TTO – Theo trang web chuyên về mảng công nghệ, khởi nghiệp CBInsights, tính đến tháng 1-2019 có khoảng 369 kỳ lân trên toàn thế giới. Kỳ lân, tiếng Anh: unicorn – là thuật ngữ được dùng để chỉ về những công ty start-up được định giá tỉ USD.
Phong cách đối lập của Garrett Camp (trái) và Travis Kalanick – Ảnh: Brandriddle
Phố xá Đông Nam Á cũng như nhiều khu vực hiện đã không còn bóng dáng của Uber. Nhưng câu chuyện về ứng dụng gọi xe từng được định giá đến 80 tỉ USD vẫn luôn là chủ đề nóng hổi mỗi ngày ở các tạp chí, sự kiện liên quan đến start-up trên toàn thế giới.
Đã và vẫn đang đứng trong muôn vàn dông bão, Uber vươn mình trở thành một huyền thoại trong giới start-up như thế nào?
Thần tượng và kẻ tội đồ
Có thể nói ở Thung lũng Silicon (Mỹ), hiếm ai có thể ngồi vào vị thế đặc biệt của Travis Kalanick.
Với rất nhiều tín đồ công nghệ và dân khởi nghiệp, Kalanick là một thần tượng vì đã xây dựng thành công một đế chế Uber mà bất kỳ ai cũng khát khao vươn tới.
Nhưng trong mắt vô số người, Kalanick cũng đồng thời là “cái gai” hay thậm chí là một kẻ tội đồ.
Một mặt, ứng dụng Uber đã thổi bay hàng triệu việc làm của các tài xế taxi truyền thống. Mặt khác, chàng cựu sinh viên ĐH UCLA (Hoa Kỳ) là người khá ngạo mạn, ngông cuồng và chưa bao giờ bận tâm giấu điều đó.
“Kalanick không phải là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng hay thậm chí không phải là CEO đầu tiên của Uber, nhưng không có anh ấy thì sẽ không có Uber” – trang BusinessInsider từng khẳng định về gương mặt tỉ phú USD 43 tuổi này.
BusinessInsider không là ngoại lệ. Hầu hết các bài viết, thông tin về Uber đều chủ yếu xoay quanh hành động, phát biểu của Kalanick thay vì về “cha đẻ” Uber là nhà thiết kế phần mềm người Canada Garrett Camp.
Ý tưởng về Uber manh nha khi cả Kalanick và Garrett đều cảm thấy chán nản, thất vọng với dịch vụ taxi tệ hại ở các thành phố lớn như San Francisco, New York (Mỹ), Paris (Pháp)…
Nhưng phải đến khi cả hai cùng trải qua cảm giác co ro, tê cóng vì không cách gì đón được taxi trong một cơn bão tuyết tại Paris – nơi Kalanick và Garrett đến để dự hội nghị LeWeb năm 2008, ý tưởng trên mới được thảo luận chi tiết, nghiêm túc hơn.
Sau buổi trò chuyện trên đỉnh tháp Eiffel, cả hai quyết định thành lập Công ty UberCab.
Dẫu chung ý tưởng nhưng Kalanick lại chọn lối suy nghĩ khác biệt.
Nếu như Garrett muốn thành lập một mô hình doanh nghiệp sở hữu những chiếc xe Limousine cao cấp và thuê người lái để phục vụ khách hàng, Kalanick lại cho rằng không cần thiết phải mua xe, mà chỉ cần đưa ứng dụng cho các tài xế và như thế sẽ lợi hơn nhiều.
Với hình thức này, những tài xế sẽ có sự linh động về giờ giấc, còn công ty sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí.
Sau này UberCab cũng dần điều chỉnh phân khúc khách hàng, phục vụ đối tượng đa dạng hơn.
Sóng gió tứ bề
UberCab ra mắt vào tháng 5-2010 tại San Francisco (Mỹ), số lượng xe lẫn khách đều lác đác vì thời điểm đó mọi người chỉ biết đến dịch vụ này thông qua truyền miệng hoặc trang Twitter của một số tín đồ công nghệ.
Thời điểm đó, Kalanick và Garrett đều phạm phải một sai lầm lớn là không dồn toàn bộ thời gian, công sức cho “đứa con tinh thần” mới ra đời.
Cả hai đều có công việc riêng và đưa một nhân viên “mới toe” của UberCab làm CEO chỉ vì đây là điều kiện quan trọng để có thể chính thức huy động vốn.
Dẫu là một người dày dạn kinh nghiệm trong việc tạo mối quan hệ và thuyết phục các nhà đầu tư (trước Uber, Kalanick từng lèo lái một số công ty khởi nghiệp và thậm chí bán được chúng với giá hời), nhưng Kalanick và cộng sự liên tục nhận về những cái lắc đầu.
Có nơi cho rằng công ty chưa đủ lớn để phải quan tâm hoặc thấy rủi ro cao khi phải đầu tư vào một nơi mà những nhà đồng sáng lập không toàn tâm toàn ý cho sản phẩm của mình…
Sau nhiều lần chật vật, công ty cũng gọi được khoản đầu tư đầu tiên trị giá 1,25 triệu USD và sau đó Kalanick quyết định dành toàn bộ thời gian cho UberCab.
Không chỉ đau đầu về câu chuyện gọi đầu tư, UberCab từng rơi vào khủng hoảng vì những sai lầm chết người.
Chẳng hạn, trong một dịp lễ Halloween, công ty “tặng quà” bằng cách giảm giá cho khách gọi xe. Vì điều này mà số lượng khách gọi xe tăng vọt, dẫn đến việc… chẳng ai gọi được xe!
Sau việc này, UberCab (sau đó rút ngắn tên lại là Uber) có được bài học không nên giảm giá hoặc tặng quà khuyến mãi ở những thời điểm có nhu cầu tăng cao.
Sau đó, Uber đã áp dụng chính sách ngược lại từng gây nên tranh cãi dữ dội: nâng giá xe vào những lúc cầu vượt cung (giờ tan ca, trời mưa…).
Dẫu chính sách này khiến Uber hứng chịu nhiều chỉ trích, nhưng cuối cùng mọi người đều công nhận đây là lựa chọn tốt hơn là việc không đón được tài xế nào trên đường lúc cần thiết.
Ngay cả huyền thoại của đế chế Amazon là Jeff Bezos sau này cũng dành tặng lời khen rằng đó là một quyết định đúng đắn của Uber.
Trong cuộc sống, đôi khi việc đi theo hoặc chiều lòng số đông sẽ chẳng thể giải quyết vấn đề. Và trong khởi nghiệp cũng không là ngoại lệ.
Với khởi nghiệp, thử thách luôn chực chờ
Ngay cả khi đã trở thành “kỳ lân” đắt giá hàng đầu thế giới như thời điểm hiện tại, Uber vẫn phải luôn trong trạng thái đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Chẳng hạn như câu chuyện ngày càng nhiều dịch vụ cung cấp xe tương tự ra đời, hay như việc một Kalanick huyền thoại từng hứng chịu nhiều đơn kiện cáo, phản ứng dữ dội từ bên ngoài đến nội bộ đến mức phải rời ghế CEO công ty là “thành tựu” của cả cuộc đời mình…