặc tìm được một công việc như ý không phải là chuyện một sớm một chiều, vì thế đừng gây áp lực cho họ ngay cả khi bạn có ý tốt.
Không nên nói với bác sĩ của bạn
Công việc của bác sĩ là những người khám bệnh và đưa ra cách điều trị, vì thế họ sẽ chẳng bao giờ nói dối. Đáp lại, bạn cũng đừng bao giờ nói dối họ về việc điều trị của bản thân. Nếu bạn không nói là bạn đã dừng dùng loại thuốc mà họ kê được một thời gian thì họ không thể đánh giá chính xác tác dụng của việc sử dụng thuốc để tiếp tục hướng điều trị chính xác.
Không nói với anh chị em
Đừng bao giờ hỏi anh chị em của bạn “Sao anh/chị/em lại cứ quản lý tôi như vậy?” vì nó cho cảm giác thù địch. Vì họ yêu quý bạn và luôn mong những gì tốt đẹp nhất đến với bạn nên mới muốn bảo vệ bạn. Thay vì cảm thấy khó chịu, bạn nên cảm thấy may mắn và tôn trọng vì sau lưng luôn có người phòng thủ vững chãi. Tất nhiên, bạn là một người trưởng thành và có thể tự quyết những gì mình làm nhưng cũng đừng nói những lời làm tổn thương anh chị em của mình, những người sẽ luôn ở cạnh bạn.
Không nên nói với giáo viên của con cái
Có rất nhiều điều bạn không nên nói trước mặt con cái và buộc tội giáo viên của chúng chính là một trong số đó. Làm như thế đồng nghĩa bạn cho phép con mình nói chuyện với giáo viên một cách thô lỗ và thiếu tôn trọng.
Cụm từ “Cô không biết cô đang làm gì đâu” cũng là một điều nên tránh. Giáo viên được đào tạo để xử lý kỷ luật trong lớp học và đều đã được công nhận qua bằng cấp, vì thế, bạn mới chính là người không hiểu hết những việc mà họ đang làm.
Không nên nói với cha mẹ bạn
Tuyệt đối không bao giờ được nói “Con ghét cha/mẹ” bởi đó là câu nói gây tổn thương nhất. Ngay cả trong những lúc nóng giận nhất cũng phải nhớ nghĩ kỹ trước khi nói để tránh những hối tiếc sau này. Bạn có thể ngậm chặt miệng lại, nhắm mắt và hít thở sâu thay vì đả kích để giữ gìn mối quan hệ quý báu này.
Không nên nói với thợ sửa chữa
Bạn có một chiếc xe hơi và cần phải đi bảo dưỡng. Bạn biết nó sai ở đâu và yêu cầu rõ người thợ chỉ sửa lỗi đó. Nhưng đó là cách làm hoàn toàn sai, bởi là một người thợ được đào tạo bài bản, họ biết phải sửa từ đâu và sửa những gì.
Họ sẽ vẫn lắng nghe ý kiến của bạn nhưng bạn không nên can thiệp quá nhiều vào chuyên môn của họ để tránh làm suy giảm khả năng phân tích và phán đoán. Bởi vì một lỗi nhỏ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nên bạn cũng hãy để họ thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất.