Không có xe vẫn được kinh doanh vận tải?

Cơ quan quản lý không nên chọn cách dễ quản lý mà đẩy cái khó về phía doanh nghiệp.

TIN MỚI

Dự thảo nghị định mới nhất thay thế Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ. Điểm đáng chú ý của dự thảo này là bãi bỏ quy định số lượng xe tối thiểu đối với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải. Cụ thể, Nghị định 86/2014 quy định DN taxi phải có tối thiểu 10 xe, đối với đô thị loại đặc biệt phải là 50 xe.

Bãi bỏ điều kiện vô lý

Lý giải về việc bỏ điều kiện về xe tối thiểu, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT, nói hiện nay Nhà nước đang khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ kinh doanh, phát triển. Do vậy, nếu tiếp tục quy định về số lượng xe tối thiểu, đương nhiên các DN nhỏ không thể tham gia được sân chơi vận tải. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa.

Nhiều DN vận tải, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh… cũng than thở với quy định buộc phải có tối thiểu 50 xe thì họ cần số tiền trên 10 tỉ đồng và phải có trên 50 lao động. Chính vì vậy, chỉ có những DN lớn mới đủ khả năng đáp ứng quy định này. Thậm chí ngay cả các DN lớn nếu đầu tư 49 chiếc xe đắt tiền, chất lượng cao (còn thiếu một xe) cũng không được phép kinh doanh taxi ở Hà Nội, TP.HCM. Điều này là rất vô lý.

Khách đi xe buýt của một HTX vận tải ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Khách đi xe buýt của một HTX vận tải ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Phạm Quyết Chiến, Giám đốc Công ty 27/7, cho rằng dự thảo sửa đổi Nghị định 86 bỏ quy định DN, HTX phải có số xe tối thiểu mới được kinh doanh vận tải là phù hợp. Bởi với các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội mà quy định phải có 50 xe mới được kinh doanh taxi là rất hình thức.

“Ở hai đô thị này, mô hình DN nhỏ và vừa đang phát triển rất mạnh. Nhưng nếu cứ áp dụng đúng như Nghị định 86 hiện hành thì các DN nhỏ và vừa đành phải “núp bóng” vào nhau dưới dạng các công ty cổ phần, công ty TNHH nhiều thành viên… Có điều các DN nhỏ muốn đứng độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Vì vậy, việc xóa hạn mức tối thiểu 50 xe là một trong những giải pháp nhằm mở cửa cho các DN làm ăn, cạnh tranh bình đẳng” – ông Chiến nhấn mạnh.

Đại diện một số công ty kinh doanh vận tải khác cũng cho rằng điều kiện về số xe tối thiểu lớn như Nghị định 86 không có tác dụng gì trong việc hạn chế quá tải về hạ tầng giao thông và cũng không thể ràng cột được DN nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Bởi DN lớn không đồng nghĩa với chất lượng tốt và DN nhỏ thì chất lượng kém.

Mở cửa để cạnh tranh lành mạnh

Nghị định 86/2014 cũng đặt điều kiện DN xe buýt, vận tải hàng hóa, xe hợp đồng, xe chở khách du lịch cự ly từ 300 km trở lên… phải có từ 10 xe trở lên nếu “có trụ sở đặt tại các TP trực thuộc trung ương và từ năm xe trở lên ở các địa phương khác”. Nhiều ý kiến cho rằng quy định như trên là vô lý, dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện, “hành” DN và không phù hợp với thực tế.

“Tại TP.HCM, nhiều HTX có vốn điều lệ đăng ký và tổng giá trị tài sản sở hữu chỉ khoảng 200 triệu đồng, còn lại số xe kinh doanh vận tải thuộc sở hữu của các thành viên, nghĩa là HTX chỉ đứng ra làm dịch vụ hỗ trợ. Như vậy, các HTX không có lấy một chiếc xe đúng nghĩa nhưng họ vẫn kinh doanh vận tải…” – ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, nêu ví dụ để chứng minh cho sự bất hợp lý của quy định trên.

Ngược lại, một số ý kiến lo ngại thị trường vận tải sẽ loạn nếu bỏ các điều kiện như trên. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nói: “Không nên bỏ quy định về số xe tối thiểu. Vì vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó phải có quy định số lượng phương tiện tối thiểu để nâng tầm DN, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng không phải quản nhiều đầu mối”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, DN đều thống nhất cho rằng cơ quan quản lý nhà nước không thể chọn cách “ít đầu mối, dễ quản lý hơn” mà đẩy cái khó về phía DN, hộ kinh doanh. Nhà nước nếu chỉ thấy có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh mà cấm cản hoặc đặt ra điều kiện tối thiểu đồng nghĩa với ngăn cản cả cạnh tranh lành mạnh là không đúng. Nếu DN có ít xe, hoạt động không hiệu quả thì sẽ tự rút lui khỏi thị trường… chứ không nên dùng “mệnh lệnh hành chính” để can thiệp.

Luật Đầu tư 2014, Luật DN 2014, Luật HTX 2013 và Luật Giao thông đường bộ 2008 đều không có quy định về việc kinh doanh vận tải đường bộ phải có vốn pháp định hay số vốn tối thiểu.

Theo các luật này, DN, HTX hay hộ kinh doanh chỉ cần có một chiếc ô tô hoặc không có xe mà có vốn đăng ký (200-300 triệu đồng, nhỏ hơn giá trị một chiếc xe bốn chỗ mới) đều có thể tham gia kinh doanh vận tải bằng ô tô. Do đó, việc đặt ra điều kiện về xe tối thiểu tại Nghị định 86 là “chỏi” với các luật trên.

_______________________________

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết tính đến cuối tháng 5-2016 số đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ hơn năm xe là 17.799/24.580 đơn vị, chiếm 72,4% tổng đơn vị kinh doanh vận tải cả nước. Trong đó có tới 86,6% xe hợp đồng, 76,9% xe du lịch, 78,4% xe tải… không đạt quy mô lượng xe tối thiểu quy định tại Nghị định 86.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin