Không có lý do để điều chỉnh tỷ giá lúc này

Tuần qua (23-27/11), thị trường tài chính ngân hàng chứng kiến sự biến động mạnh mẽ của tỷ giá.

Cụ thể, những ngày đầu tuần, giá USD ngân hàng bán ra lên tới 22.540 đồng/USD, chỉ kém 7 đồng so với mức trần Ngân hàng Nhà nước cho phép. Mức giá này cũng cao hơn tới 65 đồng so với giá bán USD của NHNN niêm yết tại sở giao dịch. Giá mua vào được đẩy lên 22.470 đồng.

Ngoài thị trường tự do, giá USD được giao dịch từ 22.650 – 22.680 đồng, duy trì khoảng cách chênh lệch với USD ngân hàng từ 140 – 180 đồng.

USD tăng chủ yếu do tâm lý

Đã có một số lo ngại rằng, tỷ giá biến động mạnh sẽ gây áp lực lên chính sách điều hành của NHNN, buộc cơ quan quản lý phải ra tay. Lo ngại này chủ yếu xuất phát từ những nghi ngại rằng nhu cầu USD đang gia tăng do yếu tố mùa vụ, cộng với tác động từ khả năng tăng lãi suất ngày một cao từ Fed.

Với những diễn biến mạnh trên thị trường, ngày 27/11, Ngân hàng Nhà nước đã triệu tập một cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại để trao đổi về các vấn đề về chính sách tiền tệ, trong đó có đề cập đến những biến động của tỷ giá gần đây.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, tại cuộc họp này, Thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát thị trường, điều hành tỷ giá theo hướng ổn định nhưng không cố định, biến động trong giới hạn kiểm soát của NHNN và can thiệp kịp thời để đảm bảo sự ổn định đó.

Tư lệnh ngày ngân hàng cũng khẳng định, tỷ giá biến động không phải do cung cầu mà do tâm lý. NHNN yêu cầu các ngân hàng nên tránh tin đồn, tích cực truyền thông cho khách hàng và báo chí, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu bán ngoại tệ cho ngân hàng thay vì găm giữ và sau đó mua lại USD theo kỳ hạn hoặc mua giao ngay trong tương lai.

Nhìn nhận về diễn biến tỷ giá thời gian qua, các chuyên gia cũng đồng ý kiến khi cho rằng, sự biến động tỷ giá chủ yếu do tâm lý, còn trên thị trường cung cầu có tăng song chưa đến mức các ngân hàng không thể đáp ứng. Ít nhất từ nay đến cuối năm, NHNN vẫn chủ động điều hành được chính sách và không có lý do gì để tỷ giá tăng lúc này.

Sau cuộc họp của NHNN, tỷ giá đã ngay lập tức hạ nhiệt khoảng 20 đồng. Đến cuối tuần này, giá bán USD ngân hàng đã giảm về còn quanh 22.520 đồng trong khi giá mua vào cũng về 22.450 đồng.

Có thể tăng tỷ giá vào đầu 2016

Sau diễn biến mạnh mẽ trên thị trường, nhiều công ty phân tích cũng đã đưa ra các báo cáo nhận định về khả năng biến động của tỷ giá với chung ý kiến rằng áp lực lên thị trường năm tới là rất lớn.

CTCK TP.HCM (HSC) cho rằng, nhu cầu đối với USD theo mùa trước thời điểm cuối năm cho mục đích thanh toán đã bắt đầu gia tăng. Và với khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% bên cạnh việc IMF có kế hoạch gặp gỡ xem xét việc trao quyền rút vốn đặc biệt cho đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, cũng có những yếu tố bên ngoài tác động khác đến tỷ giá.

HSC đồng thời nghi ngờ liệu NHNN sẽ nỗ lực hết mức đảm bảo các diễn biến tỷ giá thuận lợi trong giai đoạn từ nay đến cuối năm và miễn cưỡng thực hiện các tác động chính sách hơn nữa trong thời gian này. Công ty chứng khoán này cho rằng có thể sẽ có sự điều chỉnh tỷ giá vào đầu năm tới.

Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) trong khi đó cho rằng, với dự báo USD tiếp tục tăng giá trên thị trường quốc tế trong tháng 12 cộng với các yếu tố mùa vụ về mặt nhập siêu, nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng, thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục diễn biến khá căng thẳng.

Riêng từ nay đến cuối năm, BIDV cho rằng, chủ trương nhất quán và các giải pháp can thiệp từ phía ngân hàng Nhà nước sẽ giúp tỷ giá tiếp tục duy trì trong biên độ cho phép nhưng nhìn chung giao dịch ở mặt bằng cao, dự kiến chủ yếu quanh khoảng 22.450-22.500 đồng từ nay đến cuối năm. Nhưng năm 2016 thị trường sẽ diễn biến phức tạp và dự báo VNĐ có thể giảm giá thêm khoảng 3-4% so với USD và tỷ giá USD/VNĐ sẽ tăng vượt qua mức 23.000 đồng đổi 1 USD.

Đồng quan điểm BIDV, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng đà tăng của tỷ giá hiện tại có thể xuất phát từ yếu tố khách quan là đồng USD trên thị trường thế giới đang tăng lên mức cao so với euro, yen Nhật. Ngoài ra, do yếu tố mùa vụ, tỷ giá cũng thường có xu hướng tăng mạnh trong thời điểm cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu cũng như trả các khoản nợ bằng ngoại tệ trước hạn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, BVSC vẫn tin tưởng nhà điều hành sẽ có động thái can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo mục tiêu sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến hết năm. Mặc dù vậy, bước sang đầu năm 2016, khi áp lực phải bảo toàn cam kết không còn nữa, tùy vào diễn biến thực tế, nhà điều hành có thể sẽ có quyết định điều chỉnh tỷ giá nếu thấy cần thiết.

 

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin